Trong một mùa hè bị bao phủ bởi bóng đen xung đột ở châu Âu, khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt, cùng đại dịch, biến đổi khí hậu, Italy đã theo chân Anh với một chính phủ sụp đổ.
Ông Mario Draghi, cựu Giám đốc đáng kính của Ngân hàng Trung ương châu Âu, từng được chọn vào năm 2021 để dẫn dắt chính quyền mới thống nhất Italy. Thế nhưng, sự thống nhất đó đã kết thúc vào tuần trước.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang mất tinh thần, nhiều người Italy nghi ngờ. Và trong khi nước Anh ngay lập tức bước vào quy trình chuyển đổi nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ, Italy - sau một năm rưỡi mới ổn định chính trị - lại tiếp tục chờ tới cuộc bầu cử vào tháng 9 - nơi các đảng cực hữu như Anh em Italy đang dẫn đầu cuộc thăm dò.
Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 21/7 đã đệ đơn từ chức sau khi liên minh cầm quyền tẩy chay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Reuters. |
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Draghi là sự tan rã của liên minh “đoàn kết” gồm đảng dân túy Phong trào 5 sao (M5S), đảng Liên đoàn và đảng Forza Italia. Nghị sĩ ba đảng này đã từ chối ủng hộ ông Draghi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về gói biện pháp nhằm giảm bớt khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Chưa hết, vấn đề không chỉ nằm ở sự ích kỷ và vô trách nhiệm của các đảng.
Vấn đề còn bởi chính phủ được vận hành bởi “nhà kỹ trị” có chuyên môn nhưng không hoạt động tốt ngay từ đầu. Dường như chỉ cần đổ lỗi cho đảng M5S và Liên đoàn là tự khắc họ sẽ có một “bằng chứng ngoại phạm", một câu chuyện để miễn tội và không phải hành động nữa, theo Guardian.
Thiếu sót của ông Draghi
Theo Guardian, bất chấp uy tín cao trên trường quốc tế, ông Draghi có những thiếu sót trong cách điều hành đất nước theo phương pháp “kỹ trị”. Đây là hình thức chính phủ được đề xuất trong đó những người đứng đầu được lựa chọn trên cơ sở chuyên môn của họ trong lĩnh vực nhất định.
Bản chất không khoan nhượng của ông Draghi đã góp phần gây ra sự “sụp đổ” của chính ông.
Trên thực tế, thỏa hiệp là yếu tố cần có trong một nền chính trị dân chủ, nơi các đảng đại diện cho những thế giới quan khác nhau.
Liên minh cầm quyền ở Đức là một minh chứng tiêu biểu. Nhà lãnh đạo nước này đã đồng ý giảm giá khí đốt để làm hài lòng các thành viên đảng Dân chủ Tự do, trong khi đảm bảo người dân được tiếp cận hệ thống giao thông công cộng gần như miễn phí - một chiến thắng của đảng Xanh.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, ông Draghi liên tục bày tỏ lập trường cứng rắn, không chịu khuất phục trước sức ép từ các đảng và từ chối trao “chiến thắng” mang tính biểu tượng cho các thành viên trong liên minh của mình.
Ông Mario Draghi phát biểu trước thượng viện vào ngày 20/7. Ảnh: Reuters. |
Trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 20/7, ông đã chỉ trích các thành viên liên minh và khẳng định chỉ sẵn sàng ở lại nếu họ ủng hộ chương trình cải cách của ông.
“Những gì ông ấy làm là nói với họ rằng ‘tôi sẽ không nhân nhượng, nếu không thích, hãy tự quản lý chính phủ'”, giáo sư Daniele Albertazzi, thuộc Đại học Surrey (Anh), nói.
Theo Guardian, loại bỏ sự khác biệt giữa các bên không phải là cách để đảm bảo sự ổn định của một hệ thống. Nó giống như việc đậy nắp trên một nồi nước sôi nhưng nước sớm muộn gì cũng vẫn sẽ bị tràn ra.
Sự suy yếu của phe cấp tiến
Và kết quả của những vụ việc như vậy là một cuộc bầu cử sớm. Nhưng nhiều người đặt câu tại sao viễn cảnh về một cuộc bầu cử ở Italy lúc này lại đáng lo ngại đến thế?
Việc một đảng cực hữu bảo thủ, theo chủ nghĩa hậu phát xít, có xu hướng nổi lên là lý do chính. Kết quả thăm dò ý kiến trong những tháng qua cho thấy đảng Anh em Italy, đảng lớn duy nhất từ chối gia nhập liên minh của ông Draghi, có thể giành được nhỉnh hơn 20% số phiếu nếu bầu cử diễn ra.
Rõ ràng liên minh cầm quyền cũ đã thất bại trong việc đưa ra giải pháp thay thế chọn một “nhà kỹ trị" khác hoặc thể hiện phản ứng dữ dội chống lại điều này.
Trên thực tế, trong khi cánh hữu bảo thủ Italy gồm liên minh 3 đảng đã có sự ổn định nhất định, phe cấp tiến nói chung bao gồm ít nhất 3 đảng tự do, đảng Dân chủ thiên tả, đảng M5S, và 3-4 đảng cánh tả cùng đảng xanh khác.
Mối quan hệ giữa họ vẫn chưa ổn định. Nhiều đảng trung dung cho biết họ phủ quyết việc liên minh với M5S và nhận được động thái đáp trả tương ứng.
Trò chơi trẻ con về quyền phủ quyết có đi có lại này khiến phe cấp tiến của Italy mất dần sức mạnh.
Enrico Letta, lãnh đạo đảng Dân chủ và là cựu thủ tướng, đã nỗ lực không ngừng để tạo ra một mặt trận vươn rộng nhằm đánh bại phe cực hữu trong các cuộc bầu cử. Nguyện vọng của ông giờ đã tan thành mây khói.
Sự yếu kém của phe tiến bộ là một vấn đề của Italy cũng như của châu Âu. Nhiều chính trị gia lo sợ nếu phe bảo thủ nổi lên, một chính quyền cứng rắn ở Italy sẽ làm suy yếu EU vào thời điểm quan trọng trong cuộc đối đầu địa chính trị.
Nó cũng sẽ trao quyền cho các nhà lãnh đạo châu Âu không mong đợi như Thủ tướng Hungary Viktor Orban hay bà Marine Le Pen. Điều này có thể làm giảm sự đồng thuận trong các chính sách, và cản trở các chính sách chung, đầy tham vọng của khối về quốc phòng hoặc năng lượng.
Ông Mario Draghi đến dinh tổng thống vào ngày 21/7. Ảnh: Reuters. |
Tiếc nuối trước sự sụp đổ của một chính phủ được quốc tế tôn trọng ở Italy không nên làm chúng ta quên sự thật này: Phe cấp tiến ở Italy cần tìm ra một giải pháp thay thế nghiêm túc trước sự nổi lên của cánh hữu.
Bên cạnh đó, các chính trị gia châu Âu cũng nên dừng lại việc dùng cánh hữu Italy làm lá chắn để ngụy biện khi không thể ra quyết sách. Ngay cả trong thời điểm ông Draghi, người từng được ca ngợi là vị cứu tinh của đồng euro, nắm quyền ở Rome, khối EU cũng phải vật lộn để làm việc cùng nhau trong các lĩnh vực quan trọng.
Chẳng hạn, trong hội nghị gần đây về Tương lai châu Âu, chính phủ các nước EU đã không thể đạt được sự thống nhất về việc loại bỏ quyền phủ quyết quốc gia - thông lệ cản trở hầu hết việc ra quyết định của EU - cũng như việc xây dựng các chính sách quốc phòng và năng lượng chung.