Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/4, tất cả cán bộ, công chức và người lao động huyện Tây Trà (cũ) chuyển về trung tâm hành chính huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục công tác sau khi sáp nhập. Tám tháng qua, hàng loạt trụ sở nơi đây rơi vào cảnh bỏ hoang, xuống cấp, hư hỏng.
Ngày 21/12, Sở Tài chính Quảng Ngãi trình văn bản UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nền trên địa bàn huyện Trà Bồng theo quy định tại Nghị định số 167 của Chính phủ.
Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tây Trà (cũ) bỏ hoang dưới chân núi sạt lở. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, xác nhận qua kiểm tra hiện trạng, ở huyện Tây Trà (cũ) sau khi sáp nhập về huyện Trà Bồng vẫn còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa được quản lý, sử dụng chặt chẽ.
Khó xử lý "một sớm, một chiều"
Theo ông Chánh, khó khăn nhất hiện nay là xử lý tài sản đất đai, khối tài sản lớn nên không thể xử lý nhanh "một sớm, một chiều" do vướng nhiều khó khăn.
"Thực tế ở huyện Tây Trà (cũ) chưa có tài sản định giá để so sánh nên khó xác định giá trị tài sản trụ sở cơ quan, đất ở chuyển nhượng khu vực này. Mặt khác, địa phương này ở vùng sâu, vùng xa, cách TP Quảng Ngãi gần 100 km nên khó thu hút người dân, khách hàng tham gia đấu giá tài sản nơi đây", ông Chánh nói.
Sau khi sáp nhập, tài sản của các cơ quan hành chính ở huyện Tây Trà (cũ) được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý. Trong số đó có hàng chục khu nhà công vụ với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000 m2 và 12 ôtô, máy móc, trang thiết bị các loại có tổng trị giá hơn 580 tỷ đồng.
Bùn, cành cây ngổn ngang bên trong trụ sở cơ quan bị bỏ hoang. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Hồ Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết sau khi sáp nhập cơ học các đơn vị hành chính huyện Tây Trà về đây, số lượng cán bộ, công chức và người lao động đông đúc nên cơ sở vật chất làm việc thiếu thốn, quá tải. Trong khi đó, nhiều trụ sở của các cơ quan, đơn vị ở huyện Tây Trà (cũ) bị bỏ hoang, gây lãng phí, phát sinh nhiều bất cập.
Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Ngãi tổng hợp, đề xuất giữ lại, sử dụng tiếp 528 cơ sở nhà, đất của 83 cơ quan, tổ chức, đơn vị; điều chuyển 61 nhà, đất của 29 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của huyện Trà Bồng.
Đề xuất bán đấu giá
Ngoài ra, Sở Tài chính Quảng Ngãi đề xuất bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 12 cơ sở nhà (khoảng 1.179 m2) và hơn 20.000 m2 đất của bốn cơ quan, tổ chức, đơn vị; thu hồi, lập phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 14 cơ sở nhà đất của 11 cơ quan, đơn vị.
Riêng Trung tâm bồi dưỡng chính trị Tây Trà và Nhà sinh hoạt cộng đồng Trà Na, xã Trà Phong, nằm trong vùng sạt lở thì cần có phương án tháo dỡ, bán thanh lý.
Để xử lý khối tài sản lớn của các đơn vị hành chính sau khi hợp nhất, huyện Trà Bồng đang triển khai các giải pháp để quản lý, sử dụng.
Trước mắt, huyện Trà Bồng tận dụng trụ sở UBND huyện Tân Trà (cũ) bố trí nơi làm việc của tổ công tác "một cửa" giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân ở khu vực này.
Cán bộ, công chức các phòng ban, đơn vị đặc thù, phục vụ trực tiếp người dân địa phương như Trung tâm Truyền thông - Văn hóa thông tin, phòng giáo dục, phòng y tế, Công an xã Trà Phong… đang ở các trụ sở riêng sẽ tập trung vào trụ sở UBND huyện, công an huyện để khai thác công năng của cơ sở, vật chất nơi đây.