Chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Buổi thông tin báo chí được tổ chức sau phiên họp thường kỳ đầu tiên trong năm 2021 của Chính phủ.
-
4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ông giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội để xây dựng, sớm trình ban hành chương trình hành động của Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch Covid-19, không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
Thứ ba, tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.
Về nhiệm vụ thứ tư, Thủ tướng yêu cầu tập trung chuẩn bị phục vụ Tết, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, hạnh phúc.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
-
Kịch bản tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trường hợp dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP.
Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Đồ họa: Như Ý.
-
Sớm đưa vaccine ngừa Covid-19 trong quý I
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vaccine ngừa Covid-19 đến người dân trong quý I này.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiện nay Bộ Y tế đang đàm phán với 4 nước. Đó là từ Anh với vaccine của Công ty AstraZeneca, hai là Mỹ có vaccine của Công ty Pfizer, thứ ba là Nga có vaccine Sputnik 5 và thứ tư là Trung Quốc.
Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với Công ty AstraZeneca của Anh, đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều.
-
Không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan, lơ là
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh đang được Chính phủ chỉ đạo sát sao trong giai đoạn phức tạp hiện nay. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành, đơn vị khẩn trương có biện pháp khắc phục hậu quả của bão lũ, phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân đón Tết…
Nói về tình hình dịch bệnh, ông Mai Tiến Dũng cho rằng nếu không khắc phục, hạn chế được các tác động, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đang quyết tâm trong quý I, sẽ mua, nhập vaccine phục vụ người dân. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ gặp nhiều khó khăn do công tác nghiên cứu, thử nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian.
Ông cho biết trong thời gian Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong khu vực diễn ra đại hội để có kế sách, quyết định cấp bách phòng chống dịch. Vì vậy, ông đề nghị các đơn vị tiếp tục quyết liệt trong phòng chống dịch, truy vết, xét nghiệm kịp thời, kích hoạt ngay các hệ thống, cơ chế phòng chống dịch.
Cho rằng không được hoang mang, lo lắng, song, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng nếu chỉ cần lơ là, chủ quan có thể để lại hậu quả nghiêm trọng do diễn biến dịch rất nhanh, khó lường, chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Nói về việc cách ly, ông Dũng cho rằng các địa phương cần khoanh vùng nhanh, song cần cân nhắc kỹ, không nên cách ly cả địa phương mà nên cách ly theo từng vùng nhằm đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng.
-
Bộ Y tế đã ký quy tắc để mua vaccine AstraZeneca (Anh)
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ đã ký quy tắc để mua vaccine AstraZeneca (Anh). Theo đó, trong năm 2021, 30 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp cho Việt Nam, sớm nhất là quý I. Vaccine mới sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên gồm: Cán bộ y tế liên quan trực tiếp chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao tử vong nếu mắc Covid-19, có thể tính đến cả cán bộ ngoại giao. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là EU đang khống chế xuất khẩu. Bộ Y tế đang đàm phán để nhanh nhất có vaccine.
Ngoài ra, Bộ Y cũng đang đàm phán để có các loại vaccine của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Thứ trưởng Thuấn cũng cho biết cho biết trong số các ca, có bệnh nhân số 1660 nhiễm chủng mới xuất hiện ở Anh, gây ra quan ngại dịch lần này sẽ nhanh, dễ lây lan hơn trước. Virus có thể lây lan qua không khí, không chỉ người tiếp xúc gần.
Ảnh: VOV.
-
Hà Nội cần thay đổi chiến lược chống dịch
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng Hà Nội cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp chống dịch cao hơn một mức, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15, phù hợp cho từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Có thể xác định các trường bệnh F1 và coi F2 gần như F1. Truy vết, khoanh vùng nhanh, khoanh vùng rộng, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân. Nếu tất cả người dân âm tính sẽ nới lỏng dần. Tạm dừng vui chơi giải trí, tạm dừng hoạt động không thiết yếu, bắt buộc đeo khẩu trang.
-
Đưa hàng sang địa phương khác phải tuân thủ quy định y tế
Trả lời câu hỏi về giải pháp tiêu thụ hàng hóa nông sản của người dân ở các vùng dịch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ cung cấp đủ mặt hàng thiết yếu cho người dân, kể cả vùng dịch, vùng lân cận.
Về tiêu thụ hàng hóa nông sản của người dân, ông Hải nhấn mạnh phải tập trung quan tâm chống dịch trước tiên, đảm bảo dịch không lây lan. Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ ngành để không xảy ra tình trạng ngăn sông, cấm chợ việc đưa hàng sang các địa phương khác tiêu thụ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc đưa hàng sang phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế.
-
Phản ứng nhanh với dịch
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết ngay sau ca bệnh được phát hiện từ thông tin của phía Nhật Bản, Chính phủ đã phản ứng rất nhanh. Ông diễn tả việc này thông qua hành động triệu tập ngay 2 cuộc họp của Thủ tướng ngay trong lúc diễn ra Đại hội XIII để quán triệt công tác chống dịch. Ngay trưa 28/1, Chính phủ đã ra công điện phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh.
-
“Không có rã đám, chợ chiều trong Chính phủ”
Trả lời câu hỏi về việc kiện toàn nhân sự Chính phủ sau Đại hội Đảng XIII, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết kiện toàn các cơ quan Quốc hội, Chính phủ là công việc tiếp theo sau Đại hội. Tuy nhiên, thời điểm nào thực hiện thì thì lãnh đạo, Đảng Nhà nước sẽ bàn theo quy trình nhân sự.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần là không có “rã đám, chợ chiều”. “Chúng tôi làm ngày nào thì làm đến nơi, nghỉ ngày nào thì nghỉ rõ ràng. Chúng tôi không phải là Ủy viên Trung ương nhưng vẫn là thành viên Chính phủ, thì sẽ làm hết trách nhiệm của mình”, ông chia sẻ.
-
Vì sao đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa vận hành?
Thứ trưởng Bộ GVTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết từ ngày 12/12/2020, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được chạy liên động, đánh giá an toàn. Bộ GTVT đã nhận được dự thảo báo cáo của tư vấn đánh giá, trong đó khuyến cáo về an toàn hệ thống thiết bị nhà thầu cung cấp, làm rõ thêm giải pháp để đảm bảo tuân thủ thực hiện.
Ông Đông cũng cho biết vẫn cần tiếp tục đào tạo thêm cho nhân viên vận hành của Hà Nội vềdiễn tập cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố . Tuy nhiên, Bộ GTVT tiếp tục song song nghiệm thu các hợp phần.
Ngoài ra, Bộ GTVT vẫn đang phối hợp với MetroHanoi để kiểm đếm tài sản, để bàn giao thuận lợi và rút ngắn thời gian. “Cần huấn luyện thêm cán bộ khai thác hoạt động. Bộ GTVT cũng làm tiếp các thủ tục về giấy tờ để nghiệm thu cuối cùng, đảm bảo thời gian. Không thể bàn giao dự án trong một ngày, một tuần. Chúng tôi dự kiến bàn giao vào cuối tháng 3/2021”, ông Đông nói.
-
Hoạt động bay không ảnh hưởng khi 3.200 nhân viên ở Nội Bài xét nghiệm
Trả lời câu hỏi của Zing về việc xét nghiệm 3.200 trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 tại sân bay Nội Bài có ảnh hưởng đến hoạt động bay không, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho hay an toàn và hoạt động các cảng hàng không cả nước vẫn đang được đảm bảo.
Các cảng hàng không là cửa ngõ của địa phương, của vùng, thậm chí của cả nước, nên việc kiểm soát, kiểm tra phòng, chống dịch được đảm bảo thường xuyên. Không chỉ các cảng hàng không, Thứ trưởng Đông cho rằng việc quản lý, giám sát công tác phòng chống dịch ở các sân bay còn được kiểm soát bởi các đơn vị, địa phương, ngành liên quan và cả Chính phủ.
“Đối với Nội Bài, việc thực hiện phòng chống dịch, các phương tiện và quy định đều được tuân thủ. Dấu hiệu lây lan khi xuất hiện đều được khoanh vùng truy vết F1, F2; cách ly đảm bảo đúng quy định. Hoạt động sân bay không ảnh hưởng”, ông Đông nói.
Ông Đông thông tin ACV đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước và việc duy trì hoạt động ở các sân bay đều đảm bảo bình thường. Nhân viên sân bay đều được kiểm tra y tế, khám sức khỏe định kỳ. Sân bay sẽ có biện pháp xét nghiệm, cách ly ngay nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc nguy cơ cao.