Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lợi dụng mã giảm giá Shopee để chiếm đoạt tài sản

Nhóm đối tượng chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử Shopee vừa bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ.

Logo sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: Shutterstock.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.

Hiện nay, đối tượng lừa đảo có xu hướng lợi dụng các nền tảng phổ biến trên Internet để tạo dựng kịch bản, tiếp cận nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng mã giảm giá Shopee để lừa đảo

Ngày 20/5, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận cùng đồng phạm lập các gian hàng ảo trên Shopee để chiếm đoạt tiền của sàn TMĐT thông qua mã giảm giá, khuyến mãi.

Kịch bản của đối tượng lừa đảo gồm lập gian hàng ảo, tuyển người chốt đơn mua hàng ảo, tìm kiếm mã giảm giá, áp mã giảm giá, yêu cầu sàn đặt đơn ảo, đóng gói hàng không đúng mô tả, cấu kết giao nhận hàng ảo để lừa sàn TMĐT chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.

Lua ma voucher Shopee anh 1

Tạo lập gian hàng trên Shopee để chiếm đoạt voucher. Ảnh: Cục ATTT.

Tinh vi hơn, đối tượng tạo lập nhiều hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội để dẫn dụ người thiếu hiểu biết về pháp luật tham gia chốt đơn ảo. Chúng còn vào vai người bán lẫn người mua nhằm dựng màn kịch mua, nhận hàng để chiếm đoạt tiền của sàn TMĐT.

Với kịch bản trên, nhóm đối tượng đã tạo các giao dịch mua bán ảo với giá trị hàng chục tỷ đồng, từ đó chiếm đoạt tiền voucher của Shopee trong nửa năm.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân không mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định mức độ uy tín và sự an toàn.

Ngoài ra, chỉ giao dịch khi đã xác nhận độ uy tín, đảm bảo người bán có đủ thông tin về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không tham gia các hội nhóm “việc nhẹ lương cao”, mua hàng nhận tiền hoa hồng để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo.

Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Khi phát hiện dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.

Cảnh báo lừa xuất khẩu lao động sang Australia

Thời gian gần đây xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) và phía Australia đồng ý tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Vào ngày 1/3, Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao & Thương mại Australia đã ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo chương trình PALM (Pacific Australia Labour Mobility).

Lua ma voucher Shopee anh 2

Cảnh báo chiêu trò lừa xuất khẩu lao động tại Australia, làm việc ngành nông nghiệp. Ảnh: Cục ATTT.

Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh các doanh nghiệp được chính phủ lựa chọn, thu tiền người dân trái phép.

Cục ATTT khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ các chương trình xuất khẩu lao động trên mạng xã hội trước khi thực hiện bất cứ giao dịch, đặc biệt là chuyển tiền.

Ngoài ra, tuyệt đối không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho đến khi Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình PALM.

Người dân nên cập nhật thông tin chính xác từ các trang mạng, cổng thông tin chính thống để tránh bị lừa đảo bởi tin tức sai lệch và bị chiếm đoạt tài sản. Với những người có nhu cầu xuất khẩu lao động và quan tâm đến chương trình trên, cần tuyệt đối nắm rõ thông tin, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi tham gia.

Thông tin chương trình sẽ được Bộ LĐTB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và fanpage Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đủ điều kiện đăng ký tham gia.

Cảnh báo các hình thức lừa đảo trên YouTube

Theo Avast Threat Intelligence, tình hình lừa đảo trên YouTube đang ngày càng phổ biến với những thủ đoạn tinh vi như ngỏ lời hợp tác nhà sáng tạo nội dung kèm email chứa mã độc, giả mạo công ty, nhãn hàng chính thống, tạo video hướng dẫn bẻ khóa phần mềm...

Trong số đó, thủ thuật được sử dụng phổ biến trên YouTube là tạo nội dung giả mạo. Bất kể là video có thật hoặc tạo bởi AI, kẻ xấu đều có thể sử dụng nhằm thu hút và điều hướng người dùng cho nhiều mục đích khác nhau.

Thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo qua video chủ yếu tạo nên bởi công nghệ deepfake, nhằm mạo danh người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng. Đối tượng sử dụng AI giả giọng nói, quảng bá và dẫn dụ người dùng truy cập các dịch vụ chứa mã độc.

Với sự phát triển của công nghệ, những video được tạo dựng công phu, khiến người già và trẻ em khó phân biệt.

Lua ma voucher Shopee anh 3

Cảnh báo các hình thức lừa đảo trên nền tảng YouTube. Ảnh: Cục ATTT.

Không chỉ video lừa đảo, YouTube còn trở thành nơi buôn bán mã độc, mời gọi người dùng tham gia phạm tội. Các mã độc nổi bật như Lumma Steeler và Redline Stealer, chuyên đánh cắp dữ liệu người dùng. Chúng xuất hiện dưới vỏ bọc là website chứa phần mềm chính thống nhằm dụ dỗ nạn nhân tải về.

Bên cạnh đó, DarkGate - phần mềm nguy hiểm với khả năng xâm nhập Windows dưới dạng bản cập nhật hệ điều hành - cũng xuất hiện tràn lan trên YouTube.

Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dùng mạng xã hội nói chung và YouTube nói riêng, nên tuyệt đối tỉnh táo trước nội dung mang tính chào mời tham gia các loại hình dịch vụ hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Cẩn trọng và xác thực thông tin các nội dung trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp, phục vụ mục đích phi pháp.

Tuyệt đối không truy cập đường dẫn không rõ nguồn gốc, các đường dẫn quảng cáo, hạn chế tải ứng dụng lạ, tránh bị đối tượng tấn công mã độc chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, người dùng nên cài phần mềm diệt virus chính thống, nâng cao bảo mật cho thiết bị cá nhân, luôn bật tường lửa trong quá trình sử dụng thiết bị, không kết nối Wi-Fi lạ tại nơi công cộng.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Nở rộ kêu gọi từ thiện để lừa đảo

Dù được cảnh báo nhiều lần, tình trạng bị lừa vì các bài đăng kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội diễn ra ngày càng nhiều.

Cảnh báo ứng dụng giả mạo VssID

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người dùng cảnh giác trước các hình thức lừa đảo liên quan đến ứng dụng bảo hiểm số VssID.

FBI cảnh báo lừa đảo qua app hẹn hò

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, sử dụng app hẹn hò để chiếm đoạt tài sản.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm