Loạn giá sản phẩm là tình trạng không hiếm gặp trên thị trường di động, đặc biệt là trong bối cảnh, cửa hàng điện thoại đang mọc lên như nấm sau mưa hiện nay.
Giá bán mẫu smartphone Samsung Galaxy S4 tại một đại lý lớn (trên) và một cửa hàng nhỏ (dưới) chênh nhau 1,5 triệu đồng tại thời điểm giữa tháng 8/2013. |
Ở thời điểm mới cập bến thị trường Việt Nam, tín đồ của Galaxy S4 đã có một phen nháo nhào khi giá bán của sản phẩm này mỗi nơi một khác. Trong khi các cửa hàng lớn trung thành với mức giá đề xuất là 16 triệu đồng, thì tại khá nhiều cửa hàng nhỏ, model này được bán ra với giá dưới 15 triệu đồng.
Không chỉ riêng Galaxy S4, hầu hết các sản phẩm chính hãng bán ra tại Việt Nam đều gặp phải tình trạng tương tự. Để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng loạn giá nói trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Mai Triều Nguyên - Giám đốc chuỗi siêu thị Mai Nguyên Luxury Mobile - một đại lý bán lẻ sản phẩm di động lớn tại TP.HCM.
- Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng loạn giá điện thoại chính hãng, thưa ông?
- Đây là chuyện diễn ra khá phổ biến khi các cửa hàng nhỏ tự ý phá giá sản phẩm. Đối với các nhà bán lẻ lớn, họ buộc phải làm việc trực tiếp với hãng, cam kết bán đúng giá đề xuất. Họ chỉ được phép tặng quà, khuyến mại chứ không được phá giá. Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ lấy hàng từ nhiều nguồn khác, sau đó tự ý phá giá. Do họ không làm việc trực tiếp với hãng nên hãng không thể kiểm tra và khống chế được hết.
- Một nhà bán lẻ sau khi ký kết với hãng nếu phá giá sẽ bị xử lý như thế nào?
- Tùy theo từng hãng mà mức độ phạt sẽ khác nhau. Có thể là cắt chiết khấu, cắt thưởng hoặc nặng nhất là cắt hàng từ vài tuần đến vài tháng.
- Như vậy, cùng là sản phẩm được bảo hành chính hãng, các cửa hàng nhỏ đã chiếm hoàn toàn ưu thế về giá?
- Có thể nói là như vậy, nhưng kèm theo đó, khách hàng được gì? Các cửa hàng lớn thường có nhiều quà tặng giá trị đi theo sản phẩm, trong khi đó, các cửa hàng nhỏ có thể cắt hết để hạ giá, thậm chí quà của hãng cũng cắt luôn để lấy ra bán riêng, bù vào số tiền giảm giá sản phẩm.
- Theo ông, đâu là ưu thế cạnh tranh của các cửa hàng lớn khi cửa hàng nhỏ đã nắm ưu thế về giá?
- Không phải khách hàng nào cũng đi kiếm những nơi bán rẻ nhất để mua. Tại các cửa hàng lớn, ngoài các chương trình khuyến mại, quà tặng, người dùng còn có cơ hội tận hưởng những dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Ngoài ra, các đại lý lớn cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ phía hãng. Hãng chỉ bảo vệ những đối tác họ đã ký kết và có thể kiểm soát được. Chẳng hạn, khi hàng mới về, hãng sẽ dành ưu tiên cho những đại lý nói trên.
Có một điểm cần nhắc đến nữa là các cửa hàng nhỏ có thể treo giá thấp để câu khách, trong khi chưa chắc đã có hàng trong tay. Cũng đã có không ít những trường hợp cửa hàng bán phá giá sau đó phải đóng cửa vì không duy trì được.