Trang LiveScience đưa tin các nhà cổ sinh vật học vừa công bố một loài khủng long mới với tên gọi Allosaurus jimmadseni. Loài khủng long này được xác định sống cách đây khoảng 155 triệu năm trước.
Bộ xương của con khủng long này được tìm thấy lần đầu vào ngày 15/7/1990 tại Đài tưởng niệm Quốc gia Khủng long ở Utah, Mỹ. Khi đó, chúng được bao bọc bởi một khối đá lớn với trọng lượng 2.700 kg. Các nhà khoa học buộc phải dùng chất nổ để tách phần hóa thạch khỏi tảng đá và đưa phần xương không đầu về bằng trực thăng.
Allosaurus jimmadseni được xác định sống cách đây khoảng 155 triệu năm trước. Ảnh: LiveScience. |
Mãi đến năm 1996, hộp sọ của nó mới được tìm thấy và lắp ráp lại với phần cơ thể. Việc này được thực hiện bởi Ramal Jones, một bác sĩ đã nghỉ hưu tại Đại học Utah.
Các nhà khoa học cho biết Allosaurus jimmadseni thuộc loài khủng long ăn thịt với kích thước lớn. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng con khủng long có chiều dài 8-9 m và nặng khoảng 1.800 kg.
"Quá trình bảo vệ, khai quật, chuẩn bị và quản lý hàng nghìn xương của con Allosaurus này là một nỗ lực phi thường”, nhà cổ sinh vật học James Madsen nhận định.
Allosaurus jimmadseni được xác định sống ở cuối kỷ Jura, tại vùng đồng bằng ngập lụt ở phía tây khu vực Bắc Mỹ. Đây cũng là loài khủng long Allosaurus lâu đời nhất từng được tìm thấy, tuổi đời vượt xa so với loài Allosaurus fragilis nổi tiếng tại Utah.
“Trước đây, các nhà cổ sinh vật học nghĩ rằng chỉ có một loài Allosaurus ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, phát hiện mới này đã cho thấy thực tế có đến 2 loài. Trong đó, Allosaurus jimmadseni tồn tại sớm hơn ít nhất 5 triệu năm so với người anh em họ của nó là Allosaurus fragilis”, Mark Loewen, đồng nghiên cứu dự án trên cho biết. Loewen hiện là cộng tác viên của viện nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Utah và là phó giáo sư khoa Địa chất tại Đại học Utah.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loài khủng long 2 chân đáng sợ này có 80 chiếc răng sắc nhọn. Nó có hộp sọ hẹp cùng phần sừng kéo dài từ mí mắt dọc theo mũi. Mỗi cánh tay có 3 móng vuốt sắc nhọn.
“Hộp sọ của Allosaurus jimmadseni có trọng lượng nhẹ hơn so với loài Allosaurus fragilis. Điều này cho thấy hành vi kiếm ăn của chúng có thể sẽ khác nhau”, Loewen nhận định.
Hóa thạch của khủng long nằm trong khối đá khổng lồ trước khi được tách ra. Ảnh: Dan Chure. |
Công bố này tiếp tục mang đến cho các nhà nghiên cứu cái nhìn mới mẻ hơn về thời tiền sử. Năm 2019, các nhà khoa học từng tiết lộ về tác động của tiểu hành tinh đã rơi xuống Trái Đất và quét sạch loài khủng long. Vụ tấn công của tiểu hành tinh đó diễn ra khoảng 66 triệu năm trước và sức mạnh của nó được so sánh với 10 tỷ quả bom nguyên tử.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng tiểu hành tinh này đã gây ra các vụ cháy rừng, sóng thần và khiến cho khí lưu huỳnh tràn ngập khí quyển, che mất ánh sáng Mặt Trời. Chính điều này là nguyên nhân gây ra hiện tượng lạnh dần trên toàn cầu khiến loài khủng long tuyệt chủng.