Từ năm 1819, sau khi William Buckland phát hiện ra hóa thạch khủng long, con người đã có 200 năm săn tìm xương của loài vật này. Vào thời điểm đó, bằng cách ghép các mảnh hóa thạch nhỏ lẻ vào nhau, các nhà cổ sinh vật học tin rằng khủng long có phần đầu với hai bên mặt đối xứng, giống như nhiều động vật khác hiện nay.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng điều đó không chính xác. Năm 2015, Scott Persons đã tìm thấy hộp sọ của một con khủng long thuộc loài Styracosaurus tại Công viên khủng long ở Alberta, Canada.
Hóa thạch của con khủng long được phát hiện vào năm 2015. Ảnh: slashgear. |
Styracosaurus là một chi khủng long có sừng thuộc họ Ceratopsidae, sống vào khoảng 76,5-75 triệu năm trước. Con khủng long này được Person đặt tên là Hannah. Mẫu vật sau đó đã được đưa đến trường Đại học Alberta để nghiên cứu.
Theo các tài liệu nghiên cứu được công bố gần đây, hộp sọ của con Styracosaurus này có hai bên mặt không đối xứng, khác hoàn toàn so với những giả định trước đó về loài này.
Nghiên cứu cho thấy phần hộp sọ của Hannah được bảo quản nguyên vẹn, phần viền đầy đủ ở cả hai bên đầu. Tuy nhiên, hình dạng và kích thước của hai bên lại rất khác nhau, ngay cả ở số xương nhỏ.
"Giả thuyết trước đây của các nhà cổ sinh vật học cho rằng phần hộp sọ chưa được tìm thấy sẽ đối xứng với bên còn lại. Tuy nhiên, điều đó không chính xác. Ngày nay, phần sừng bên trái và phải của loài hươu có hình dạng và kiểu phân nhánh khác nhau. Điều này cũng có thể xuất hiện trên khủng long", Person nói.
Trang Phys.org cho biết hai bên của hộp sọ này có "hình dạng cực kỳ khác nhau". "Thậm chí, nếu các nhà cổ sinh vật học chỉ tìm được một nửa riêng biết, họ có thể kết luận rằng chúng thuộc về hai loài khác nhau", trang này nhận định.