Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạt nhà xuất bản được mở cửa làm sách giáo khoa kêu thiếu vốn

Thiếu đội ngũ thực hiện, thiếu vốn và các vấn đề trong phát hành… khiến một số đơn vị dù được phép làm SGK vẫn chưa dám nhảy ngay vào thị trường này.

Từ năm 2002-2003 đến nay, Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng chương trình biên soạn sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12, và chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Trong nhiều năm liền, chỉ có nhà xuất bản (NXB) Giáo dục xuất bản SGK.

Sau khi có chủ trương "Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học", đến nay đã có thêm năm NXB khác đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên được Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, bổ sung chức năng xuất bản SGK trong giấy phép thành lập.

Năm NXB gồm: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB ĐHQG Hà Nội, NXB Đại học Vinh và NXB Đại học Huế.

Tuy vậy, đại diện một số NXB cho rằng họ đã có chức năng nhưng chưa thể bắt tay ngay vào việc xuất bản một bộ SGK.

Vốn ít, thiếu nhân lực

Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến các NXB ngần ngại trước SGK. Theo luật xuất bản mới, một trong các điều kiện để thành lập NXB là đơn vị đó phải có ít nhất 5 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy vậy, không phải đơn vị nào cũng có đủ 5 tỷ đồng để đủ điều kiện thành lập. Trong khi đó thực hiện một bộ SGK cần đầu tư lớn, theo thăm dò của một số NXB, sẽ cần hàng chục tỷ đồng nếu làm một bộ SGK.

“NXB Giáo dục hàng nghìn nhân viên, vốn lớn như thế, mà họ lỗ 40 tỷ đồng mỗi năm khi làm SGK, thì chúng tôi sao đủ vốn để làm”, đại diện một NXB nói.

Cac NXB chu truong gi khi duoc phep lam SGK? anh 1
Một số NXB đã có chức năng làm SGK, nhưng chưa đủ điều kiện về vốn, nhân lực để hiện thực hóa điều đó. Minh họa: Lê Nhân.

NXB Đại học Huế là một trong các đơn vị được cấp giấy phép có chức năng xuất bản SGK. Trước thông tin này, NXB mới chỉ dừng lại ở bước “thăm dò, tìm hiểu thị trường SGK”.

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Đại học Huế - nêu ra ba vướng mắc nếu bắt tay vào làm SGK, đó là cơ sở vật chất, kinh phí chưa đủ điều kiện để làm; chưa đủ đội ngũ đáp ứng yêu cầu chuyên môn; cơ sở phát hành chưa mạnh.

Theo ông Thanh Hà, để có thể làm một bộ SGK, đầu tiên cần một đội ngũ chuyên gia, các nhà giáo, người có kinh nghiệm, thực hiện các cuộc tọa đàm, hội thảo, bắt tay vào viết sách.

Làm sao để có được bản thảo SGK với nội dung chất lượng đã khó, việc tiếp theo là khâu in ấn cũng rất tốn kém. Giả sử bộ SGK đó được Bộ Giáo dục thẩm định, cho phép, thì ở khâu phát hành, làm sao đưa sách tới các Sở Giáo dục, trường học… không hề đơn giản.

Ông Đinh Trí Dũng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Đại học Vinh - cho biết ông đi vắng nên chưa nhận được quyết định NXB Đại học Vinh có chức năng làm SGK. Tuy nhiên, nếu có cầm quyết định đó trên tay, thì đơn vị này cũng khó làm một bộ SGK luôn được.

“Về đội ngũ thực hiện, không phải cứ có chức danh giáo sư, tiến sĩ là có thể viết được SGK. Phải là những người có kiến thức, có kinh nghiệm có sáng tạo, và làm sao để tập hợp được đội ngũ tác giả như vậy là câu chuyện khó”, ông Trí Dũng nói.

Theo kinh nghiệm của ông Trí Dũng, người từng trực tiếp làm hai cuốn sách để giảng dạy, thì “làm mảng sách này công phu kinh khủng”. Từ khâu viết ra đã không được phép sai, tới việc thẩm định, xin ý kiến hội đồng xét duyệt… đã quá nhiều khâu phức tạp. Đó là còn chưa kể tới bài toán đầu tư vốn tới hàng chục tỷ đồng.

Cũng có ý kiến cho rằng, kể cả khi có tiền, thì việc làm SGK cũng cần phải cân nhắc. Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” đã có, nhưng chương trình khung thì vẫn chưa ban hành. Khi chưa có chương trình khung, thì chưa thể tự tin đưa ra một bộ SGK ngay được.

Tuy vậy, chương trình khung cũng chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Nếu một NXB nào đó liều mạng, thế chấp vay tiền ngân hàng, huy động vốn để làm SGK. Mọi việc suôn sẻ, sách được in ra rồi, nhưng vẫn bị quy định giá, phải bán giá thấp, thì dẫn tới nguy cơ đầu tư mà không thể lấy lại vốn.

Ông Đinh Trí Dũng thì nêu khó khăn trong phát hành: "Cứ cho là có đủ khả năng làm ra được bộ SGK đi, thì khi phát hành cũng chưa biết Bộ Giáo dục, các trường, phụ huynh, học sinh đón nhận ra sao. Làm không cẩn thận có khi phá sản".

Không thể làm cả bộ SGK, có thể lựa chọn làm từng bộ môn nhỏ

“Làm SGK là ước ao của các NXB, việc có chức năng để làm là một việc, nhưng có làm được không lại là chuyện khác”, một người làm trong ngành xuất bản nói.

Tuy chưa đủ vốn, đội ngũ nhân lực để làm một bộ SGK, nhưng một số NXB đã có chủ trương, dự định trước cơ chế mới.

Cac NXB chu truong gi khi duoc phep lam SGK? anh 2
Một số NXB muốn tham gia một công đoạn làm SGK, hoặc làm một vài bộ môn nhỏ trong SGK. Ảnh minh họa: AT.

Ông Đinh Trí Dũng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Đại học Vinh - nói ông ủng hộ chủ trương nhiều bộ SGK, nhiều đơn vị làm SGK, có như vậy mới dân chủ và tạo sự cạnh tranh để phát triển.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế NXB Đại học Vinh hiện nay chưa thể làm một bộ SGK. Đơn vị này vẫn tiếp tục làm sách giáo trình, sách tham khảo dành cho sinh viên, sách bồi dưỡng giáo viên... “Nếu được phép, chúng tôi hy vọng có thể tham gia một công đoạn nào đó trong quá trình làm SGK”, ông Trí Dũng nói.

Việc có thêm đơn vị được cấp phép làm SGK là cơ hội mới cho các NXB có thêm sản phẩm, có thêm lĩnh vực để sản xuất. Song với ông Thanh Hà - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Đại học Huế - thì đó là cơ hội, chưa thể hiện thực hóa.

Ông nói: “Chúng tôi đang tìm định hướng, vạch ra kế hoạch dù kế hoạch chưa cụ thể. Có thể, chúng tôi sẽ chọn một bộ môn nào đó để làm trước”. Bên cạnh đó, NXB này vẫn thực hiện các dòng sách truyền thống, đó là các tài liệu, giáo trình tham khảo cho các trường đại học.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm