Một tàu ngầm Ấn Độ tại thành phố miền nam Visakhapatnam. Ảnh: Reuters |
Sau những tháng đối đầu dọc biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Himalaya, tàu ngầm Trung Quốc đã lộ diện ở Sri Lanka, quốc đảo ở phía đông nam Ấn Độ.
Theo Reuters, Bắc Kinh cũng đang tăng cường quan hệ với quốc đảo Maldives ở Ấn Độ Dương.
Giới quan sát nhận định các động thái của Trung Quốc phản ánh quyết tâm của nước này trong việc tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, cửa ngõ chiếm đến 4/5 lượng lưu thông nhập khẩu dầu của Bắc Kinh.
Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng vẫn chưa chấm dứt.
Reuters dẫn lời cựu tổng tư lệnh hải quân Ấn Độ Arun Prakash nói: “Cách hành xử của Trung Quốc ở Himalaya, biển Đông và giờ là Ấn Độ Dương khiến chúng ta phải lo lắng nhiều hơn. Thật may, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ đã thức tỉnh về vấn đề này”.
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh đẩy mạnh quá trình chế tạo 6 tàu ngầm diesel-điện thông thường với mức chi phí ước tính khoảng 8,1 tỷ USD, thêm vào 6 tàu ngầm tương tự mà công ty Pháp DCNS đang lắp ráp lại cảng Mumbai để thay thế đội tàu ngầm 30 năm tuổi.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do trong nước sản xuất cũng sẽ gia nhập đội tàu ngầm của Ấn Độ vào cuối năm 2016. Tàu ngầm này được cho là có trang bị tên lửa hạt nhân và sẽ được đưa ra thử nghiệm trên biển trong tháng này.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang đàm phán với Nga để thuê tàu ngầm hạt nhân thứ 2.
New Delhi cũng đã liên hệ với tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro để chế tạo thêm 2 tàu ngầm hạt nhân nữa.
Hải quân Ấn Độ hiện chỉ có 13 tàu ngầm diesel-điện già cỗi. Chỉ một nửa trong số này đang hoạt động. Số còn lại đang được sửa chữa.
Năm ngoái, một tàu ngầm của Ấn Độ đã bị chìm sau vụ nổ và cháy ở Mumbai.
Trung Quốc ước tính có 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm hạt nhân, bao gồm cả 3 tàu được trang bị vũ khí hạt nhân.