Một tháng sau khi đắc cử, ông Modi sẽ thực hiện chuyến thăm Bhutan, vương quốc nhỏ ngay cạnh Ấn Độ, trong hai ngày 15 và 16/6. Ông sẽ gặp Thủ tướng Tshering Tobgay và vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của Bhutan, AFP đưa tin.
"Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi Modi chọn Bhutan là nước đầu tiên mà ông ấy thăm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Bhutan đối với Ấn Độ", Thủ tướng Tobgay phát biểu trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Kuensel.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tại thành phố New Delhi. Ảnh: AFP |
Tobgay là một trong 7 nhà lãnh đạo khu vực tham dự lễ nhậm chức của Modi. Giới phân tích nhận định Modi sẽ coi trọng Bhutan hơn so với người tiền nhiệm.
"Bhutan là một quốc gia nhỏ, song nó rất quan trọng về mặt chiến lược, bởi Trung Quốc nằm ở phía bên kia của Bhutan. Nếu bạn không quan tâm tới các nước lân cận, họ cũng sẽ không quan tâm tới bạn", Ranjit Gupta, người từng đảm nhiệm chức vụ đại sứ Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc và Nepal, bình luận.
Ngoại trừ Pakistan, Ấn Độ thiết lập mối quan hệ khá thân thiết với các nước láng giềng ở Nam Á trong 6 thập niên qua. Nhưng theo giới quan sát, chính phủ tiền nhiệm của đảng Quốc đại coi đó là điều đương nhiên và không chăm chút mối quan hệ với các nước lân cận. Tình trạng đó tạo điều kiện cho Trung Quốc - nước có đường biên giới chung với 4 quốc gia láng giềng của Ấn Độ - lôi kéo họ về phía Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các nước xung quanh, Sri Lanka và Maldives đã dịch chuyển xa hơn khỏi phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Ngay cả Bangladesh, nước từng giữ được nền độc lập nhờ sự can thiệp của Ấn Độ, cũng muốn Trung Quốc giúp họ xây một cảng mới.
G. Parthasarathy, một cựu quan chức ngoại giao của Ấn Độ, thừa nhận rằng Trung Quốc đang tăng ảnh hưởng trong khu vực nhờ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
"Sức mạnh của Trung Quốc đang tăng đáng kể và nền kinh tế của họ cũng trở nên lớn hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang trì trệ, khả năng gây ảnh hưởng đối với các nước lân cận của chúng tôi cũng giảm", ông bình luận.