CNN cho biết chỉ số Dow Jones đã tăng 567 điểm trong phiên giao dịch thứ ba. Đây là số điểm tăng cao nhất từ tháng 8/2015 và là mức tăng cao thứ 4 trong lịch sử giao dịch của sàn này. Mức tăng phần trăm 2,3% được xem là cao nhất tháng 1/2016.
Tuy nhiên, theo Reuters, cú đảo chiều này của chứng khoán Mỹ không hề diễn ra suôn sẻ. Lúc mở cửa, thị trường sụt 2%, khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng có thêm một phiên "đỏ lửa" nữa.
Mức độ biến động bị đẩy lên rất cao, khi khoảng cách giữa đỉnh và đáy của chỉ số công nghiệp Dow Jones trong phiên này là hơn 1.100 điểm. Tuy nhiên, kết thúc phiên chỉ số chính đã có phiên tăng mạnh nhất trong 15 tháng qua.
Trước phiên phục hồi vào ngày thứ ba, Phố Wall đã trải qua hai phiên sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lo ngại rằng sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ, trong đó có thị trường việc làm, sẽ dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Ngoài ra, sự giảm điểm nói trên cũng không nằm ngoài dự liệu của một số nhà đầu tư, bởi thị trường đã liên tục lập những mức kỷ lục mới trong thời gian qua, trong một sự đi lên đều đặt và tương đối bình tĩnh.
Những pha giảm sâu rồi tăng cao mấy ngày vừa rồi của thị trường cũng cho thấy sự biến động đã trở lại với chứng khoán Mỹ, một thị trường mà một thời gian khá dài vừa qua thiếu vắng những sự dịch chuyển lớn.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall thể hiện tâm trạng vui mừng khi kết thúc phiên giao dịch tăng điểm ngày 6/2 - Ảnh: Reuters.
|
Trong bối cảnh các bảng giá chứng khoán toàn cầu "đỏ rực" trong phiên đầu tuần, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế thế giới vẫn đang rất vững vàng.
"Cho dù thị trường biến động mạnh mấy ngày qua, nền tảng của nền kinh tế đang rất mạnh, không chỉ ở Mỹ mà trong toàn bộ nền kinh tế toàn cầu", bà Alicia Levine, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư toàn cầu thuộc BNY Mellon Investment Management ở New York, phát biểu với Reuters.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 567,02 điểm, tương đương tăng 2,33%, chốt ở 24.912,777 điểm. S&P 500 tăng 46,2 điểm, tương đương tăng 1,74%, đạt 2.659,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 148,36 điểm, tương đương tăng 2,13%, đạt 7.115,88 điểm.
Cổ phiếu công nghệ, vật liệu đầu vào, và hàng tiêu dùng là những nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ phiên này.
Cổ phiếu quốc phòng, điện nước, và bất động sản là những nhóm cổ phiếu hiếm hoi trong S&P 500 chứng kiến sự giảm giá.
Trái với sự hồi phục của chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu vẫn giảm điểm trong phiên ngày thứ ba. Chỉ số Stoxx Europe 600 mất 2,4% điểm số, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2016. Tuy nhiên, phiên giao dịch của thị trường châu Âu kết thúc sớm hơn thị trường Mỹ và còn chịu ảnh hưởng của phiên 5/2 của Phố Wall.
Trước đó, trong phiên giao dịch tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật đã rơi vào trạng thị trường điều chỉnh (correction). Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản mất 2,5% trong ngày thứ ba, chạm mức thấp nhất 5 tuần.
"Thị trường đang ở mức điểm khá cao so với trung bình của lịch sử, nên có thể sẽ có thêm những phiên giảm nữa", ông David Lebovitz, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPM Asset Management, nhận định với hãng tin Bloomberg. "Tuy nhiên, với tăng trưởng kinh tế vững vàng, lợi nhuận các doanh nghiệp tăng lên, và các ngân hàng trung ương chỉ bình thường hóa chính sách với tốc độ từ tốn, thì chỉ vài tháng nữa, chúng ta thậm chí sẽ chẳng còn nhớ cảm giác về những phiên giảm mạnh vừa rồi".