Tên lửa Iskander có thể vươn tới gần như toàn bộ Tây Âu, và Đức không có lá chắn tên lửa nào để bảo vệ trước mối đe dọa này, tư lệnh quân đội Đức Eberhard Zorn nói với báo Welt am Sonntag ngày 2/4.
"Israel và Mỹ sở hữu những hệ thống như vậy. Bây giờ chúng tôi đang xem xét các vấn đề như cần hệ thống của nước nào hơn, có thể thiết lập hệ thống phòng thủ lên lửa cho toàn NATO không”, ông Zorn nói.
Ông không nói rõ tên của các hệ thống nhưng rất có thể ám chỉ Arrow 3 do Israel Aerospace Industries chế tạo, và hệ thống THAAD của Mỹ do Raytheon sản xuất.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Căn cứ Không quân Andersen, Guam. Ảnh: Quân đội Mỹ. |
Trong bài phát biểu vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% sản lượng kinh tế, bằng cách bơm 100 tỷ euro (110 tỷ USD) vào quân đội.
Ông Zorn thuộc nhóm các quan chức cấp cao tham vấn cho ông Scholz về cách phân bổ số tiền này.
Ông cho biết Đức đang thiếu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn, có thể được sử dụng để bảo vệ quân đội đang di chuyển hoặc bị đe dọa khi đang triển khai.
"Cho đến nay, chúng tôi không có thời gian và tiền bạc để tự phát triển các hệ thống (phòng thủ tên lửa) này", ông nói.
Ngoài ra, Lực lượng Vũ trang Đức sẽ phải đầu tư 20 tỷ euro vào năm 2032 để bổ sung kho đạn của mình, ông Zorn nói thêm.
Nga hồi năm 2018 cho biết đã triển khai tên lửa Iskander tới khu vực Kaliningrad, một phần của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Là một hệ thống tên lửa đạn đạo di động, Iskander có khả năng bắn cùng lúc 2 tên lửa dẫn đường có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.