Ngày 24/7, lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho biết người dân địa phương phát hiện châu chấu xâm nhập từ hướng biên giới Trung Quốc phá hoại hoa màu và rừng tre, nứa.
Đàn châu chấu này đã xuất hiện trong 1 tuần trở lại đây và phá hoại trên 3 ha hoa màu, một số diện tích rừng tre, nứa. Người dân đang lo ngại về sức tàn phá của loại châu chấu này.
Theo ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT), châu chấu từ các nước biên giới tràn sang Việt Nam không phải lần đầu tiên xảy ra. Một số tỉnh miền núi phía Bắc từng hứng chịu những đàn châu chấu xâm nhập từ biên giới Trung Quốc và biên giới Lào.
Đây là châu chấu tre lưng vàng, không phải châu chấu sa mạc như người dân lo ngại. Loài châu chấu này di chuyển theo đàn, sinh trưởng và phát triển từ khoảng tháng 3 và gây hại trong các tháng 7-8.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết khả năng châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp. Ảnh: Reuters. |
Ông Phong cũng cho biết nhiều năm trước, châu chấu tre lưng vàng có thể gây thiệt hại lên tới 4.000 ha tại các tỉnh giáp biên giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích thiệt hại giảm xuống còn khoảng 1.000-2.000 ha do địa phương triển khai sớm các biện pháp phòng trừ tổng hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của loài châu chấu này là năm 2016-2017. Giai đoạn này, Điện Biên thậm chí phải công bố dịch châu chấu tre lưng vàng.
Nửa đầu tháng 6/2020, Thanh Hóa cũng ghi nhận châu chấu tre lưng vàng xuất hiện phá hoại lúa, hoa màu, tre, nứa... với mật độ 400-500 con/bụi. Diện tích bị châu chấu xâm nhập lên tới 250 ha.
Tuy nhiên, trải qua nhiều đợt bị châu chấu tàn phá hoa màu, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chủ động ứng phó với loài côn trùng gây hại mùa màng này. Vì vậy, thiệt hại do loài châu chấu này gây ra giảm hẳn so với những năm trước.
Nói thêm về nguy cơ châu chấu sa mạc tràn vào Việt Nam, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết khả năng này khó có thể xảy ra. Bởi lẽ, để xâm nhập vào Việt Nam, loài châu chấu này sẽ phải đi theo hướng Tây Tạng và vượt qua dãy núi Hymalaya.
"Khả năng châu chấu sa mạc vượt qua dãy núi này rất thấp nên chúng khó có thể xâm nhập vào nước ta", ông Dương phân tích.
Dù vậy, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để lên kịch bản, xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam tàn phá hoa màu.
Theo lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), đến ngày 24/7, mật độ đàn châu chấu đã giảm. Đồng thời, chúng có xu hướng di chuyển về hướng biên giới Trung Quốc.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Điện Biên cũng ghi nhận đàn châu chấu tre lưng vàng di thực theo hướng từ biên giới khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang vào huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ với số lượng lớn, di chuyển nhanh.
Qua kiểm tra, đàn châu chấu này đang ở giai đoạn sinh trưởng bắt đầu mọc cánh, chưa gây hại đến cây trồng của người dân. Các cơ quan chuyên môn sau đó đã phun thuốc diệt trừ.