Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạt giải pháp giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả

Trước thách thức môi trường, việc tìm đến loạt giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của ông Xavier Denoly - Phó chủ tịch Cấp cao về Phát triển bền vững của Schneider Electric, “về cơ bản, chúng ta đang đối mặt hai thách thức lớn: Môi trường và bất bình đẳng xã hội”. Đây là hai thách thức lớn nhất mà mọi quốc gia phải đối mặt.

Do đó, biến đổi khí hậu hiện không chỉ là lĩnh vực của các nhà bảo vệ môi trường mà còn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ và doanh nghiệp. Và trong số những vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết khi đương đầu với những thách thức về môi trường, việc quản lý năng lượng hiệu quả tại các công trình xây dựng rất quan trọng.

Theo ước tính, vận hành các tòa nhà chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng điện tiêu dùng trên cả nước. Số liệu Bộ Công Thương công bố cho thấy có khoảng 20-25% năng lượng sử dụng lãng phí trong các tòa nhà, đồng nghĩa lãng phí khoảng 20% của 35-40% tổng lượng điện, tức là hơn gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo tính tới cuối năm 2020.

Schneider Electric anh 1

Ông Xavier Denoly - Phó chủ tịch Cấp cao về Phát triển bền vững của Schneider Electric - chia sẻ về thách thức của các quốc gia. Ảnh: Quỳnh Danh.

Do đó, việc thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng là cần thiết, giúp hỗ trợ cam kết được đưa ra tại Hội nghị COP 26. Ngoài ra, điều này còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, và Schneider Electric cũng không đứng ngoài xu thế này. Là tập đoàn năng lượng toàn cầu với 11 năm dẫn đầu bảng xếp hạng ESG, Schneider Electric cho rằng hiệu quả và tính bền vững là hộ chiếu thông hành tới tất cả lĩnh vực, có tác động bền vững từ hiện tại tới tương lai.

Chìa khóa để đẩy nhanh lộ trình này chính là sự kết hợp giữa số hóa và điện hóa để thúc đẩy tính hiệu quả và xanh hóa năng lượng. Do đó, tập đoàn cam kết theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và công bằng.

Schneider Electric không chỉ tư vấn về phát triển bền vững cho chính phủ và doanh nghiệp, mà còn cung cấp các giải pháp và sáng kiến đột phá hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh cho tất cả.

Phương châm đáng theo đuổi

Nhận định về xu hướng phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Denoly cho rằng trước hết, các doanh nghiệp cần làm rõ những thách thức chung mà thế giới đang đối mặt.

“Đầu tiên, về môi trường, chúng ta cần giảm thiểu lượng khí thải CO2 về không càng nhanh càng tốt, nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Bên cạnh đó, thế giới hiện có hơn 8 tỷ người nhưng nguồn lực trên hành tinh này có giới hạn”, ông nói.

Những vấn đề về môi trường cũng đang tạo ra hoặc làm sâu sắc thêm một số vấn đề xã hội, chẳng hạn sự bất bình đẳng giữa các quốc gia hay cộng đồng. Ông Denoly cho rằng mỗi quốc gia có điều kiện khác nhau và ngay trong nội bộ từng nước cũng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực.

“Chẳng hạn, ở Việt Nam, nhiều người có nhiều phương tiện để phát triển bản thân, sự nghiệp, nhưng số khác vẫn đang gặp khó khăn”, ông dẫn chứng.

“Vì vậy, chúng ta cần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, tái sử dụng nhiều hơn và trong thời gian dài hơn”, vị chuyên gia cho biết.

“Chúng ta cũng cần đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tương lai. Và để làm được điều này, giáo dục cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thế giới luôn thay đổi và chúng ta cần trang bị kiến thức cho mọi người”, vị phó chủ tịch nhận định.

Giống đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho việc kinh doanh. Các doanh nghiệp không chỉ bị đe dọa vì rủi ro môi trường, chẳng hạn cháy rừng, lũ lụt... gây thiệt hại về tài sản và gián đoạn hoạt động, khả năng sử dụng nguồn tài nguyên mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, mô hình kinh doanh.

Do đó, họ cần có cách tiếp cận chủ động, nhanh chóng đối với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng carbon thấp và đảm bảo khả năng phục hồi trước rủi ro.

Nhận định về chiến lược này, ông Denoly cho biết: “Nếu muốn thành công trong quá trình chuyển đổi, các công ty cần có nguồn lực tài chính tốt để đầu tư cho các phương tiện chuyển đổi. Một công thức thành công đáng theo đuổi là ‘Do well to do good’ (kinh doanh tốt để chuyển đổi tốt) và ngược lại. Thứ hai, các công ty cần giải quyết những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)”.

“Song không công ty nào có thể làm điều đó một mình. Mỗi doanh nghiệp đều có nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và tương tác với các cơ quan, tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ. Do đó, họ cần hợp tác với những đơn vị này để giải quyết các vấn đề nêu trên”, ông nhấn mạnh.

Schneider Electric anh 2

Quang cảnh Innovation Summit 2022. Ảnh: Schneider Electric.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục đào tạo nhân viên về những thay đổi trong công việc để đáp ứng tình hình mới, trong tất cả bộ phận kỹ thuật, tài chính, thương mại, luật pháp. “Khi môi trường thay đổi, kỳ vọng của khách hàng cũng sẽ thay đổi”, ông nói.

“Tóm lại, các doanh nghiệp cần theo sát phương châm ‘Do well to do good’ và ngược lại, đồng thời kết hợp với các đối tác và đào tạo nhân viên để thành công trong quá trình chuyển đổi”, ông Denoly kết luận.

Schneider Electric là một trong những công ty hàng đầu theo đuổi xu hướng này. Theo ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia, phía tập đoàn có rất nhiều ví dụ về việc tự áp dụng công nghệ để vận hành tòa nhà xanh và phát thải ròng bằng 0. Một trong những ví dụ tiêu biểu là trung tâm, trụ sở chính của tập đoàn tại khu vực ở Singapore - tòa nhà Kallang.

“Đây là câu chuyện rất thú vị. Schneider Electric nhận trách nhiệm từ chính phủ Singapore cải tạo một tòa nhà 25 năm tuổi để trở thành tòa nhà xanh”, ông nói.

“Về năng lượng, chúng tôi đảm bảo 100% việc sử dụng năng lượng trong tòa nhà là năng lượng tái tạo, bằng việc lắp đặt các hệ thống solar panel trên mái nhà cùng với việc mua điện từ các nguồn tái tạo”, ông cho biết.

Theo chia sẻ của vị tổng giám đốc, khi nhận dự án, Schneider Electric đã thay toàn bộ hệ thống kính bên ngoài để đảm bảo kính cách nhiệt tốt hơn. Họ cũng ứng dụng các công nghệ số hóa của tập đoàn, lắp đặt hơn 5.000 censor/thiết bị Internet vạn vật (IoT) để kết nối với hệ thống dự báo thời tiết và cảm biến trong tòa nhà.

“Điều này giúp chúng tôi đưa ra các giải pháp để tiết kiệm được sử dụng năng lượng và tối ưu hóa hoạt động của tòa nhà. Tòa nhà này đã được chứng nhận là tòa nhà platinum green building tại Singapore, và cũng là tòa nhà đầu tiên chúng tôi đạt phát thải ròng bằng 0 ở trong khu vực”, ông Lâm nói.

Từ kinh nghiệm thực tế, Schneider Electric đã xây dựng giải pháp EcoStruxure Building - hỗ trợ các tòa nhà thông minh nhằm hiện đại hóa và bảo đảm cơ sở hạ tầng quản lý tòa nhà của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. EcoStruxure Building kết nối an toàn phần cứng, phần mềm và dịch vụ qua mạng lưới IP Ethernet giúp tối đa hóa hiệu quả tòa nhà, tối ưu sự thoải mái, năng suất và tăng giá trị tòa nhà.

Công nghệ sẵn có

Đề cập tới cơ hội tốt nhất của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế xanh, ông Denoly nhận định Việt Nam có thể bắt tay vào thực hiện mà không cần chờ công nghệ hay sự hỗ trợ từ bên ngoài khi những công nghệ thực tế đã có sẵn.

“Trong lĩnh vực điện, các công ty như Schneider Electric Việt Nam có thể mang đến các giải pháp giúp quản lý lưới điện. Lưới điện sẽ tiếp nhận nguồn năng lượng truyền thống cũng như nguồn năng lượng mới, chẳng hạn gió, mặt trời, thủy điện. Đó là giải pháp thay thế, cần phải có một số công nghệ để có thể quản lý lưới điện”, ông dẫn ví dụ.

Tại Schneider Electric Việt Nam, công ty cung cấp giải pháp quản lý năng lượng (EcoStruxure Power), giải pháp quản lý lưới điện (EcoStruxure Grid) hay giải pháp quản lý lưới điện vi mô (EcoStruxure Microgrid).

EcoStruxure Power đảm bảo nâng cao hệ thống phân phối điện của các đối tác khi số hóa và đơn giản hóa hệ thống phân phối điện. Với các giải pháp phân phối nguồn linh hoạt, kết nối, đội ngũ vận hành thiết bị sẽ nhận được dữ liệu hành động giúp họ đưa ra quyết định giúp bảo vệ con người, bảo vệ tài sản và tối đa hóa tính liên tục và hiệu suất kinh doanh.

Khi áp dụng EcoStruxure Power, các đối tác sẽ tiết kiệm trung bình 20% chi phí bảo trì và năng lượng, tối ưu hóa 20% lượng phát thải khí CO2 trung bình và tiết kiệm 5-20% chi phí vốn (CapEx).

Trong khi đó, EcoStruxure Grid là giải pháp tăng hiệu quả lưới điện nhằm mang lại mạng lưới bền vững. Với kiến trúc và dịch vụ kỹ thuật số, EcoStruxure Grid thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu, cung cấp chu kỳ phần mềm hoàn chỉnh (từ thiết kế, xây dựng, vận hành đến duy trì) để giúp các công ty điện lực đạt được tương lai bền vững hơn.

Ngoài ra, vì sự ổn định của nguồn cấp điện và toàn vẹn dữ liệu là chìa khóa, giải pháp giúp chống lại tấn công mạng bằng cách giảm thiểu rủi ro về an ninh mạng và cho phép các công ty điện lực duy trì tự tin vận hành.

Schneider Electric anh 3

Schneider Electric Việt Nam cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển bền vững. Ảnh: Schneider Electric.

Về phần EcoStruxure Microgrid, giải pháp này cho phép các đối tác vận hành xanh hơn bằng cách tích hợp năng lượng tái tạo tại chỗ như gió và mặt trời. Điều này nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng bằng cách tối ưu hóa nhu cầu, lưu trữ điện năng. Từ đó, cải thiện độ tin cậy và giữ cho cơ sở của các đối tác luôn hoạt động, kể cả trong thời gian mất điện.

Liên quan đến việc quản lý tương lai, điều thứ hai cần làm là giải quyết tình hình ở các tòa nhà, theo ông Denoly.

“Rất nhiều tòa nhà ở Việt Nam cần được tân trang lại nhằm cung cấp lớp cách nhiệt tốt hơn, mang đến hệ thống điện tốt hơn cũng như giúp quản lý tòa nhà tốt hơn. Điều này không chỉ đúng với nhà ở, mà còn cả tòa nhà thương mại, bệnh viện, trung tâm dữ liệu hay với ngành công nghiệp,...”, vị phó chủ tịch cho hay.

Ông Denoly nhấn mạnh dưới sự hỗ trợ của Schneider Electric, Việt Nam có thể tiếp cận với hai điều đó ngay lập tức.

“Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chuyển đổi nguồn năng lượng, từ các nguồn năng lượng không thể tái tạo sang các nguồn năng lượng có thể tái tạo. Bên cạnh đó, nó còn giúp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc có thể làm được nhiều việc hơn với cùng một lượng năng lượng”, ông nói.

“Đây là hai khía cạnh trong các lĩnh vực hoạt động và quản lý năng lượng của chúng tôi. Đó là hai điều có thể tiếp cận ngay hôm nay”, ông kết luận.

Tại Schneider Electric Việt Nam, công ty cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển bền vững. Điều này nhằm đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giúp các doanh nghiệp hiểu rõ rủi ro - phần thưởng về môi trường để thực hành những lợi ích hữu hình, bền vững.

Dịch vụ tư vấn của Schneider Electric Việt Nam cung cấp sẽ bắt đầu với chiến lược bền vững toàn diện, tận dụng các công nghệ có sẵn trong doanh nghiệp. Những giải pháp mà dịch vụ đưa ra đảm bảo tính bền vững, giảm tác động đến môi trường, mua năng lượng tái tạo và giúp doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định.

Xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Dù Việt Nam đã tiếp cận được với công nghệ của nhiều nước phát triển, ông Đồng Mai Lâm cho rằng số lượng các tòa nhà xanh vẫn còn khá ít.

Ông Lâm viện dẫn số liệu cho thấy Việt Nam hiện chỉ có 200 tòa nhà được chứng nhận là tòa nhà xanh (green building certified) và chưa có tòa nhà nào phát thải ròng bằng 0. “⅔ số tòa nhà này sẽ tồn tại cho đến năm 2050, khi chúng ta cần đạt được mục tiêu nền kinh tế phát thải ròng bằng 0”, ông nói.

Khi đề cập đến những khó khăn trong việc phát triển các tòa nhà xanh dù Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng, ông Đồng Mai Lâm chỉ ra 3 yếu tố, đầu tiên là chi phí.

“Những chi phí khác, chẳng hạn yếu tố về môi trường, tiết kiệm chi phí trong quá trình hoạt động, vận hành hay giảm thải carbon, trách nhiệm cộng đồng thường không được tính vào chuỗi giá trị của tòa nhà. Đó là một trong những lý do chính khiến chúng ta đi chậm trong việc phát triển các tòa nhà xanh, hoặc các tòa nhà phát thải ròng bằng 0”, ông cho biết.

“Nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. So với các nước trong khu vực, việc đầu tư thêm vào việc xây dựng tòa nhà xanh luôn là một yếu tố cản trở”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng cơ chế khuyến khích việc xây dựng các tòa nhà xanh ở Việt Nam đã có nhưng chưa đủ mạnh. “Chúng ta cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc hỗ trợ hoặc thiết lập cơ chế chính sách để thúc đẩy việc xây dựng các tòa nhà xanh ở Việt Nam”, ông nhận định.

Schneider Electric anh 4

Ông Đồng Mai Lâm - Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia. Ảnh: Quỳnh Danh.

Liên quan đến yếu tố cản trở cuối cùng, ông Lâm cho rằng việc quan tâm phát triển những tòa nhà xanh, hay những tòa nhà phát thải ròng bằng 0, chưa được chú trọng ở Việt Nam.

“Hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều những nhà đầu tư hay nhà phát triển bất động sản tính đến các giá trị đó vào trong giá trị thương hiệu của mình. Đó là lý do việc quan tâm, phát triển những tòa nhà xanh, hay những tòa nhà phát thải ròng bằng 0 chưa được chú trọng ở Việt Nam”, ông nói. Ông đồng thời khuyến khích nhà đầu tư hoặc các nhà phát triển bất động sản cần phải coi giá trị về phát triển bền vững như là một phần giá trị của công ty.

Trong quá trình phát triển tòa nhà xanh, nhiều doanh nghiệp được cho vẫn chần chừ đầu tư, khi quá trình chuyển đổi thường kéo dài, những gì đạt được chỉ có thể nhìn thấy trong trung và dài hạn.

Về vấn đề này, ông Lâm cho biết các giải pháp về xanh hóa tòa nhà sẽ áp dụng cho cả tòa nhà cũ và tòa nhà mới, đặc biệt trong việc làm mới các tòa nhà hiện hữu là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng.

Do đó, ông Lâm chỉ ra sự cần thiết của việc làm mới những tòa nhà hiện hữu để đạt được tiêu chuẩn về xanh hay phát thải ròng bằng 0. “Mới ở đây không đồng nghĩa với việc đập mới đi xây lại. Tuy nhiên, chúng ta cần nâng cao tính hiệu quả của tòa nhà bằng cách đưa ra các giải pháp giảm thải carbon cho tòa nhà”, vị chuyên gia chia sẻ.

“Khi tích hợp các giá trị về tòa nhà xanh và đưa ra những giá trị gián tiếp liên quan tới lĩnh vực tài chính (như tiết kiệm chi phí vận hành tòa nhà, tối ưu hóa việc sử dụng của người dùng, hay nâng cao giá trị thương hiệu), thì việc ứng dụng công nghệ vào các tòa nhà hiện hữu sẽ hoàn vốn chỉ trong 8-10 năm”, ông nói.

Schneider Electric anh 5

Ông Xavier Denoly và ông Đồng Mai Lâm có buổi chia sẻ về giải pháp ứng dụng công nghệ xanh vào tòa nhà. Ảnh: Quỳnh Danh.

Không những vậy, chủ đầu tư có thể nâng cao giá trị tòa nhà của mình, nâng chi phí thuê với ứng dụng công nghệ xanh vào tòa nhà, thì thời gian hoàn vốn thậm chí còn nhanh hơn, ông chia sẻ.

Với những tòa nhà xây dựng mới, Schneider Electric tính toán ứng dụng công nghệ làm cho tòa nhà phát thải ròng bằng 0 tốn thêm khoảng 4-6% chi phí đầu tư, ông Lâm cho biết. “Tuy nhiên, với việc phát triển công nghệ hiện tại, chi phí đầu tư ngày càng giảm xuống”, ông chia sẻ.

Từ đó, ông nhận định trong thời gian tới, các chủ đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng giải pháp và tòa nhà xanh hay chứng nhận phát thải ròng bằng 0. Và theo ông Lâm, Schneider Electric có thể đồng hành cùng với doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển các tòa nhà xanh, thông qua nhiều dịch vụ của mình, chẳng hạn dịch vụ tư vấn bền vững.

“Dịch vụ này giúp tư vấn cho các chủ đầu tư các tòa nhà hiểu hết được những giá trị về phát triển bền vững mà họ cần phải mang đến cho công trình hay việc kinh doanh của họ, trong đó có việc tìm ra các giải pháp để giảm phát thải carbon, tăng cường tính hiệu quả của tòa nhà hay của các hoạt động kinh doanh của mình”, ông nói.

Về mặt số hóa, Schneider Electric có rất nhiều biện pháp để chúng ta quản lý năng lượng có hiệu quả hơn, chẳng hạn giải pháp về quản lý tự động hóa tòa nhà, quản lý hệ thống năng lượng, ông Lâm cho biết.

“Những giải pháp này đã giúp chủ đầu tư quản lý có hiệu quả hơn sản phẩm và tòa nhà của họ, từ đó giúp cho chủ đầu tư và nhà phát triển bất động sản tiết kiệm chi phí vận hành, cho họ thấy rõ giá trị và đẩy nhanh hoàn vốn trong đầu tư, giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình xanh hóa tòa nhà ở Việt Nam”, ông cho hay.

Phương Hải Vân - Quỳnh Danh

Giang Trân Nguyên

Bạn có thể quan tâm