Loạn nguồn gốc rau củ ngoại
Khoai tây gắn tên Mỹ có đến mấy loại khác nhau như tím, hồng và vàng, rồi đến cải thảo Đài Loan, bí đỏ Nhật..., nhưng phần lớn đều được trồng tại Việt Nam, số ít là hàng nhập khẩu.
Chị Thanh Hằng, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết khá băn khoăn với nguồn gốc các loại sản phẩm rau củ ngoại được bày bán trong siêu thị. "Không biết đây là giống nước ngoài trồng tại Việt Nam hay là hàng nhập khẩu mà giá cả lại có phần đắt hơn so với các sản phẩm trong nước?", chị Hằng thắc mắc.
Phòng thu mua siêu thị Big C Việt Nam cho biết khoảng 95% mặt hàng rau củ quả bán tại Big C được mua tận nguồn từ những vựa rau quả lớn trong nước như Lâm Đồng, ĐBSCL... Tuy nhiên, siêu thị đã kinh doanh thêm một số mặt hàng rau quả có giống nước ngoài được trồng tại Việt Nam như cải thảo Đài Loan, bí Nhật... Những loại rau củ sử dụng giống nước ngoài cải thiện được những nhược điểm của rau củ trong nước như bí Nhật đặc ruột, ăn bùi, cải thảo Đài Loan bó chắc, ăn ngọt, khoai lang Nhật củ đều, mỏng vỏ...
Riêng với các loại khoai tây Mỹ tím, hồng, vàng... có kích thước nhỉnh hơn hàng trong nước, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài. Giá cả các mặt hàng này phụ thuộc vào giá nhập khẩu, dao động theo mùa vụ. Tùy vào màu sắc ruột khoai tây mà có hương vị đặc trưng riêng như khoai tây vàng có kết cấu chắc, ăn bùi, phù hợp với các món nướng, nghiền, đút lò, trong khi khoai tây màu tím dùng để hấp hoặc nướng.
Cũng như khoai tây trong nước, khi lựa chọn các sản phẩm này cần lưu ý chọn củ còn cứng, mướt và sạch sẽ, không chọn loại nhăn nheo hay trên bề mặt vỏ có màu xanh lục hoặc vết bầm. Tuy vậy, theo thống kê của các siêu thị, hàng rau củ quả trong nước vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Theo Tuổi Trẻ