Theo CNBC, nhà sáng lập và CEO của công ty SoftBank - tỷ phú Masayoshi Son đã mạnh tay bán các loại tài sản nắm giữ để tích trữ nguồn cung tiền mặt dồi dào. Vị tỷ phú cho biết ông muốn trữ thêm tiền để phòng ngừa “tình huống xấu nhất” có thể xảy ra nếu thế giới tiếp tục ngưng trệ trong đợt bùng phát virus Covid-19 thứ hai.
Tại hội nghị hôm 17/11 của tờ New York Times, ông Son cho biết ban đầu dự tính mục tiêu bán tài sản để thu về 40 tỷ USD trong năm nay, nhưng cuối cùng số tài sản bán ra đã lên tới xấp xỉ 80 tỷ USD để cung cấp thanh khoản cho công ty trong trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
“Trong 2 hoặc 3 tháng tới, bất kỳ thảm họa nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", vị tỷ phú nói.
Trong số các thương vụ lớn nhất, SoftBank đã bán công ty bán dẫn ARM cho Nvidia với giá 40 tỷ USD và khoảng 20 tỷ USD cổ phần trong T-Mobile, công ty đã hợp nhất với Sprint vào đầu năm nay.
Ông Son cho biết nếu thị trường đi xuống, SoftBank có thể dùng nguồn tiền này mua lại các tài sản bị định giá thấp, bổ sung danh mục đầu tư của Quỹ Tầm nhìn SoftBank hoặc mua lại nhiều cổ phiếu hơn.
Tỷ phú Masayoshi Son đã bán cổ phiếu và sang nhượng công ty con để tích trữ khoảng 80 tỷ USD tiền mặt dự phòng. Ảnh: Kyodo News. |
Mặc dù ông Son không đề cập chi tiết cụ thể về "thảm họa" có thể xảy ra trong những tháng tới, vị tỷ phú đã ám chỉ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008 để miêu tả hiệu ứng cánh bướm khi một sự kiện có thể là chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn.
“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong tình huống này. Vắc-xin Covid-19 sắp hoàn thành, tuy nhiên, ai biết được trong 2-3 tháng tới sẽ lại xảy ra sự cố gì?”, ông Son khuyến cáo.
SoftBank đã mạnh tay mua lại cổ phiếu để tận dụng chiết khấu thị trường so với giá trị nhiều loại tài sản cơ bản của công ty. Quỹ Tầm nhìn của SoftBank sở hữu cổ phần tại hơn 80 công ty công nghệ khác nhau.
Điều này có nghĩa nếu ông Son mạnh tay thu mua nhiều cổ phiếu hơn nữa, ông có thể dễ dàng thực hiện việc mua đứt SoftBank thành công ty tư nhân dễ dàng khi tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu lưu hành. Tuy nhiên, ông Son liên tục từ chối bình luận về triển vọng này khi được hỏi.
Vị tỷ phú Nhật Bản cũng cho biết khá thất vọng khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa cấm TikTok ở Mỹ bởi các mối đe dọa an ninh quốc gia. Ông cho biết bởi định giá thị trường của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ quá lớn, mối quan hệ giữa những công ty này không nên đỗ vỡ.
SoftBank cũng có đầu tư vào một số công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ trong những tháng gần đây. "(Công ty) lớn mạnh và quyền lực không nhất định là một điều xấu", ông Son nhận định.