“Khi tìm việc, do quá đặt nặng vấn đề lương, thưởng nên người lao động quên tìm hiểu thông tin về tình trạng doanh nghiệp (DN), sự tuân thủ phát luật lao động của DN… khiến không ít người chuốc lấy thiệt hại về sau”. Đây là đúc kết được ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, rút ra trong quá trình tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động.
Không biết đi đâu đòi lương!
Đó là trường hợp xảy ra với một số nhân viên Công ty Bảo vệ N.T.T (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Anh Nguyễn Mạnh Hùng kể thông qua người quen, đầu năm 2013, anh xin vào làm bảo vệ tại Công ty N.T.T. Tuy làm bảo vệ nhưng anh không hề biết địa chỉ công ty ở đâu, giám đốc là ai. Từ việc ký hợp đồng lao động đến nhận lương hằng tháng đều được thực hiện tại mục tiêu anh làm việc ở quận 9, TP HCM và thông qua ông Nguyễn Duy Bình, phó giám đốc công ty.
Người lao động đến nhờ Báo Người Lao Động can thiệp bảo vệ quyền lợi
|
Đầu tháng 12/2014, anh Hùng cùng một số nhân viên xin nghỉ việc nhưng không được công ty trả lương tháng 11. Anh Hùng cùng các đồng nghiệp nhiều lần liên hệ với ông Bình để đòi lương nhưng ông Bình khất lần với lý do mình cũng chỉ là người làm công ăn lương, việc thanh toán tiền lương cho nhân viên thuộc trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Lợi, giám đốc công ty. Ít lâu sau, ông Bình cũng nghỉ việc khiến việc đòi lương của các nhân viên lâm vào bế tắc.
“Trong HĐLĐ của chúng tôi có ghi địa chỉ văn phòng công ty ở quận Thủ Đức nhưng khi đến đó thì không hề có văn phòng. Mãi sau này, nghỉ việc rồi, ông Bình mới cho chúng tôi biết địa chỉ công ty ở tận Lâm Đồng, đồng thời cho số điện thoại cá nhân của ông Lợi để liên hệ. Song, số điện thoại ấy không liên lạc được, chúng tôi cũng không có điều kiện để lên Lâm Đồng đòi lương” - anh Hùng bức xúc.
Giám đốc “vô hình”
Cũng do không tìm hiểu kỹ thông tin DN nên các nhân viên Công ty bảo vệ A.P (quận 3, TP HCM) đang đứng trước nguy cơ mất trắng tiền lương tháng 8/2015. Anh Trần Văn Lắm cho biết tháng 2/2015, anh đến xin việc tại văn phòng công ty (quận 10, TP HCM), sau đó được bố trí làm bảo vệ tại một mục tiêu ở
TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai. Chiều 31/8/2015, khi đến mục tiêu làm việc như thường lệ, anh bị một số nhân viên bảo vệ lạ đuổi ra ngoài.
Qua tìm hiểu, anh Lắm biết công ty đã bị cắt hợp đồng nhưng không thông báo cho nhân viên. Bức xúc, anh cùng một số người khác kéo về văn phòng công ty vừa để đòi lương vừa hỏi cho ra lẽ. Sự việc được ông Lưu Phước Thiệu, trưởng phòng nhân sự, xác nhận đồng thời hứa sau 45 ngày công ty sẽ trả lương đầy đủ. Thế nhưng sau 45 ngày, khi họ đến nhận lương thì văn phòng công ty đã “biến mất”, họ cũng không liên lạc được với ông Thiệu. Khi hỏi thăm người cho thuê văn phòng thì các nhân viên được biết công ty chuyển về quận 3.
“Chúng tôi lên mạng tìm thì thấy ở quận 3 có Công ty Bảo vệ A.P. Nhưng thú thật, chúng tôi làm việc tại công ty nhưng không được ký hợp đồng nên không biết giám đốc công ty là ai, mọi việc đều thông qua một mình ông Thiệu. Giờ nếu đến Công ty A.P đòi lương không dám chắc đó có phải là công ty chúng tôi từng làm việc hay không và nếu đúng thì liệu họ có đồng ý trả lương bởi chúng tôi không hề có bằng chứng gì để chứng minh?” - anh Lắm lo lắng.
Anh Lê Quốc Quyền (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng không biết phải làm sao để đòi 3 tháng tiền lương. Anh Quyền vốn là nhân viên quán Bar Louis Lounge (quận 1, TP HCM) từ tháng 11/2013. Quán bar do một người tên Nhung làm chủ, anh được ký hợp đồng từng năm một nhưng không được giữ bản nào.
Tháng 1/2015, anh ký tiếp hợp đồng 1 năm, sau đó chủ quán nói hợp đồng sai, sẽ ký lại vào ngày khác nhưng sau đó không thực hiện. Từ tháng 4 đến 6/2015, anh bị nợ lương. Đến tháng 7/2015, bà Nhung thông báo quán nghỉ để sửa chữa và yêu cầu anh chỉ đến làm việc vào thứ bảy hằng tuần.
Khi anh đến làm thì quán không mở cửa. Đến ngày 22/7, bà Nhung nhắn tin cho biết quán sẽ đóng cửa và hứa thanh toán 3 tháng tiền lương còn nợ cho anh. Đầu tháng 8, quán mở cửa hoạt động trở lại với tên mới nhưng lương của anh Quyền thì không thấy đâu, bà Nhung cũng bặt vô âm tính Anh Quyền than: “Giờ tôi muốn đi kiện để đòi lương nhưng gặp không ít khó khăn bởi đến họ tên đầy đủ của bà Nhung tôi cũng không biết. Tôi cũng không rõ địa chỉ của bà để cung cấp cho cơ quan chức năng”.