Theo ông Carl Schuster - cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, việc Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo liên tục trong những ngày gần đây có 3 mục đích chính.
“Thuyết phục người dân Triều Tiên, Hàn, Nhật và Mỹ rằng Bình Nhưỡng là cường quốc quân sự; Chứng minh với Nhật Bản và Mỹ rằng Triều Tiên có khả năng tiếp cận được lãnh thổ của 2 nước này, nếu Tokyo và Washington can dự vào xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, dù chỉ đóng vai trò hỗ trợ; Thử nghiệm vũ khí và huấn luyện nhằm duy trì tính hiệu quả và thành thạo sử dụng vũ khí”, ông Schuster nhận định với Zing.
Ông Jeffery Robertson là phó giáo sư nghiên cứu ngoại giao tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc. Trước khi chuyển sang lĩnh vực học thuật, ông làm việc cho chính phủ Australia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và Bắc Á, tập trung vào Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Ảnh: Keia. |
Trong khi đó, Jeffrey Robertson - phó giáo sư nghiên cứu ngoại giao tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc - cho rằng động thái này từ Triều Tiên là lời đáp trả mạnh mẽ trước các cuộc tập trận do Hàn Quốc và Mỹ trong thời gian gần đây.
Reuters đưa tin Triều Tiên phóng nhiều tên lửa ra biển vào hôm 3/11, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã bắn ít nhất 23 tên lửa vào hôm 2/11, mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay.
Chỉ vài tiếng sau vụ phóng tên lửa, Washington và Seoul đã quyết định kéo dài thời gian cuộc tập trận không quân “Vigilant Storm” - cuộc tập trận vốn bị Bình Nhưỡng chỉ trích. Hiện chưa có thông tin về việc cuộc tập trận này sẽ diễn ra trong bao lâu.
Giới chức Triều Tiên ngày 3/11 tuyên bố động thái kéo dài tập trận của Mỹ và Hàn Quốc là điều “nguy hiểm”, từ đó cảnh báo hai quốc gia này sẽ nhận ra đây là “sai lầm tồi tệ”, theo KCNA.
Tính trong năm nay, Triều Tiên đã phóng thử kỷ lục hơn 60 tên lửa.
Kế hoạch thử vũ khí của nước này bắt đầu từ tháng một, với việc phóng tên lửa siêu vượt âm mới, sau đó là tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo tầm ngắn bắn từ tàu hỏa, sân bay và tàu ngầm; và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Khả năng thử vũ khí hạt nhân là “tương đối lớn”
Mục đích đầu tiên mà Bình Nhưỡng muốn đạt được chính là tạo áp lực nhằm buộc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận hiện tại thông qua việc thể hiện sức mạnh quân sự của nước này, theo ông Schuster.
Bên cạnh đó, ông Schuster đánh giá những vụ phóng gần đây là cách để Triều Tiên chứng minh với Mỹ và Nhật Bản rằng các loại tên lửa của Bình Nhưỡng có thể vươn đến lãnh thổ của Tokyo và Washington.
Ông Carl Schuster là cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, và hiện tại là giảng viên của Đại học Hawaii Pacific, Mỹ. Ảnh: Staradvertiser. |
“Lần phóng thử ICBM chứng tỏ Triều Tiên đã sở hữu, hoặc ít nhất đang hoàn thiện loại vũ khí có thể tiếp cận được đảo Guam, hoặc thậm chí xa hơn”, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định.
Theo ông Schuster, mục tiêu cuối cùng trong các vụ phóng tên lửa những ngày vừa qua của Triều Tiên là nhằm kiểm tra xem các bộ phận nước này nâng cấp - chẳng hạn như hệ thống dẫn đường hoặc thiết kế đầu đạn mới - có thành công, hay các loại vũ khí mà nước này sở hữu có đạt được hiệu quả mong muốn không.
Trong khi đó, phó giáo sư Jeffrey Robertson nhân định thêm rằng việc Bình Nhưỡng đẩy mạnh phóng thử tên lửa nói riêng, cũng như tình trạng leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên nói chung, bắt nguồn từ việc các bên thiếu đi một kênh liên lạc và đàm phán bền vững.
“Việc thiếu đi các kênh đàm phán đã hạn chế khả năng hành động và phản ứng của 2 nước. Điều này dẫn đến việc mỗi quốc gia đưa ra biện pháp trả đũa mang tính leo thang, nhằm thể hiện sự kiên định và quyết tâm trước những hành động được nước còn lại thực hiện nhiều lần trong quá khứ”, ông Robertson nói.
Trước số vụ thử tên lửa dày đặc của Triều Tiên trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng Bình Nhưỡng thử hạt nhân là tương đối lớn. Ông Schuster dự đoán Triều Tiên có thể sẽ sớm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhiều khả năng muộn nhất là giữa tháng 12.
Phó giáo sư Robertson cũng có chung nhận định.
“Sau hàng loạt hành động leo thang căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong thời gian tới là tương đối lớn”, ông Robertson nói.
Đánh giá về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông Schuster nhận định Bình Nhưỡng đã xây dựng được kho vũ khí đáng kể và có thể đã đạt thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên có thể sẽ sớm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhiều khả năng muộn nhất là giữa tháng 12.
Chuyên gia Carl Schuster
Theo ông Schuster, trong những cuộc thử nghiệm ICBM của Triều Tiên, các tên lửa bay gần như theo hướng thẳng đứng và bị phá hủy trong giai đoạn hồi quyển. Dựa trên kết quả này, vị cựu sĩ quan tình báo Mỹ nhận định Triều Tiên có thể muốn tránh gây ra thiệt hại ngoài ý muốn.
“Bình Nhưỡng không cho phép tên lửa rơi xuống khu vực có nguy cơ gây ra hậu quả chính trị lớn tới mức vượt quá tầm kiểm soát của nước này”, ông Schuster cho biết.
Bên cạnh đó, ông bổ sung việc tên lửa bị phá hủy trong khi hồi quyển có thể là kết quả của việc Triều Tiên kiểm tra độ hiệu quả trong thiết kế tên lửa.
“Để tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân có hiệu quả thì vũ khí này phải vượt qua được giai đoạn hồi quyển. Việc đảm bảo tính an toàn của đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo khó hơn nhiều so với đầu đạn thông thường”, ông Schuster nói.
Tên lửa phóng tại một địa điểm không xác định do KCNA công bố hôm 10/10. |
“Con bài mặc cả” quan trọng
Nhận định về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, phó giáo sư Robertson cho rằng đó không chỉ là con bài mặc cả quan trọng, mà còn có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước này. Đó cũng là thứ duy nhất duy trì sự cân bằng quyền lực trên Bán đảo Triều Tiên, ông chia sẻ.
“Tiềm lực về kinh tế, chính trị và quốc phòng thông thường của Mỹ và Hàn Quốc về cơ bản là vượt trội so với Triều Tiên. Chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không chỉ là con bài mặc cả mà còn có tầm quan trọng đối với sự phát triển của nước này”, ông nói.
Trong khi đó, ông Carl Schuster cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn mở lại cuộc đàm phán và “những động thái cứng rắn là công cụ của nhà lãnh đạo này”.
Ông Schuster cho biết việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong thời gian gần đây là do họ hiểu “sẽ không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn”.
“Cả Mỹ và các đồng minh đều không có nhiều đòn bẩy đối với Triều Tiên, đặc biệt là vì Trung Quốc luôn ủng hộ nước này. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc sẽ không gia tăng áp lực lên Triều Tiên vì Trung Quốc và Nga sẽ phủ quyết bất kỳ hành động nào của cơ quan này”, ông nhận định.
Do đó, ông Schuster nhận định việc kéo dài các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là một quyết định đáng chú ý.
“Triều Tiên cần thấy các hành vi đe dọa của họ là phản tác dụng”, vị chuyên gia nói. Theo ông, việc kéo dài, thậm chí mở rộng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc là phương tiện duy nhất có sẵn để chứng minh các mối đe dọa của Triều Tiên sẽ không có lợi cho nước này.
Để giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, phó giáo sư Robertson đề xuất 2 giải pháp, song chúng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.
“Cách đầu tiên là ‘xuống thang’, đưa ra nhượng bộ. Trong khi đó, biện pháp thứ 2 là tìm ra cách tiếp cận mới, phi truyền thống để giải quyết tình hình”, ông nói.
Theo đó, biện pháp đầu tiên rất khó thực hiện do điều này khiến uy tín và quyền lực của một bên sụt giảm, khiến họ yếu thế hơn so với đối phương.
Tuy nhiên, giải pháp thứ hai cũng có những thách thức riêng khi đòi hỏi các bên phải có khả năng suy nghĩ sáng tạo, sự lãnh đạo sáng suốt và vốn hiểu biết sâu sắc về tình hình.
“Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không sở hữu những yếu tố trên”, vị chuyên gia kết luận.
Bước đi mà Mỹ không muốn
Theo ông Schuster, hành động của Triều Tiên có thể thúc đẩy Hàn Quốc bắt đầu chương trình hạt nhân, “đặc biệt nếu Seoul quyết định họ không thể dựa trên sự đảm bảo của Mỹ về chiếc ô hạt nhân”. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ làm mọi cách để ngăn cản điều đó.
“Mỹ sẽ làm mọi cách để ngăn cản Hàn Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân vì điều đó có thể khiến Nhật Bản phải cân nhắc lựa chọn tương tự”, ông nói.
Máy bay chiến đấu F-35B của không quân Mỹ trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn tại Gunsan hôm 1/11. Ảnh: Yonhap. |
Về phía ông Robertson, vị phó giáo sư cho rằng Triều Tiên cùng với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều hiểu việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vấn đề ngày càng được bàn luận rộng rãi tại Hàn Quốc.
“Việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân sẽ làm gia tăng sự ủng hộ của công chúng Hàn Quốc trong việc nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là viễn cảnh không hề có lợi cho cả Bình Nhưỡng cũng như các quốc gia khác nếu Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông nói thêm.
Ông Schuster cũng có chung quan điểm về vấn đề này. “Tôi không nghĩ chỉ một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ thúc đẩy Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân vào thời điểm này. Tuy nhiên, nó sẽ tạo động lực mới cho các cuộc thảo luận về chủ đề này ở Seoul”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông, nếu các nhà lãnh đạo Hàn Quốc mất niềm tin vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, chương trình hạt nhân của nước này sẽ trở thành vấn đề được xem xét nghiêm túc, bất chấp sức ép của Mỹ.
“Nếu Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, thì Nhật Bản cũng có thể làm như vậy mặc dù ý tưởng này sẽ vấp phải sự phản đối lớn hơn ở Tokyo so với ở Seoul”, ông Schuster nhấn mạnh.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.