Nhờ Nghị định 116, thời gian qua, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi đáng kể theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành để tăng tính cạnh tranh.
Xe sản xuất, lắp ráp tăng đáng kể
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về thị trường ôtô Việt Nam sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực.
Đối với mặt hàng ôtô, Việt Nam cam kết thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0% trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA kể từ ngày 1/1/2018.
Dù sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang tăng nhờ ưu đãi từ Nghị định 116, Bộ Công Thương cho rằng ưu thế này sẽ không giữ được lâu. Ảnh: Hùng Sơn. |
Đây cũng chính là thời điểm Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô (Nghị định 116) chính thức có hiệu lực.
Bộ Công Thương cho hay sau khi Nghị định 116 được ban hành, một số nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và các thành viên WTO khác như Mỹ, Nhật Bản, EU đã nêu quan ngại về việc Nghị định 116 có thể tạo ra thêm thủ tục và gây cản trở cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu mặt hàng ôtô vào thị trường Việt Nam cũng như vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia. Cụ thể là vấn đề kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận kiểu loại trong khi ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước không bị yêu cầu như vậy.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương giải thích rằng, nghị định 116 không tạo ra phân biệt đối xử giữa ôtô nhập khẩu và ôtô sản xuất trong nước.
Ở góc độ phát triển của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, Bộ Công Thương đánh giá các doanh nghiệp đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ôtô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Minh chứng cho nhận định trên, Bộ này dẫn chứng ra hàng loạt các con số. Cụ thể như, năm 2018, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp của Hyundai Thành Công và Thaco Trường Hải là gần 145.000 xe, chiếm 45,7% tổng lượng xe lắp ráp và nhập khẩu.
Cập nhật 6 tháng năm 2019, hai doanh nghiệp trên đã sản xuất lắp ráp hơn 81,5 nghìn xe, tăng 10,8% về lượng và chiếm 40% tổng lượng xe lắp ráp và nhập khẩu.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương nêu rõ tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi đáng kể theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp. Năm 2017, tỷ lệ này là 2,5 lần. Năm 2018, con số tăng lên thành 3,72 lần và 6 tháng năm 2019 giảm xuống còn 1,74 lần.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.
Hàng loạt đề nghị "tiếp sức" ôtô nội
Bộ Công Thương đánh giá tỷ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển để cạnh tranh với xe nhập khẩu. Tỷ lệ xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn chiếm tỷ trọng lớn do có lợi thế về ưu đãi thuế quan nhập khẩu 0%.
Với lý do “để quản lý nhập khẩu ôtô hợp lý trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và phát triển ngành ôtô trong nước, Bộ Công Thương cho rằng “cần duy trì thực hiện Nghị định 116”.
Bộ Công Thương đã gửi đến Thủ tướng một loạt đề nghị như giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế.
Cụ thể, với thuế giá trị gia tăng, Bộ Công Thương đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương thức khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định…
Với thuế tiêu thụ đặc biệt, không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ôtô (để giảm giá thành xe).
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý.
Với thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương muốn được điều chỉnh theo nguyên tắc thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế ở từng hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số chi tiết quan trọng xe ôtô dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến 2025; áp dụng thuế 0% với máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá… nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ôtô...
Không dừng lại ở đó, Bộ Công Thương còn đề nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô.
Đối với dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô 50 nghìn xe/năm, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, kèm theo dự án nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ, hộp số…, Bộ Công Thương muốn được hưởng một loại chính sách ưu đãi và hỗ trợ.
Đó là được hưởng chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp; hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực thiết kế chế tạo...
Ngoài các nội dung nêu trên, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ trở thành các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Tính đến ngày 30/6/2019, Bộ Công Thương đã cấp 46 giấy phép nhập khẩu ôtô cho doanh nghiệp, trong đó có 30 doanh nghiệp Việt Nam và 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã cấp 36 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô cho 29 doanh nghiệp.