Doanh nghiệp xăng dầu nói gì?
Theo Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Xăng dầu (Comeco) Phạm Văn Khoa, thực hiện lộ trình phân phối xăng E5 ra thị trường TP HCM từ ngày 1/12, đơn vị đã bố trí xong 19 cửa hàng có trụ bơm bán xăng E5 để phục vụ khách. Tuy nhiên, hiện lượng khách hàng sử dụng loại xăng này còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1/10 nhu cầu so với xăng truyền thống, nên đang gây khó khăn cho việc kinh doanh. Công tác tuyên truyền về công dụng của loại xăng này chưa tốt nên người tiêu dùng còn mơ hồ về chất lượng. Trong khi đó, để bố trí một trụ bơm xăng E5 phải tiêu tốn nhiều khoản phí, song lượng khách chỉ lác đác, dẫn đến nguy cơ sụt giảm doanh thu lẫn lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN).
Công ty Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cũng cho biết, cả 5 cây xăng của Saigon Petro trên địa bàn thành phố đều đã bố trí các trụ bơm bán xăng E5; công suất pha trộn ước khoảng 40.000 m3 mỗi tháng, tương đương khoảng 40 triệu lít, nhưng hiện mức tiêu thụ của khách hàng rất ít, dẫn đến khó khăn cho việc kinh doanh của các cửa hàng. Lãnh đạo Saigon Petro đề nghị: “Để thực hiện được chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường sử dụng xăng E5, TP HCM cần yêu cầu ngưng bán xăng Ron 92, chỉ bán xăng E5 và xăng Ron 95. Mức giá chênh lệch giữa hai loại xăng này phải giữ ở mức xăng Ron 95 cao giá hơn xăng sinh học trên 1.000 đồng/lít.
Giải pháp này phải được triển khai đồng bộ và nhất quán trong tất cả hệ thống đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Điều này giúp tránh tình trạng không công bằng trong kinh doanh, khi tồn tại thực tế là cửa hàng chấp hành chủ trương của nhà nước kinh doanh xăng sinh học nhưng cửa hàng khác lại không bán.
Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng xăng Ron 92. Kinh nghiệm thực tế triển khai tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, quy định chỉ bán xăng sinh học và xăng Ron 95 được triển khai đồng loạt và quyết liệt cho tất cả cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Nhờ vậy đến nay, bước đầu các địa phương này đã đạt những hiệu quả nhất định về mặt xã hội cũng như hiệu quả kinh tế”.
Đổ xăng E5 tại một cây xăng. |
Tương tự, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, sau hơn một năm triển khai bán xăng E5 ra thị trường, dù sản lượng có tăng nhưng do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại chuyển đổi sang nhiên liệu mới. Chưa kể, thị trường hiện vẫn lưu hành song song các loại xăng Ron 92, Ron 95 và E5, dẫn đến việc kinh doanh xăng E5 không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà phân phối so với xăng truyền thống.
Do đó, nếu TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước không có giải pháp tốt, nguy cơ phá sản chương trình đưa xăng E5 ra thị trường có thể xảy ra. Trên thực tế, hiện nay việc xây dựng trạm phối trộn, bồn chứa... chiếm vốn lớn cũng gây ra khó khăn đối với DN, do đó rất cần được Nhà nước hỗ trợ.
Cơ quan quản lý chuyển động chậm
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện TP HCM có khoảng 9 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu thông qua hệ thống phân phối, gồm 6 tổng đại lý và 518 cửa hàng bán lẻ.
Trong đó, 177 cửa hàng trực thuộc DN đầu mối và tổng đại lý, 266 đại lý và 75 cửa hàng của DN tư nhân. Tổng sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng hơn 130.000m³/tháng. Trong đó, có đến 95,8% trên tổng lượng cung ứng là xăng Ron 92 và Ron 95, số ít còn lại là xăng sinh học E5. Sở Công Thương cũng thừa nhận, do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại, dẫn đến kinh doanh xăng E5 có doanh số và chiết khấu thấp, nên chưa đủ hấp dẫn để các cửa hàng xăng dầu tự chuyển đổi, nhất là các cửa hàng tư nhân. Chênh lệch giá bán xăng E5 và xăng Ron 92 không đáng kể nên cũng chưa khuyến khích người mua và bán. Cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, phối trộn và cung ứng chưa kịp thời, dẫn đến việc DN đầu mối triển khai chưa tích cực.
Thực tế, trong giai đoạn triển khai thí điểm vừa qua, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị kinh doanh tư nhân không mặn mà với việc bán xăng E5.
Hiện tại, số lượng cửa hàng bán xăng E5 trên địa bàn TP HCM đã giảm từ 50% xuống còn 30%. Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối tháng 11/2015 phải có tối thiểu 50% cửa hàng phân phối xăng sinh học, TP HCM chủ trương kêu gọi, khuyến khích 100% cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP bán xăng sinh học. Tuy nhiên, theo các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nếu biện pháp thực hiện phân phối xăng sinh học chỉ dừng ở giải pháp “khuyến khích” thì… không thể triển khai được!
Phải nói rằng, các kiến nghị của DN xăng dầu đều đã lặp đi lặp lại nhiều lần, từ giai đoạn trước khi thí điểm, tức là cả năm trước! Nhưng chưa có kiến nghị nào được các bộ, ngành quan tâm giải quyết rốt ráo. Khi chỉ còn vài ngày nữa là TP HCM phải triển khai bán xăng sinh học đại trà thì Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng phương án giá cơ sở đối với xăng sinh học, trên tinh thần khuyến khích DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng xăng sinh học. Với tiến độ này, e rằng kế hoạch triển khai sử dụng xăng sinh học thay cho xăng Ron 92 sẽ khó đạt được mục tiêu mong muốn.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Kiến nghị bắt buộc các đơn vị sử dụng vốn ngân sách dùng xăng E5
Mục tiêu của Chính phủ xác định rõ, việc thay thế xăng Ron 92 bằng xăng E5 phải có lộ trình nhất định. Theo đó, đến thời điểm ngày 30/11/2015, mục tiêu của Chính phủ đề ra là 50% cửa hàng xăng dầu phải xây dựng trụ bơm bán xăng E5, trong thời gian tới sẽ tăng lên tăng lên 100%. Riêng thời điểm khi nào ngưng sử dụng xăng Ron 92 và thay bằng xăng E5 thì còn phải tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở thực tế tiêu dùng cũng như khả năng đáp ứng nguồn cung của xăng E5. Điều này có nghĩa là tại thời điểm hiện tại, song song với việc 50% cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xây dựng trụ bơm xăng E5 thì họ vẫn bán xăng Ron 92 và Ron 95. Xăng E5 sẽ được coi như là một loại sản phẩm mới để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Không thể phủ nhận loại xăng E5 thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí gây ô nhiễm không khí, có lợi cho môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, về mặt quản lý, không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để buộc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm trên mà cần có thời gian để tuyên truyền, vận động để cộng đồng nâng cao nhận thức về loại sản phẩm mới này.
Bên cạnh đó, về phía cơ quan chức năng sẽ tăng cường giải pháp tuyên truyền, chính sách hỗ trợ giá để khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng. Riêng tại Quảng Ngãi và Cần Thơ có thể thực hiện triệt để việc sử dụng xăng E5 thay cho xăng Ron 92, là vì khu vực này có ít dân cư sinh sống, nhu cầu sử dụng xăng nói chung không cao, tính tổng thể trên địa bàn mỗi tỉnh chỉ có khoảng vài chục trụ bơm xăng. Thực tế này khác xa với TP HCM, khi có tới 9 đơn vị cung cấp xăng dầu thông qua hệ thống phân phối gồm 6 tổng đại lý và 518 cửa hàng bán lẻ. Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân khoảng 130.100 m³ mỗi tháng. Trong đó, chỉ tính riêng xăng Ron 92 chiếm 62,5% lượng cung ứng.
Do đó, không thể mạo hiểm một lúc có thể thay thế toàn bộ xăng Ron 92 bằng xăng E5. Trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn vì nhiều lý do khách quan, chủ quan sẽ gây ra những xáo trộn rất nghiêm trọng cho xã hội. Hơn nữa, hiện nguồn cung ứng cồn để pha chế xăng E5 được đánh giá là chưa ổn định.
Chính vì thế, Sở Công Thương TP HCM cho rằng, việc triển khai sử dụng xăng E5 vào thời điểm hiện tại sẽ dừng ở mức khuyến khích các DN kinh doanh xăng dầu xây dựng trụ bơm xăng E5 đạt mức 50% trên tổng cửa hàng kinh doanh. Riêng với hệ thống của tập đoàn Petrolimex, Sở Công Thương khuyến khích 100% cửa hàng phân phối xăng dầu có lắp đặt trụ bơm bán xăng E5.
Đồng thời, để đảm bảo nguồn cung ứng xăng E5, dự kiến khoảng 166.000 m³ mỗi tháng, Sở đã yêu cầu Tổng công ty Dầu Việt Nam cung ứng 99.000 m³ mỗi tháng. Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố 40.000m³ mỗi tháng và Công ty Xăng dầu khu vực II TNHH một thành viên (Petrolimex) là 30.000 m³ mỗi tháng.
Các DN đầu mối, tổng đại lý phải xây dựng kế hoạch triển khai và dự trữ nguồn hàng, cam kết cung ứng đủ sản lượng, đảm bảo giá cả ổn định, không được để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng trên địa bàn thành phố. Mặt khác, phối hợp với các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia hưởng ứng tích cực theo lộ trình đã được duyệt.
Ngoài ra, Sở kiến nghị UBND TP bắt buộc các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng xăng E5 cho các phương tiện vận tải đường bộ thuộc cơ quan quản lý.