Đại diện hệ thống siêu thị chuyên bán đồ trẻ em tại Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 1 tới nay, sức tiêu thụ của các mặt hàng mỹ phẩm trẻ em tăng khoảng 150-200% mỗi tháng. Nhóm hàng bán chạy nhất bao gồm dầu gội, tắm, massage, dầu chống cảm, phấn rôm dưỡng da, kem chống nẻ... nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ và các nước Nhật, Hàn. Các sản phẩm này thường có giá cao hơn 20-150% với nhóm cùng loại là hàng nội địa.
Đặc biệt, ở phân khúc khách có con từ 4 tuổi trở lên, các loại mỹ phẩm làm đẹp như phấn má, son dưỡng môi, sức tiêu thụ gia tăng. "Một số khách còn gọi điện trực tiếp hỏi thông tin về các dòng phấn trang điểm, màu mắt và son màu cho bé. Nhưng đây là nhóm hàng chưa phổ biến nên chúng tôi không nhập về", vị này cho biết.
Mỹ phẩm dù cho trẻ em hay người lớn đều có chứa những thành phần hóa chất nhất định gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Ảnh: Diệp Sa. |
Tại Hà Nội, thời điểm giao mùa gây nhiều phiền toái cho làn da, mái tóc của trẻ em cũng là mùa "vào vụ" của các hàng bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân cho bé. Khảo sát cho thấy, thị trường hóa mỹ phẩm dành cho trẻ em tại Hà Nội ngày càng phong phú. Trong đó, các sản phẩm nhập khẩu đang chiếm ưu thế với nhiều chủng loại, thương hiệu, khung giá khác nhau.
Theo chia sẻ từ một số địa chỉ chuyên nhận đặt hàng xách tay nước ngoài về Việt Nam, mỹ phẩm, dược phẩm dành cho trẻ em là một trong những mặt hàng được đặt mua nhiều hiện nay. Chị Lê Thúy, phụ trách marketing một hãng mỹ phẩm trẻ em tại Hà Nội, cho biết: "Chủ yếu do tâm lý sính ngoại của khách hàng. Bên cạnh đó, mỹ phẩm nội địa cho trẻ em chưa được các nhà sản xuất quan tâm. Nhiều mặt hàng chỉ tìm thấy qua kênh nhập khẩu, xách tay".
Lo lắng vì con gái hơn 3 tháng tuổi da dễ bị hăm đỏ, hai má nứt nẻ, chị Vân Anh (phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội) tìm mua dầu gội và dầu massage, kem dưỡng da an toàn cho con. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều người, chị chọn cách đặt mua hàng xách tay từ nước ngoài về. Sau 2 tuần, chị thanh toán hơn 900.000 đồng cho 3 lọ mỹ phẩm trẻ em, chưa kể phí vận chuyển và mua hộ.
"Loại này có bán trong nước, nhưng mình sợ mua phải hàng nhái nên chấp nhận đặt từ nước ngoài, giá đắt hơn để đổi lấy an toàn cho bé. Rất nhiều bố mẹ mình quen trên diễn đàn đều như vậy", Vân Anh cho biết.
Có hai con đều là mẫu nhí, lại ở độ tuổi thích làm đẹp, chị Lan Hương (Văn Miếu, quận Đống Đa) cùng một số phụ huynh rủ nhau đặt hàng kem dưỡng da, dưỡng môi cho bé từ nước ngoài. Chị cho biết, một số phụ huynh còn đặt hàng xách tay nguyên bộ sản phẩm trang điểm cao cấp, để dùng riêng cho bé trong mỗi show diễn. Tuy nhiên, dù bỏ ra hàng triệu đồng cho các loại mỹ phẩm nói trên, nhóm phụ huynh này vẫn thường trực nỗi lo sức khỏe của con sẽ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Thị Hoa (quận Long Biên) cho biết, chị từng phải xử lý nhiều ca dị ứng hóa mỹ phẩm ở trẻ em. Một số trường hợp nặng phải nhập viện đều trị. Theo bác sĩ, các loại mỹ phẩm dù chỉ là kem dưỡng da, massage hay đặc thù hơn như phấn má, son môi... đều có một số thành phần hóa chất ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bé.
Các hóa chất được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm của cả trẻ em lẫn người lớn như chất bảo quản, hương liệu, dầu khoáng... có khả năng gây các bệnh như dị ứng da, lão hóa da và trầm trọng hơn là ung thư.
Theo lời khuyên của bác sĩ, thực chất, các rắc rối phổ biến xảy ra trên da bé như hăm, khô da, nứt nẻ, thậm chí là chàm, đều là các phản ứng tự nhiên của da bé trong quá trình thích nghi dần với môi trường sống. Có nhiều phương pháp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị hiệu quả từ những sản phẩm tự nhiên, như các loại tinh dầu massage, mật ong, sữa và cả nước sạch. Các bố mẹ không cần thiết phải tốn ngân sách lớn để mua hóa mỹ phẩm, vì không thể an toàn tuyệt đối cho làn da non nớt của bé.