Ngày 3/6, tấm bê tông chứa logo FLC đặt trước tòa tháp văn phòng số 265 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - trụ sở của Tập đoàn FLC đã được công nhân tiến hành đập bỏ sau vài ngày xóa chữ "FLC". Việc gỡ bỏ này diễn ra trước thềm Đại hội đồng cổ đông bất thường của tập đoàn này vào ngày 10/6.
Hiện, logo "Bamboo Airways" trước tòa nhà văn phòng này vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Tiếp viên hãng hàng không Bamboo Airways vẫn ra vào bình thường. Một công nhân thi công tại đây cho biết logo có chữ FLC được tiến hành xóa vào khoảng 2-3 ngày trước, còn trụ bê tông được đập bỏ ngày 2/6.
Trước câu hỏi của Zing về việc FLC gỡ bỏ logo trước tòa nhà 265 Cầu Giấy là yêu cầu của OCB hay tự nguyện phía doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khẳng định "ngân hàng không biết và không liên quan" đến việc này.
"Hiện một phần của tòa nhà này, ngân hàng dự kiến thành lập chi nhánh, phòng giao dịch của OCB ở Hà Nội. Phần còn lại vẫn đang cho FLC thuê sử dụng bình thường", đại diện ngân hàng này chia sẻ thêm.
Tòa nhà FLC Cầu Giấy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Tổng diện tích các sàn hơn 101.000 m2 với 42 tầng, gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi. Trước đó, toà nhà văn phòng này là nơi đặt địa chỉ trụ sở chính của nhiều thành viên thuộc FLC như: FLC Group, Bamboo Airways, FLC Faros.
Vào 21/9/2020, toà nhà này đã được FLC thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại ngân hàng OCB chi nhánh Thăng Long.
Tài sản bảo đảm là sàn thương phẩm kinh doanh hình thành trong tương lai của ba tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), Khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác tại địa chỉ 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Riêng FLCHomes, công ty này gán nợ cho OCB các quyền sử dụng thửa đất Khu 2, Khu 3A + 3B + 3C tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy. Khu 2 có diện tích 1.160 m2 để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm. Khu 3A + 3B + 3C có diện tích 2.297 m2 để xây khu thương mại cao 5 tầng. Thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.
Theo thông tin công bố, sau khi gán nợ tòa trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC quyết định thuê lại một phần diện tích của chính tòa nhà này để phục vụ hoạt động kinh doanh của FLC và các bên thứ ba do FLC chỉ định. Bên cho thuê là OCB.
Theo kế hoạch, FLC sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 10/6 tới đây. Tại phiên họp, ban lãnh đạo tập đoàn sẽ trình cổ đông việc miễn nhiệm tư cách thành viên Ban kiểm soát của 3 nhân sự cũ là ông Nguyễn Chí Cương, bà Phan Thị Bích Phượng và ông Nguyễn Đăng Vụ và bầu ra 3 thành viên mới.
Bên cạnh việc bầu ra nhân sự mới cho Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026, tại phiên họp bất thường này, FLC sẽ trình cổ đông miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 của ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung (do bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam dẫn tới không còn đủ điều kiện giữ chức thành viên HĐQT).
FLC chốt danh sách ứng viên bầu ban kiểm soát
FLC đã công bố danh tính 3 ứng viên dự kiến ngồi ghế Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi 3 thành viên cũ có đơn xin từ nhiệm hồi tháng 4-5.
ĐBQH hoài nghi về sức khỏe các tập đoàn lớn sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về sức khỏe thực sự của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay và đề nghị Chính phủ đánh giá một cách cụ thể.
FLC chốt ngày họp cổ đông bất thường để bầu lại nhân sự lãnh đạo
Tập đoàn FLC sẽ trình cổ đông miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung để bầu bổ sung người mới.