Tiến sĩ Vivek Murthy. Ảnh: Reuters |
Trong báo cáo tư vấn dài 19 trang, tiến sĩ Vivek Murthy - Tổng y sĩ Mỹ - công khai đưa ra cảnh báo bất thường về rủi ro của mạng xã hội đối với người trẻ.
Ông lưu ý tác động của mạng xã hội với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.
Mạng xã hội có thể có lợi cho một số người dùng, song “nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng (các nền tảng này) cũng có nguy cơ gây tổn hại sâu sắc đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên”.
Báo cáo khuyến nghị các gia đình nên quy định thời gian họp mặt không thiết bị điện tử để hỗ trợ con xây dựng quan hệ xã hội và tăng cường giao tiếp, đồng thời đề xuất xây dựng một “kế hoạch truyền thông gia đình” nhằm giới hạn nội dung và đảm bảo thông tin cá nhân ở chế độ riêng tư.
Tiến sĩ Murthy cũng khuyến nghị các công ty công nghệ giới hạn độ tuổi tối thiểu và tạo cài đặt mặc định cho trẻ em với tiêu chuẩn bảo mật và an toàn cao.
Bên cạnh đó, ông kêu gọi chính phủ tạo ra các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe phù hợp với lứa tuổi cho các nền tảng công nghệ, theo New York Times.
Mối lo ngại âm ỉ
Trong cuộc phỏng vấn ngày 22/5, tiến sĩ Murthy cho biết thanh thiếu niên có nhiều khác biệt so với người trưởng thành. “Chúng đang ở một giai đoạn phát triển khác và trong một giai đoạn phát triển trí não quan trọng”, ông nói.
Báo cáo của tiến sĩ Murthy làm dấy lên những lo ngại âm ỉ từ lâu về mạng xã hội khi các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang đang vật lộn với việc giới hạn sử dụng những ứng dụng này.
Gần đây, thống đốc Montana đã ký dự luật cấm TikTok tại bang này, khiến nhiều người dùng trẻ phản đối và chỉ trích đây là “một cú đá vào mặt”.
Vào tháng 3, Utah cũng trở thành tiểu bang đầu tiên cấm các dịch vụ truyền thông xã hội cho phép người dùng dưới 18 tuổi lập tài khoản mà không có sự đồng ý rõ ràng của cha mẹ hoặc người giám hộ. Luật này có thể hạn chế đáng kể quyền truy cập của người trẻ vào các ứng dụng như Instagram và Facebook.
Mạng xã hội có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên. Ảnh: Shutterstock. |
Trong khi đó, kết quả khảo sát từ Pew Research chỉ ra rằng có tới 95% thanh thiếu niên sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội, trong khi hơn 1/3 sử dụng mạng xã hội “gần như liên tục”.
Khi việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng lên, chứng lo âu và trầm cảm ở thanh thiếu niên, cùng với số trường hợp nhập viện vì tự làm hại bản thân và có ý định tự tử, cũng gia tăng.
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã tập trung vào mối liên hệ tiềm tàng giữa thói quen sử dụng mạng xã hội và tình trạng cảm xúc tiêu cực tăng cao ở thanh thiếu niên, song chưa thể đưa ra kết quả nhất quán.
Rõ ràng mạng xã hội có thể mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực đến sức khỏe người trẻ. Về mặt tích cực, mạng xã hội có thể giúp nhiều người trẻ tạo diễn đàn kết nối, tìm kiếm cộng đồng và thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, việc sử dụng những nền tảng này quá nhiều dần thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ và tập thể dục.
Tiến sĩ Murthy cũng chỉ ra rằng các nền tảng mạng xã hội tràn ngập “nội dung cực đoan, không phù hợp và có hại”, bao gồm cả nội dung “có thể bình thường hóa” hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống và các hành vi tự hủy hoại bản thân khác.
Hơn nữa, không gian truyền thông xã hội có thể gây khó khăn cho những người trẻ.
“Ở tuổi vị thành niên sớm (10-15 tuổi), khi cá tính và ý thức về giá trị bản thân đang hình thành, sự phát triển não bộ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội, ý kiến và sự so sánh với những người đồng trang lứa”, báo cáo viết.
Gánh nặng lớn
Tiến sĩ Murthy lưu ý rằng các công ty công nghệ có quyền lợi nhất định trong việc khiến người dùng duy trì hoạt động trên nền tảng, do đó họ sử dụng các chiến thuật lôi kéo mọi người tham gia vào các hành vi như chất gây nghiện.
“Con cái của chúng ta đã vô tình trở thành những người tham gia một cuộc thử nghiệm kéo dài hàng thập kỷ”, báo cáo cho biết.
Chuyên gia kêu gọi kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên. Ảnh: Shutterstock. |
Bình luận về báo cáo của tiến sĩ Murthy, người phát ngôn của Meta - chủ sở hữu Instagram và Facebook - khẳng định các đề xuất này “hợp lý và phần lớn đã được Meta triển khai”, chẳng hạn biện pháp tự động đặt tài khoản của những người dưới 16 tuổi ở chế độ riêng tư trên Instagram và hạn chế các loại nội dung mà thanh thiếu niên có thể tiếp cận.
TikTok không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Báo cáo không đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng mạng xã hội lành mạnh cũng như không lên án nền tảng này với tất cả người trẻ, song nó kết luận: “Chúng tôi chưa có đủ bằng chứng để xác định xem mạng xã hội có đủ an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên hay không”.
Song các báo cáo tương tự trước đây từng giúp thay đổi cuộc tranh luận ở cấp độ quốc gia về nhiều vấn đề, chẳng hạn thói quen hút thuốc vào những năm 1960, HIV/AIDS vào những năm 1980 hay tình trạng béo phì vào đầu những năm 2000.
Tiến sĩ Murthy cũng từng tuyên bố bạo lực súng đạn là một bệnh dịch, đồng thời chỉ trích điều mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng về sự cô đơn, cô lập và thiếu kết nối ở (Mỹ)”.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/5, tiến sĩ Murthy thừa nhận sự thiếu rõ ràng trong quản lý mạng xã hội là gánh nặng lớn mà người dùng và gia đình phải gánh chịu.
“Đó là một gánh nặng rất lớn khi đòi hỏi các bậc cha mẹ hiểu một công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng và thay đổi căn bản cách trẻ em nhận thức về bản thân. Vì vậy, chúng ta cần đặt ra các tiêu chuẩn an toàn mà họ có thể dựa vào”, ông nói.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.