Theo CNBC, phiên giao dịch ngày 8/2 kết thúc với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.032 điểm. Đây là mức giảm lớn thứ 2 trong lịch sử, chỉ thua phiên giao dịch đổ máu cách đó vài ngày, hôm 5/2, khi chỉ số Dow Jones mất tới 1.175 điểm, tương đương 4,6%.
Tuần biến động của chỉ số Dow Jones. Nguồn: CNBC. |
Đây là lần thứ 3 chỉ số này mất điểm trong 5 ngày qua. Các cổ phiếu mất giá nhiều nhất là American Express và Intel với mức giảm 5,4% trong khi đó J.P. Morgan Chase cũng giảm hơn 4 phần trăm.
Mấy phiên giao dịch đẫm máu liên tiếp khiến cho tuần này có nguy cơ trở thành tuần khó khăn nhất của chứng khoán New York. Dow Jones có khả năng chứng kiến mức sụt giảm cao nhất trong một tuần kể từ thời điểm tháng 10 năm 2008.
Trong khi đó, S&P 500 mất 100 điểm, giảm 3,75% xuống còn 2.581, đạt mức thấp mới trong tuần. Chỉ số này cũng phá vỡ ngưỡng trung bình 100 ngày và đóng cửa dưới 2.600. Đây cũng là lần thứ 3 trong tuần chỉ số này giảm hơn 2%.
Trong khi đó, sàn chứng khoán Nasdaq đóng cửa với kết quả giảm 3.9%, về mức ở mức 6.777 khi cổ phiếu của các ông lớn Facebook, Amazon và Microsoft đều giảm ít nhất 4,5%.
Tình hình bán tháo khiến cả Dow Jones và S&P 500 mất tới 10% so với mức cao nhất thị trường.
Lợi suất trái phiếu cùng lo ngại lạm phát tăng vẫn được cho là nguyên nhân chính của đợt bán tháo khi những chỉ số tích cực của nền kinh tế bao gồm tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng lương không giúp vượt qua được nỗi sợ hãi.
"Đợt điều chỉnh giá này hoàn toàn là do lãi suất, lạm phát leo thang và do cách các nhà đầu tư cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ nên đi trước xu hướng hoặc có những động thái quyết liệt hơn", bà Stephanie Link, chuyên gia tới từ TIAA cho hay.
"Tại thời điểm này, thị trường đang tập trung vào mức lãi suất cho vay cao hơn", theo bà Kate Warne, chuyên gia từ Edward Jones. "Những nền tảng căn bản sẽ vẫn đưa thị trường chứng khoán đi lên, nhưng con đường sẽ kho khăn hơn so với những năm trước", chuyên gia này nói thêm.