Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạt đề xuất gỡ khó cho điện mặt trời mái nhà tại doanh nghiệp

Điện mặt trời mái nhà có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và gia tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Các doanh nghiệp nhận thấy sự cấp thiết của việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhưng còn nhiều băn khoăn. Ảnh minh họa: Nami.

Chiều 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng".

Mở đầu diễn đàn, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI cho biết chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà là mong mỏi của các doanh nghiệp, bởi không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm phát thải carbon, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Nhu cầu cấp thiết

Theo ông Võ Tân Thành, các doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu áp lực phải thay đổi để thích nghi với yêu cầu của các thị trường lớn.

Điển hình, Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu, theo đó các sản phẩm như dệt may, điện tử, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm xuất sang EU phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về hiệu quả năng lượng, giảm phát thải, chất thải và sử dụng nguyên liệu tái chế.

Các loại sản phẩm bao gồm sắt, thép, nhôm, xi măng cũng được dự báo sẽ chịu tác động mạnh từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới.

Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp sở hữu chứng chỉ xanh, được cộng điểm ưu tiên khi xuất khẩu vào các thị trường "khó tính".

dien mat troi anh 1

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: BTC.

Cụ thể hơn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay các nhãn hàng hàng đầu thế giới hiện nay đều yêu cầu loại trừ tất cả nồi hơi bằng than đá vật liệu thải khí không tốt ra môi trường, do đó các doanh nghiệp phải chuyển sang nồi hơi điện.

"Như vậy, chi phí sản xuất cho một sản phẩm nếu dùng điện thì tăng 10-17% so với đốt than. Mặt khác, so với điện mặt trời, việc dùng nồi hơi điện bằng điện của Nhà nước còn làm tăng chi phí thêm 15-20%", ông Giang ước tính.

Theo ông Giang, những doanh nghiệp dệt may đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái ngay từ giai đoạn đầu rất hiệu quả. Doanh nghiệp được điểm cộng khi làm việc với nhãn hàng, có khả năng chủ động về điện năng, đồng thời các chỉ số liên quan tiết kiệm năng lượng, xử lý nguồn nước cũng được cải thiện, tác động đến quá trình đánh giá các chứng chỉ xanh.

Ông Trần Thiên Long - Phó chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho biết đây là nhu cầu rất cấp thiết của các chủ đầu tư khu công nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp.

Ông kể hồi 2020 khi phối hợp với EVN và Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM để phát động triển khai điện mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp, chỉ trong vòng 1 năm đã đạt gần 100 MW.

"Dư địa cho lĩnh vực này trong các khu chế xuất và công nghiệp là rất lớn. Riêng TP.HCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư, nếu làm hết cũng phải gần 2.000 MW. Hiện nay, cả nước có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp, trong đó có gần 80.000 nhà đầu tư thứ cấp”, ông Long cho biết.

Đề nghị nới "room" và rõ ràng pháp lý

Dù vậy, Phó chủ tịch VCCI cho biết đến nay doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do chưa có quy định cụ thể.

Dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mới nhất cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính và một số điểm chưa rõ ràng, nhất quán.

Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các bộ ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành hệ thống điện mặt trời mái nhà và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Đồng thời, cần xem xét lại công suất trong quy hoạch để nới "room" hoặc bỏ hạn ngạch phân bổ theo các tỉnh, thành, tạo điều kiện khuyến khích, thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Các doanh nghiệp đều mong muốn tính pháp lý cho lĩnh vực này phải rõ ràng, cụ thể và phải được thực hiện một cách đồng bộ

Ông Trần Thiên Long - Phó chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam

"Các doanh nghiệp đều mong muốn tính pháp lý cho lĩnh vực này phải rõ ràng, cụ thể và phải được thực hiện một cách đồng bộ.

Hiện nay, doanh nghiệp muốn làm nhưng vẫn còn rất băn khoăn. Do đó, đề nghị VCCI nên có thêm những diễn đàn hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp", ông Trần Thiên Long nói.

Ông Long cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước có quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp để đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ông cho biết hiện chỉ có vài ngân hàng có sản phẩm này, nhưng là sản phẩm riêng lẻ, trong khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính để chuyển đổi xanh.

"Một khu công nghiệp, một nhà máy rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả", ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang kiến nghị cần có các tổ chức cấp chứng chỉ xanh uy tín của Việt Nam, tiến đến tương đương các tổ chức quốc tế, cũng như các cơ quan hướng dẫn, cấp phép và kiểm soát các doanh nghiệp dịch vụ lắp đặt điện mặt trời mái nhà, bởi việc lắp đặt rất dễ, nhưng kiểm soát sự cố thì chưa rõ ai chịu trách nhiệm.

Mặt khác, Chủ tịch Vitas cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động truyền thông. Ông dẫn chứng tại Bangladesh, toàn ngành dệt may có 4.200 doanh nghiệp nhưng chỉ có 200 đơn vị được cấp chứng chỉ xanh, dù vậy quốc gia này đã làm truyền thông rất tốt và từ đó đạt được nhiều đơn hàng.

Theo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại thông báo ngày 16/8, Bộ Công Thương cần hoàn thiện khái niệm "tự sản, tự tiêu" đối với điện mặt trời mái nhà, đồng thời cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, cơ quan nghiên cứu điều chỉnh quy mô công suất đối với miền Bắc có thể lên tới 7.000 MW và tính toán lại khả năng huy động cho khu vực TP.HCM, trình Thủ tướng trong tháng 9 để xem xét điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với năng lượng mặt trời mái nhà.

Phó thủ tướng: Mở 'room' cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Phó thủ tướng yêu cầu rà soát nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, mở "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.

Đề nghị tăng gấp đôi tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia lên 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc và 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.

Khẩn trương gỡ khó cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, cập nhật các dự án điện mặt trời, điện gió chưa có hoặc đã khắc phục theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm