Tháng 3/2014, Tim Smedley chào đón đứa con gái đầu lòng ra đời tại Bệnh viện St Mary’s ở Paddington (Anh), một ngày mới tràn ngập yêu thương của một người cha lạc quan nhiều hy vọng. Đó cũng là ngày mà anh rảo bước trên một trong những con đường ô nhiễm không khí nhất của một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu. Lúc đó, anh chưa từng để ý hay quan tâm.
Những ngày tháng tiếp sau đó, một nhận thức mới về vấn đề ô nhiễm không khí, những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn của không khí bẩn mà mọi người đang hít thở hàng ngày xuất hiện trong đầu anh - một nhà báo viết về phát triển bền vững.
Nhiều thành phố có chất lượng không khí đáng báo động. Ảnh: NBC NEWS. |
Ô nhiễm không khí - kẻ giết người thầm lặng
Tim Smedley bắt đầu quan tâm hơn đến những vệt màu nâu trên bầu trời, sự ồn ào náo nhiệt của giao thông trung tâm London, lỗ mũi đen kịt sau những ngày đi làm về…
Những thông tin về ô nhiễm khí thải diesel ở phố Oxford, nồng độ nitrogen dioxide (NO2) vượt mức 200µg/m3 (ngưỡng an toàn do WHO thiết lập là 25µg/m3)... xuất hiện trên các mặt báo khiến bản năng nghề nghiệp trong anh trỗi dậy. Anh bắt đầu tìm hiểu thông tin, theo khóa học cấp tốc về hóa học khí quyển… và tập trung nghiên cứu về ô nhiễm không khí.
Hiện tượng ngày tận thế vì ô nhiễm khói bụi, không khí ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sương mù độc hại bao phủ Delhi (Ấn Độ) đạt đỉnh 1.486µg/m3, chất lượng không khí kém ở London (Anh), hiện tượng sương mù quang hóa ở Los Angeles (Mỹ) hay khí thải NOx độc hại ở Paris (Pháp)… xảy ra vào những năm 2010 là chỉ dấu cho thấy ô nhiễm không khí đã và đang là vấn đề toàn cầu.
Theo ước tính, số ca tử vong do hút thuốc lá hàng năm là 7,2 triệu. Một thống kê khác cho thấy số ca tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời hàng năm là 8,79-8,9 triệu.
Nhiều khu đô thị ở hầu hết thành phố trên thế giới, đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Than nội địa, khói thải từ nhiên liệu rắn, hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm, khói thải từ phương tiện giao thông hiện đại, tâm lý đốt mọi thứ có thể cháy được và ít quan tâm đến hậu quả của nó, đặc biệt là nhiên liệu bẩn (gần như không được kiểm soát) được sử dụng trong ngành vận tải đường biển thải ra nhiều NOx và khí thải lưu huỳnh… là nguyên nhân chính.
Ô nhiễm không khí là kẻ giết người thầm lặng, cướp đi sinh mạng của khoảng 19.000 người/ngày, nhiều hơn các nguyên nhân gây chết do HIV, lao, sốt rét và tai nạn xe hơi cộng lại.
Ô nhiễm không khí là gì? Lịch sử về ô nhiễm không khí ở các xã hội sơ khai khi dùng lửa? Những căn bệnh do ô nhiễm không khí gây ra? Chất ô nhiễm nào có hại? Chất dạng hạt nguy hiểm thế nào? Nó đến từ đâu? Chúng ta có thể làm được gì?...
Đó là các câu hỏi Tim Smedley tự đặt ra và đi tìm lời giải trong cuốn sách Clearing the air (Giành lại không khí sạch) vừa được dịch sang tiếng Việt những ngày cuối năm 2020 vừa qua.
Sách Giành lại không khí sạch. Ảnh: Thư Hương. |
Kế hoạch giành lại không khí sạch
Tim Smedley đi khắp thế giới, thu thập thông tin chi tiết từ những người bị ảnh hưởng do ô nhiễm, từ các chuyên gia và cả chính trị gia. Qua Clearing the air, chúng ta có được một cái nhìn chi tiết về tác động, ảnh hưởng của những chất ô nhiễm đến sức khỏe ở mọi giai đoạn của một đời người (nam giới, phụ nữ, trẻ em): Số lượng trẻ sơ sinh bị dị tật tim, giảm dung tích phổi ở trẻ em, ung thư ở người lớn, sa sút trí tuệ ở người già.
Tim Smedley chứng minh lập luận của mình bằng các nghiên cứu kỹ lưỡng thông qua các con số và dữ kiện, tuy nhiên việc nạp quá nhiều con số thống kê, dữ kiện đôi lúc khiến người đọc phổ thông gặp khó.
Sau khi dành phần Hai (Sự đáp trả) để mô tả những nỗ lực đang được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới để đối đầu với thách thức ô nhiễm này.
Tim Smedley đưa ra các tầm nhìn, giải pháp, đề xuất thiết thực của mình cho vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay. Giải pháp này được nhìn nhận ở cấp độ cá nhân, nhà hoạch định chính sách và xã hội có thể chung tay giải quyết thông qua bản thiết kế mẫu kế hoạch chi tiết giành lại không khí sạch (cho các thành phố và cho bạn).
Một kế hoạch chi tiết, có tính quy củ, hướng đến tương lai sạch và xanh, một kế hoạch hành động cho mỗi độc giả cũng như giới chức địa phương có thể loại bỏ mối đe dọa gần như vô hình là các chất ô nhiễm trên đường phố của mình.
Sự sống chính là khí thở. Không khí không còn miễn phí, phí phải trả có khi là mạng sống của ai đó. Không khí sạch đã và đang bị đánh mất và tước đoạt khỏi tay của công dân toàn cầu. Vì vậy, không còn cách nào khác, mỗi cá nhân phải chủ động “giành lại không khí sạch”, như Tim Smedley đã làm và chỉ dẫn cách làm.
Đọc cuốn sách, chúng ta thấy và hiểu rõ hơn về quá trình sống của ô nhiễm không khí, các hạt nano đi qua phổi vào máu gây đột quỵ và đau tim như thế nào, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ chúng ta suy giảm ra sao, nhận thức rõ hơn về vấn đề ô nhiễm không khí hiện tại ở Việt Nam và nhu cầu cấp thiết cần phải hành động để cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố, thị trấn, làng mạc…
Khi Tim Smedley bước ra khỏi bệnh viện ở London năm 2014, anh không biết gì về ô nhiễm không khí đang xảy ra. Cho đến khi hoàn thành cuốn sách Clearing the air, anh đã trải qua một hành trình thú vị, nhiều lúc gây khó chịu, nhưng vẫn tràn trề hy vọng về một thế giới xanh sạch.
Khi dịch cuốn sách này, “Anh hùng môi trường” Ngụy Thị Khanh rất vui vì thấy nó thực sự hữu ích, vui vì thấy hình bóng mình, đồng nghiệp và cộng đồng trong đó, và công việc chuyên môn chị đang làm.