Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạt tin xấu với thị trường dầu

Mở đầu phiên giao dịch tuần này, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc sau một tuần biến động mạnh. Các chuyên gia cho rằng một loạt tin xấu đang tạo sức ép lớn lên giá dầu.

Theo dữ liệu của Trading Economics, trong phiên giao dịch đầu tuần 12/9, giá dầu Brent đã giảm xuống 91,5 USD/thùng sau khi kết thúc một tuần biến động, ghi nhận mức giảm 1,5%.

Tuần trước, giá dầu Brent đã rơi từ hơn 96 USD/thùng xuống dưới 88 USD/thùng, rồi phục hồi lên hơn 92 USD/thùng vào cuối tuần.

Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ sụt giá 1,8% xuống 85,2 USD/thùng. Tuần trước, giá của loại dầu này rơi một mạch từ hơn 90 USD/thùng xuống dưới 82 USD/thùng, sau đó phục hồi lên hơn 86 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần.

"Một loạt tin xấu đã đến với thị trường dầu trong thời gian qua", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - trả lời Zing.

gia dau the gioi anh 1

Giá dầu biến động mạnh trong tuần trước. Ảnh: Reuters.

Loạt tin xấu

"Trung Quốc vẫn đang chật vật đối phó với những đợt bùng dịch mới, dự trữ xăng dầu tại Mỹ tăng đột biến, trong khi các lãnh đạo trên thế giới tiếp tục triển khai những kế hoạch khẩn cấp để hạ nhiệt giá dầu", ông nói thêm.

Hôm 9/9, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành những hướng dẫn mới liên quan đến kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga. G7 đã nhất trí kêu gọi các nước tham gia từ chối cung cấp dịch vụ bảo hiểm, tài chính, hàng hải và những dịch vụ khác cho các tàu chở dầu và những sản phẩm từ dầu của Nga, nếu các lô hàng được bán với giá cao hơn mức giá ấn định.

Một loạt tin xấu đã đến với thị trường dầu trong thời gian qua

Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda

Những quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 12. Đây là thời điểm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển bắt đầu có hiệu lực.

Trong khi đó, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu tạo sức ép lên giá dầu. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang đẩy mạnh thắt chặt chính sách để kìm hãm lạm phát. Giá cả leo thang cũng triệt tiêu sức mua của người tiêu dùng.

Giới quan sát dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng này. Tuy nhiên, động thái của FED có thể phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chuẩn bị được công bố.

Còn kinh tế Trung Quốc đang chao đảo vì các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản. Vào quý II, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với một năm trước đó.

Những số liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy hoạt động của các nhà máy đang suy giảm, tăng trưởng tín dụng giảm tốc đáng kể, doanh số bán lẻ lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc - do Caixin công bố - đã giảm từ 55,5 điểm trong tháng 7 xuống 55 điểm vào tháng 8.

gia dau the gioi anh 2

Các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - đè nặng lên nhu cầu dầu. Ảnh: Reuters.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã gia hạn lệnh phong tỏa đối với một số quận tại Thành Đô - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Thành Đô hiện chiếm 1,7% GDP của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ và hãng sản xuất xe lớn như Toyota Motor và Volkswagen Group China.

Ngoài Thành Đô, một số thành phố lớn khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đại Liên và nhiều khu vực ở Thâm Quyến cũng đang siết chặt các hạn chế để chống dịch.

Dự trữ xăng dầu của Mỹ cũng cao hơn dự kiến, một phần do nhu cầu lao dốc.

Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy trong tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,645 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 836.000 thùng, còn dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,833 triệu thùng.

Giá dầu khó giảm mạnh

Dù vậy, một số yếu tố vẫn hỗ trợ giá dầu, khiến giá không giảm mạnh. Một trong số đó là diễn biến của các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuối tuần trước, Anh, Pháp, Đức cho biết họ nghi ngờ về cam kết của Tehran. Điều này có thể đe dọa khả năng thúc đẩy xuất khẩu dầu của Iran, vốn sẽ giúp gia tăng nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu.

Trong khi đó, theo ông Moya, khi danh sách các thành phố, thị trấn và làng mạc được Ukraine tái chiếm liên tục tăng lên trong những ngày qua, nguy cơ phía Nga đe dọa cắt tất cả nguồn cung năng lượng cũng phình to. Điều này có thể khiến giá dầu tăng mạnh.

OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) cũng vừa quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10.

Theo Reuters, do 100.000 thùng/ngày không phải con số lớn, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu sẽ không có tác động quá lớn tới cán cân cung cầu trên thị trường dầu toàn cầu. Tuy nhiên, động thái này cho thấy ý định giữ giá dầu ở mức cao của nhóm.

Tin xấu với đồng nhân dân tệ

Bắc Kinh đã ấn định tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ ở mức yếu nhất trong 2 năm. Động thái này sẽ khiến đà suy yếu của đồng tiền này nghiêm trọng hơn nữa.

Đằng sau những vụ ly hôn tỷ USD

Sau khi ly hôn, các cặp vợ chồng tỷ phú chia nhau khối tài sản khổng lồ. Nhiều người vướng vào những cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm.

Giá dầu thế giới cao nhất một tháng

Theo giới chuyên gia, giá dầu đang trong xu hướng giảm, nhưng những rủi ro từ phía nguồn cung vẫn rất lớn. Hai trong số đó là đụng độ ở Libya và khả năng OPEC+ giảm sản lượng.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm