Vũ khí mà Ukraine hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc giao tranh với Nga không thể trông thấy được ở khoảng cách vài m.
Nó được ngụy trang trong một đống cành cây. Ngay sau đó, một quả đạn duy nhất bắn ra kèm theo tiếng nổ và thét chói tai, khi nó lao thẳng tới các vị trí của lực lượng Nga. Đó là lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất. Nó bắn xa hơn, có khả năng di chuyển nhanh hơn và dễ dàng che giấu hơn. Và đó cũng là điều mà quân đội Ukraine đang chờ đợi, theo New York Times.
Niềm hy vọng của Ukraine
Ba tháng sau khi “chiến dịch quân sự” ở Ukraine nổ ra, những lựu pháo M777 đầu tiên - vũ khí sát thương nhất mà phương Tây cung cấp cho đến nay - đã được triển khai ở miền Đông Ukraine.
Sự xuất hiện của loại vũ khí này làm dấy lên hy vọng của Ukraine về việc đạt được ưu thế về pháo binh, ít nhất là ở một số khu vực tiền tuyến. Đây là bước quan trọng để đạt được chiến thắng quân sự trong những cuộc giao tranh chủ yếu diễn ra ở thảo nguyên hiện nay.
Các chỉ huy Ukraine cho biết loại vũ khí này đã phá hủy nhiều xe bọc thép của Nga. “Vũ khí này đưa chúng ta đến gần hơn với chiến thắng”, đại tá Roman Kachur, chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh số 55, đơn vị đầu tiên triển khai lựu pháo M777, cho biết.
“Với mọi vũ khí hiện đại, mọi vũ khí chính xác, chúng ta tiến gần hơn đến chiến thắng”, ông cho biết thêm.
Lính Ukraine đang làm sạch và bảo dưỡng lựu pháo. Ảnh: New York Times. |
Giới phân tích quân sự phương Tây cho biết “mức độ gần như thế nào” vẫn chưa rõ ràng. Sự xuất hiện của các loại vũ khí mới không có gì đảm bảo thành công khi hai bên vẫn giao tranh ác liệt ở khu vực Donbas. Thành công đó phụ thuộc nhiều vào số lượng.
"Nga là một trong những đội quân pháo binh lớn nhất mà các vị có thể phải đối mặt”, Michael Kofman, nhà nghiên cứu về Nga tại viện nghiên cứu CNA, khẳng định.
Cách đây vài tuần, Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp lựu pháo M777 cho Ukraine, nhưng việc sử dụng chúng trong chiến đấu cho đến nay hầu như chỉ được gợi ý trong các video trực tuyến được đăng tải bởi những binh sĩ.
Theo các nhà phân tích quân sự, hiệu quả đầy đủ của các lựu pháo này chỉ rõ ràng trong ít nhất hai tuần nữa, vì Ukraine vẫn chưa đào tạo đủ binh sĩ để sử dụng tất cả 90 lựu pháo mà Mỹ và đồng minh cam kết. Chỉ có khoảng hơn chục lựu pháo được triển khai trên mặt trận ở thời điểm hiện tại.
Điểm nghẽn
Trang bị vũ khí mạnh hơn cho Ukraine là một vấn đề nhạy cảm mặt chính trị. Mỹ, Pháp, Slovakia và các quốc gia phương Tây khác đã gấp rút trang bị pháo và các hệ thống hỗ trợ, chẳng hạn máy bay không người lái, radar phản lực,... cho Ukraine, ngay cả khi Nga cáo buộc phương Tây thực hiện chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine. Nga cũng đe dọa hậu quả không thể xác định nếu các lô vũ khí tiếp tục được vận chuyển tới Ukraine.
Pháp, Italy và Đức cho rằng Ukraine tận dụng sức mạnh của các loại vũ khí mạnh hơn để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và có thể khiến Moscow rút quân.
Tuy nhiên, phía Ukraine nhấn mạnh rằng động lực đang đứng về phía họ, và các cuộc đàm phán chỉ nên diễn ra sau khi Kyiv chiến thắng trên chiến trường và giành lại lãnh thổ.
Lính Ukraine đặt lựu pháo phía dưới thân cây để ngụy trang. Ảnh: New York Times. |
Hiện tại, quân đội Ukraine vẫn chịu sức ép dữ dội trong cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine.
Các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Nga và Ukraine đã tạm dừng cách đây khoảng một tuần. Lực lượng Nga hiện tiến gần đến thành phố Sievierodonetsk, đe dọa bao vây quân đội Ukraine.
Những lựu pháo M777 của phương Tây sở hữu sức công phá mạnh nhất trong số các loại vũ khí hiện được các nước NATO cung cấp. Chúng bắn xa hơn 4,8 km so với pháo tự hành MSTA-S, hệ thống pháo phổ biến nhất mà quân đội Nga sử dụng trong chiến sự ở Ukraine.
Bí mật là điều tối quan trọng trong các cuộc giao tranh vào những tuần gần đây. Những người lính Ukraine đã chất đống cành cây tươi lên xe để ngụy trang chống lại máy bay không người lái của đối phương.
Trong các cuộc đấu pháo, người lính không chỉ coi trọng tầm bắn, mà còn là khả năng ẩn nấp nhanh chóng và di chuyển súng cũng như các phương tiện hỗ trợ.
Kể từ khi được triển khai cách đây hai tuần, khoảng hơn chục lựu pháo đã bắn 1.876 viên đạn tính đến ngày 22/5, theo các sĩ quan Ukraine.
Nhiều sĩ quan Ukraine cho biết các loại pháo phương Tây tràn vào Ukraine hiện có một số lợi thế so với các hệ thống kế thừa của Liên Xô. Trong số đó, quan trọng nhất là khả năng tương thích với các loại đạn pháo cỡ nòng của NATO, giảm bớt lo ngại rằng Ukraine có thể sớm cạn kiệt đạn dược theo tiêu chuẩn Liên Xô, vốn được sản xuất chủ yếu ở Nga.
Ngoài những vũ khí mà Mỹ gửi tới, Pháp đã hứa cung cấp pháo tự hành CAESAR, có khả năng nhanh chóng rời đi sau khi khai hỏa. Slovakia cũng đã cam kết cung cấp lựu pháo.
Tuy nhiên, lựu pháo M777 của Mỹ có thể mang đến hiệu quả tốt nhất, cung cấp hỏa lực chính xác, tầm xa khi đào tạo đủ lực lượng để sử dụng chúng, các nhà phân tích quân sự cho biết.
Điểm nghẽn là đào tạo. Cho đến nay, Mỹ đã huấn luyện khoảng 200 binh sĩ Ukraine trong các khóa học kéo dài 6 ngày tại các căn cứ ở Đức. Quân đội Ukraine chia đôi nhóm này, một số người được cử ra mặt trận, trong khi số khác sẽ huấn luyện thêm cho lực lượng Ukraine.
Mykhailo Zhirokhov, tác giả một cuốn sách về pháo binh trong cuộc chiến của Ukraine với phe ly khai thân Nga, cho biết việc huấn luyện binh sĩ cho tất cả 90 lựu pháo có thể mất vài tuần nữa.
Ông Zhirokhov cho biết những lựu pháo tự hành CAESAR của Pháp cũng sẽ giúp ích, nhưng việc học cách sử dụng chúng phải mất hàng tháng. “Ngay cả người Pháp cũng nghĩ rằng họ quá phức tạp", ông nói.