Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lò sản sinh tỷ phú Trung Quốc

Chiết Giang đã sản sinh 72 tỷ phú, chỉ thua bang California của Mỹ với 92 tỷ phú.

Số lượng người siêu giàu đang tăng với tốc độ nhanh chóng ở Trung Quốc, và nhanh hơn cả tại tỉnh Chiết Giang của nước này.

Trang CNN Money dẫn số liệu từ Hồ Nhuận, tạp chí chuyên xếp hạng tỷ phú của Trung Quốc, cho biết Chiết Giang đã sản sinh 72 tỷ phú, chỉ thua bang California của Mỹ với 92 tỷ phú.

Thành phố Hàng Châu, thủ phủ của Chiết Giang, hiện là nơi sinh sống của 32 tỷ phú. Con số này nhiều hơn số tỷ phú ở Paris và thành phố San Francisco. Thủ đô của nước Pháp hiện có 30 tỷ phú sinh sống, còn San Francisco có 28.

Vậy đâu là lý do khiến Chiết Giang nói chung và Hàng Châu nói riêng lại trở thành một “lò” sản sinh tỷ phú, một “thỏi nam châm” thu hút tỷ phú như vậy?

lo san sinh ty phu Trung Quoc anh 1
Tỷ phú Jack Ma.

 

Nhận được câu hỏi này, tỷ phú Jack Ma, doanh nhân giàu nhất và nổi tiếng nhất Hàng Châu, nhà sáng lập “đế chế” thương mại điện tử Alibaba, trả lời: “Đó là nhờ môi trường ở Hàng Châu, văn hóa Hàng Châu, lịch sử Hàng Châu”.

Jack Ma đã sáng lập Alibaba tại Hàng Châu vào năm 1999 và duy trì trụ sở công ty tại thành phố này kể từ đó.

Nằm cách Thượng Hải khoảng 160 km về phía Tây Nam, Hàng Châu từng là một trung tâm thương mại của khu vực. Thành phố này vốn là thủ đô của Trung Quốc thời Nam Tống (1127-1276).

Thời hiện đại, Hàng Châu cũng có một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của Trung Quốc. Vào năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã trở thành vị chủ nhân Nhà Trắng đầu tiên thăm Trung Quốc, và Hàng Châu là một trong số ít nơi ông ghé thăm.

“Hàng Châu là một trong những địa phương đầu tiên tham gia vào tiến trình mở cửa của Trung Quốc… Tôi đã hưởng lợi nhiều từ sự mở cửa của Hàng Châu đối với du khách nước ngoài”, Jack Ma, người sinh ra ở Hàng Châu vào năm 1964 phát biểu.

Khi còn là một cậu bé, Jack Ma thường đạp xe ra bờ hồ ở Hàng Châu để luyện tiếng Anh bằng cách trò chuyện với du khách nước ngoài. Điều này giúp Jack Ma có nhiều người bạn quốc tế và sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây.

Khi Trung Quốc bắt đầu làn sóng cải cách kinh tế đầu tiên vào thập niên 1980, Hàng Châu và các thành phố khác ở Chiết Giang như Ninh Ba và Ôn Châu nhanh chóng bắt kịp xu hướng và hàng loạt công ty tư nhân được mở ra. Thế hệ doanh nhân đầu tiên này đã phát triển, nhưng công ty dựa trên lực lượng lao động giá rẻ, sản xuất mọi mặt hàng từ giày dép tới quần áo. Tinh thần dám nghĩ dám làm của họ đã có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau.

Thế hệ doanh nhân thứ hai ở Chiết Giang xuất hiện vào cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 có nhiều kỹ năng công nghệ cao hơn.

Giờ đây, một thế hệ doanh nhân thứ ba bắt đầu xuất hiện ở tỉnh này, với những doanh nghiệp chuyên về các dịch vụ dựa trên Internet như nhà thông minh và trí tuệ nhân tạo.

Trong số 72 tỷ phú quê ở Chiết Giang có Neil Shen, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm của Sequoia Capital China; Ding Lei, nhà sáng lập công ty công nghệ NetEase; Frank Wang, nhà sáng lập công ty sản xuất máy bay không người lái DJI; Li Khufu, nhà sáng lập Geely Auto Group, tập đoàn nắm cổ phần hãng ô tô Volvo…

Theo ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch tạp chí Hồ Nhuận, Chiết Giang chiếm khoảng 5% dân số Trung Quốc, nhưng chiếm tới 15% số tỷ phú của nước này.

Ông Hoogewerf tin rằng Chiết Giang sẽ tiếp tục sản sinh thêm nhiều triệu phú và tỷ phú trong tương lai, và điều này có được chủ yếu nhờ Jack Ma.

“Jack Ma có rất nhiều đối tác ở Trung Quốc”, ông Hoogewerf nói, nhấn mạnh các khoản đầu tư ở nhiều lĩnh vực của vị tỷ phú. Trong vòng 6 năm qua, Alibaba đã chi 30-40 tỷ USD cho hơn 100 vụ đầu tư và mua lại.

Khi Ant Financial, một công ty con tách ra khỏi Alibaba, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thì Chiết Giang có thể có thêm một tỷ phú nữa. Giám đốc điều hành (CEO) của Ant Financial là Lucy Lei Peng hiện có khối tài sản ròng được Hồ Nhuận ước tính ở mức khoảng 940 triệu USD.

Tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan chờ cơ hội thâu tóm Vinamilk

Ít ai biết được hai công ty đang sẵn sàng thâu tóm số cổ phần Nhà nước tại Vinamilk trị giá 900 triệu USD, tới từ Thái Lan và Singapore, đều có chung một ông chủ hùng mạnh.

http://vneconomy.vn/the-gioi/triet-giang-lo-san-sinh-ty-phu-trung-quoc-2016092803191679.htm

Theo Diệp Vũ/VnEconomy

Bạn có thể quan tâm