Các tàu chấp pháp Việt Nam tiến gần vào khu vực giàn khoan để thực thi nhiệm vụ thì bị các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng biển của chúng ta lao ra ngăn cản.
Tàu Việt Nam hỗ trợ nhau
Khoảng 9h, khi biên đội tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam đang ở cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 8 hải lý, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu ra kè sát truy cản các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam.
Cụ thể, tàu hải cảnh 31 và tàu đầu kéo truy cản tàu kiểm ngư HP 951, tàu hải cảnh 44103 truy cản tàu cảnh sát biển 2015, tàu hải cảnh 45014 truy cản tàu cảnh sát biển 2016 và tàu hải cảnh 46001 truy cản tàu kiểm ngư 769.
Máy bay Trung Quốc bay trên các tàu chấp pháp Việt Nam - Ảnh: My Lăng |
Ngay sau khi bị tàu Trung Quốc truy cản, các tàu Việt Nam đã nhanh chóng liên lạc để hỗ trợ nhau. Các tàu cảnh sát biển với tốc độ và độ giãn nước lớn hơn đã tìm cách chạy cắt mặt các tàu Trung Quốc nhằm phá đội hình, tạo điều kiện cho các tàu kiểm ngư thoát ra khỏi vòng nguy hiểm.
Sau đó, tàu Trung Quốc đã tập trung tấn công hai tàu kiểm ngư HP 951 và 769. Tuy nhiên, nhờ sự khôn khéo của các thuyền trưởng nên hai tàu đã tránh được các đợt tấn công này của các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Có mặt trên tàu cảnh sát biển 2015, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến suốt buổi sáng tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục đeo bám với tốc độ cao và quặt lái để đâm va vào tàu kiểm ngư HP 951.
Dừng tấn công khi thấy quay phim
Sau khi đâm va bất thành, các tàu hải cảnh và tàu đầu kéo của Trung Quốc đã dàn hàng ngang tiếp tục truy ép và phun vòi rồng vào tàu HP 951.
Phải sau 30 phút bị phun vòi rồng, tàu HP 951 mới thoát được sự bao vây của các tàu Trung Quốc. Dù không có kiểm ngư nào bị thương nhưng tàu HP 951 bị hư hỏng thêm một số thiết bị.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc ngăn cản tàu Việt Nam bằng vòi rồng trong khoảng ba ngày gần đây.
Ngay sau đó, Trung Quốc đưa tàu hải cảnh 45014 theo sát khoảng 30m và sẵn sàng đâm va vào tàu cảnh sát biển 2016, nhưng thuyền trưởng Quản Ngọc Dương đã bình tĩnh chỉ huy tàu luồn lách, kéo giãn đội hình để các tàu kiểm ngư thoát ra khỏi vòng nguy hiểm.
Cùng thời điểm, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng uy hiếp tàu cảnh sát biển 2015. Tuy nhiên, khi còn cách tàu 2015 khoảng 10m thì tàu hải cảnh của Trung Quốc phát hiện nhiều phóng viên trên tàu 2015 đang quay phim, chụp ảnh nên đã dừng việc tấn công.
Sau đó tàu hải cảnh của Trung Quốc đã giữ cự ly khoảng 15m cạnh tàu 2015 và chạy song song theo hơn 1 hải lý mới rời đi.
Trong chiều 31/5, các tàu Trung Quốc vẫn lợi dụng sóng lớn tiếp tục bám theo các tàu Việt Nam nhưng các tàu Việt Nam đều cơ động tránh được.
Theo đại úy Đặng Lê Sơn - thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 2015, với thời tiết xấu như hiện nay, trong vài ngày tới việc tránh né các đợt tấn công đâm va của tàu Trung Quốc sẽ còn rất gian nan.
Bởi các tàu Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục lợi dụng tình hình sóng lớn và tàu to hơn để tiến hành đâm va gây sự cố lớn cho tàu Việt Nam.
Trong sáng 31/5, tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan có 117 tàu các loại, trong đó có hai tàu quét mìn cách giàn khoan khoảng 18 hải lý.
Các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc bố trí ở phía tây nam giàn khoan, cách giàn khoan 28 hải lý. Thông tin từ cảnh sát biển Việt Nam cho hay sáng 31/5, tại khu vực biển Hoàng Sa đã xuất hiện một tốp máy bay Trung Quốc ở phía nam tây nam đảo Tri Tôn.