Bất chấp những khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn về vận tải quốc tế, xuất khẩu thủy sản vẫn đang ghi nhận kết quả tích cực nhờ nhu cầu tăng cao trên thế giới.
Báo cáo quý đầu năm cho thấy hàng loạt công ty xuất khẩu cá, tôm đạt được mức tăng trưởng cao bằng lần so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận đang quay lại thời kỳ đỉnh cao.
Tăng trưởng bằng lần
Ở mặt hàng cá tra, công ty đầu ngành là Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 83% đạt 3.276 tỷ đồng, nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng ở hầu hết thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, EU.
Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên gần 24%, từ con số hơn 15% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 553 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ và chỉ xếp sau mức lãi kỷ lục hơn 600 tỷ trong quý III/2018.
Lãnh đạo Vĩnh Hoàn trình bày kết quả về gần vùng đỉnh này là nhờ nhu cầu các tháng đầu năm ở các thị trường chính rất tốt, đơn hàng nhận về nhiều, tình hình tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị cũng tốt và cá tra hưởng lợi từ chiến sự Nga - Ukraine.
Doanh nghiệp thủy sản hưởng lợi khi nhu cầu tăng cao trên thế giới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) thông báo doanh thu gần như đi ngang so với cùng kỳ đạt 325 tỷ đồng. Tuy nhiên biên lợi nhuận tốt hơn giúp công ty có lãi gộp tăng mạnh 236% lên hơn 110 tỷ.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý 3 lần so với cùng kỳ đạt tổng cộng 34 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển, chi phí nhân viên và dự phòng phải thu khó đòi. Từ đó công ty báo lãi 63 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ.
Chủ tịch ACL cho biết khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì nhu cầu tại các thị trường nước ngoài đều bùng nổ, sản lượng bán và giá bán đồng loạt tăng mạnh. Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ có tiềm lực tài chính và nguồn nuôi sẵn có.
Doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Navico (ANV) cũng ghi nhận doanh thu tăng 73% lên trên 1.200 tỷ đồng. Mặc dù chi phí cước tàu tăng lên gây tác động xấu nhưng chưa quá đáng kể. Công ty vẫn báo lãi 207 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ và là quý có kết quả tốt thứ nhì trong lịch sử.
Công ty Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) tương tự báo cáo doanh thu thuần tăng 37% đạt 1.872 tỷ đồng. Lãi ròng cao gấp 10 lần cùng kỳ ở mức 199 tỷ đồng, cao nhất lịch sử.
Nguyên nhân là nhờ doanh số bán hàng và giá bán tăng. Công ty còn có được nguồn cung nguyên liệu giá tốt, giá cá xuất khẩu tăng cao và thu nhập khác tăng do ký thêm hợp đồng dịch vụ cho thuê tài sản.
Theo Vasep, giá cá tra nguyên liệu đã tăng mạnh lên quanh 32.000 đồng/kg tại Đồng Tháp, tăng gần 37% so với đầu năm khi nguồn cung thiếu hụt. Giá cá tăng giúp doanh nghiệp hưởng lợi khi còn hàng tồn kho giá thấp.
Ngành tôm cũng khởi sắc không kém khi ông lớn Thực phẩm Sao Ta (FMC) tăng trưởng 37% về doanh thu đạt 1.328 tỷ đồng. Con số này đến từ tiêu thụ hơn 4.800 tấn thủy sản và hơn 380 tấn nông sản.
Công ty cũng chịu ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển tăng vọt nhưng chưa tác động quá lớn. Theo đó Sao Ta vẫn báo lãi ròng gần 41 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo đánh giá nhu cầu về thủy sản nói chung và tôm nói riêng tăng cao khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở các thị trường nhập khẩu. Sản phẩm tôm được ưa chuộng do giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến và phù hợp với xu hướng chuộng sản phẩm tiện dụng chế biến sẵn.
Hay Camimex Group báo cáo doanh thu gấp đôi cùng kỳ đạt 470 tỷ đồng trong quý đầu năm. Lợi nhuận sau thuế theo đó gấp 2,3 lần lên 25 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ nhu cầu, giá cả và cơ cấu hàng bán thay đổi tích cực.
Cổ phiếu lập đỉnh
Mức tăng trưởng đột biến trong kinh doanh đang giúp cổ đông doanh nghiệp hưởng niềm vui lớn. Cổ phiếu của nhóm thủy sản trở thành điểm nóng nhất trên thị trường chứng khoán, đi ngược diễn biến chung kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi VN-Index mất hơn 10% giá trị vốn hóa do đợt lao dốc trong tháng 4, thì các cổ phiếu thủy sản lại tăng tốc hàng chục phần trăm để thiết lập các đỉnh mới.
Cổ phiếu thủy sản bứt phá kể từ đầu năm. Đồ thị: TradingView. |
Cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn leo một mạch lên đỉnh lịch sử ngay trong tháng 4 trước khi điều chỉnh nhẹ về 104.000 đồng, tăng hơn 65% so với đầu năm.
Hiện bà Trương Thị Lệ Khanh đang là chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn và cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 43,5% vốn. Việc cổ phiếu lập đỉnh giúp cho tài sản bà nhảy vọt lên hơn 8.200 tỷ đồng, lọt top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Cổ phiếu ANV cũng lập đỉnh trong tháng 4 và phiên gần nhất tăng trần lên mức 46.000 đồng. Cổ đông lớn nhất là chủ tịch HĐQT Doãn Tới đã tăng mạnh tài sản lên 3.300 tỷ đồng, lọt top 50 người giàu trên sàn chứng khoán.
Hay mã ACL còn bứt phá hơn khi tăng một mạch để leo lên vùng giá cao nhất trong nửa cuối tháng 4 và hiện đứng ở 30.700 đồng, tăng 71% so với đầu năm.
Theo báo cáo của VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, tăng trưởng 46% trong quý đầu năm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 955 triệu USD (+44% so với cùng kỳ) và 653 triệu USD (+90% so với cùng kỳ).
Xét về thị trường, Mỹ là quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất với 575 triệu USD, tăng 72%. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản tăng 14% đạt 348 triệu USD và Trung Quốc tăng 90% lên 362 triệu USD.
Chuyên gia ngành cá tra của Chứng khoán BSC lý giải nhu cầu tăng mạnh do bị dồn nén bởi Covid-19 và nguồn cung thiếu hụt, từ đó thúc đẩy giá bán tăng cao tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc.
Ngoài ra ngành cá tra hưởng lợi thêm từ câu chuyện xung đột Nga-Ukraine. Các lệnh trừng phạt kỳ vọng sẽ tạo khoảng trống thị trường khi Nga xuất khẩu 4,5-5,8 tỷ USD kim ngạch thủy sản; trong đó chủ yếu là cá minh thái - loại cá cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên ngành thủy sản trong nước cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Giá cá tôm nguyên liệu tăng cao sẽ kích thích người dân thả nuôi, chuyên gia BSC dự báo nguồn cung sẽ tăng mạnh từ cuối quý II.
Trong khi đó Agromonitor cũng dự báo nguồn cung cá nguyên liệu sẽ tăng 15% trong quý II. Ngoài ra các nhà cung cấp thức ăn thủy sản đã tăng giá bán trong quý đầu năm, đẩy chi phí thức ăn chăn nuôi cao tăng 25% và chi phí vận chuyển cũng tăng 81% so với cùng kỳ.