Pep Guardiola nói còn quá sớm để khẳng định việc Man City hay các đội bóng Anh khác có thể áp đảo châu Âu trong một thời gian dài, giống như cách Real Madrid, Barcelona, Atletico hay Sevilla làm được trong một thập niên qua.
HLV trưởng Man City khẳng định bóng đá Anh chưa thể thống trị châu Âu như La Liga thời gian trước. Ảnh: Reuters. |
Với người Anh, mọi thứ chỉ mới bắt đầu
"Chúng ta phải chờ để xem liệu bóng đá Anh có thể tái hiện đà thống trị của bóng đá Tây Ban Nha hay không", thuyền trưởng Man City nói trước loạt trận cuối vòng bảng Champions League 2021/22. "Cả 4 đội bóng Anh vào vòng 16 đội Champions League mùa này đã là thành công lớn".
Khi còn làm việc ở Barca, Pep tạo ra một đội bóng có sức mạnh vượt trội các đối thủ. Manchester United của Sir Alex Ferguson, dù mạnh nhất nước Anh thời điểm đó, đều bại trận trước Barca.
Tuy nhiên, khi chuyển sang Bayern Munich làm việc, HLV xứ Catalonia mới chứng kiến rõ nhất đà áp đảo của bóng đá Tây Ban Nha tại châu Âu. Trong giai đoạn từ mùa 2013/14 đến 2017/18, tất cả chức vô địch Champions League đều thuộc về những đại diện La Liga.
Với ưu thế tài chính và việc thay đổi mô hình đào tạo trẻ, bóng đá Anh đang có sự thắng thế nhất định ở châu Âu vài năm qua. 2 trong 3 mùa Champions League gần nhất chứng kiến các trận chung kết toàn Anh, với Man City, Chelsea, Liverpool và Tottenham góp mặt.
Tuy nhiên, như Pep khẳng định, chỉ vài ba mùa giải là chưa đủ để khẳng định các đại diện Premier League có thể tái hiện đà áp đảo như La Liga từng làm ở châu Âu.
Người Tây Ban Nha thắng thế ở Champions League và cả Europa League trong một thập niên qua. Để bất kỳ một nền bóng đá nào lập lại được thành tích đó, là chuyện không đơn giản.
Gần một thập niên qua, Real, Barca và Atletico thường xuyên góp mặt ở các trận bán kết và chung kết của Champions League. Thậm chí ở Europa League trong cùng thời điểm, chỉ hai lần các CLB Tây Ban Nha không lên ngôi cao nhất. Đó là năm 2017 và 2019, khi Man United và Chelsea vô địch giải đấu này.
Tại Champions League mùa này, cả Liverpool, Man City và Chelsea đều là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Manchester United với Cristiano Ronaldo trong đội hình cũng là một đội bóng không thể xem thường tại sân chơi này.
Dẫu vậy, các CLB Anh còn rất nhiều việc phải làm để có thể tiếp tục đưa chiếc cúp Champions League về xứ sương mù. Hoặc xa hơn, là tiếp tục duy trì sự áp đảo của Premier League.
Man City mùa này từng thua PSG, một ứng viên hàng đầu khác cho chức vô địch. Chelsea cũng thua Juventus ở vòng bảng, dù CLB Italy đang sa sút. Ralf Rangnick cần thêm thời gian ở Manchester United.
Cả PSG, Bayern Munich hay Real Madrid đều là những thử thách đáng ngại với các CLB Anh ở Champions League mùa này.
Ngoại hạng Anh là giải đấu duy nhất còn 4 đại diện góp mặt ở vòng 16 đội Champions League 2021/22. Đồ họa: Minh Phúc. |
Sức mạnh tài chính có là đủ?
Tất nhiên, người ta không thể phủ nhận sức mạnh về tài chính lẫn lực lượng của các CLB Anh, so với mặt bằng chung của bóng đá châu Âu. Khoảng cách về tiền bản quyền hình ảnh giữa Premier League với các giải VĐQG hàng đầu châu Âu khác ngày một nới rộng hơn.
Điều này tạo cho các đội bóng Anh ưu thế lớn. Tháng 11 vừa qua, Premier League bán gói bản quyền truyền hình trị giá hơn 2 tỷ bảng (2,7 tỷ USD) tại Mỹ cho NBC trong 6 năm.
Trước đó, Premier League cũng bán gói bản quyền khác trị giá 2,1 tỷ bảng cho khu vực Bắc Âu. Trong khi đó, gói bản quyền truyền hình của La Liga tại Mỹ chỉ có giá 1,055 tỷ bảng (1,4 tỷ USD) trong 8 năm tới.
Nhờ thế, các CLB Premier League thực chi hơn 560 triệu bảng để mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021. Con số đó gấp hơn 10 lần số tiền chuyển nhượng của các CLB La Liga (thực chi 55 triệu bảng), Serie A (50 triệu bảng), và bỏ xa Ligue 1 (15 triệu bảng).
Các đội ở Bundesliga thậm chí còn bán lời 35 triệu bảng ở phiên chợ hè vừa qua. CEO của Bayer Leverkusen, Fernando Carro, thừa nhận bất kỳ một CLB mới thăng hạng nào của Premier League cũng có thể trả lương và phí chuyển nhượng cao hơn một CLB thuộc top 4 Bundesliga.
"Các đội Premier League có quá nhiều tiền và nguồn lực so với những quốc gia khác", ông Carro nói. "Ngay cả khi Bundesliga tăng giá bản quyền truyền hình gấp đôi hoặc gấp ba, khoảng cách giữa chúng tôi và Premier League vẫn rất lớn".
Bóng đá Anh cũng thu hút nhiều HLV giỏi đến làm việc. Sau Antonio Conte, Jurgen Klopp hay Pep Guardiola, đến lượt Thomas Tuchel và Ralf Rangnick cập bến Ngoại hạng Anh.
Vào mùa hè, Mauricio Pochettino hay Erik ten Hag có thể là những người tiếp theo gia nhập "dải thiên hà" HLV Premier League. Sự xuất hiện của các HLV giỏi nhất thế giới hiện tại là một phần nguyên nhân giúp bóng đá Anh áp đảo ở châu Âu.
Tuy nhiên, chính Guardiola hay Klopp từng thừa nhận các cầu thủ mới là những người trực tiếp chơi bóng trên sân. "Ai mà không muốn có những cầu thủ siêu sao trong đội hình cơ chứ", Pep nói vào tháng 2 năm nay. "HLV nào cũng thích có Mbappe, Haaland hay Messi trong đội hình".
Việc thu hút những ngôi sao hay nhất thế giới đương đại là điều kiện đủ để Premier League tiếp tục thắng thế ở châu Âu. La Liga từng làm tốt điều đó khi chiêu mộ thành công Ronaldo, Gareth Bale, Luka Modric hay Luis Suarez từ chính các CLB Anh.
Ngay cả khi những đại diện của Premier League có tiền, họ chưa chắc chiêu mộ được Kylian Mbappe hay Erling Haaland, những chân sút được kỳ vọng thay thế Messi và Ronaldo trong tương lai. Sức hút của Real Madrid, PSG hay Bayern vẫn là rất lớn.
Bóng đá luôn có tính chu kỳ. Thành công hôm nay không đảm bảo cho chiến thắng trong tương lai. Guardiola vì thế, có lý do khi dè dặt về đà thống trị của Premier League trong thời gian tới.