Tàu MS Westerdam rời Hong Kong vào ngày 1/2 với lịch trình dài 14 ngày đã phải “lang thang” ngoài khơi khi liên tục bị 5 cảng biển từ chối do lo ngại virus corona (tên chính thức là Covid-19) cho đến khi được chính quyền Campuchia cho phép cập cảng vào ngày 13/2.
Hàng trăm hành khách trên tàu đã được rời Campuchia về nước vào 16/2, quay lại nếp sống thường nhật với niềm tin rằng mình không nhiễm bệnh sau khi đã trải qua ít nhất ba cuộc kiểm tra sức khỏe trên tàu, trong đó họ phải trả lời các câu hỏi về tình trạng sức khoẻ của mình và đo thân nhiệt.
Tàu Westerdam được Chính phủ Campuchia cho phép cập cảng Sihanoukville. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, một trong những hành khách trên tàu, cũng là một trong số những người đã được rời Campuchia đó, đã cho kết quả dương tính với virus khi quá cảnh ở Malaysia. Đó là một phụ nữ 83 tuổi đang được điều trị cùng với người chồng 85 tuổi bị viêm phổi.
Phát hiện này đã khiến các cơ quan y tế thế giới tức tốc “truy tìm” và theo dõi những hành khách của tàu Westerdam vì lo ngại sự lây lan của virus corona ra thế giới.
“Rất có khả năng sẽ có thêm trường hợp dương tính với virus từ Westerdam"
Con tàu chở khách từ 41 quốc gia, bao gồm 651 người Mỹ, 271 người Canada và 127 người Anh, với nhiều người nữa từ mọi vùng miền của châu Âu và Australia cũng có mặt.
Tàu vẫn đang neo đậu tại cảng Sihanoukville, nơi 255 hành khách còn lại và 747 nhân viên trên tàu đang được xét nghiệm virus. Holland America, nhà điều hành con tàu, cho biết hàng trăm hành khách khác đang được bố trí lưu trú tại một khách sạn ở thủ đô Phnom Penh cũng đã được kiểm tra sức khoẻ. Công ty cũng đang phối hợp với các cơ quan y tế quốc gia để “điều tra và theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với các hành khách”.
“Rất có khả năng sẽ có thêm trường hợp dương tính với virus từ Westerdam”, ông Stanley Deresinksi, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, cho biết. “Chính quyền các nước sẽ phải chỉ đạo cơ sở y tế địa phương liên hệ với các cá nhân đã có mặt trên tàu và yêu cầu họ cách ly tại nơi lưu trú”.
Canada đã yêu cầu các hành khách trở về từ Westerdam cách ly trong 14 ngày và báo cáo với cơ quan y tế cộng đồng tại địa phương trong vòng 24 giờ ngay sau khi trở về để được theo dõi các triệu chứng. Hai người Canada về nước tại Sân bay Quốc tế Vancouver đã được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến nơi nhưng lại không bị cách li, theo CBC News.
Hà Lan cho biết sẽ kiểm tra sức khoẻ tất cả 91 công dân Hà Lan đã ở trên tàu khi họ về nước.
Mỹ chưa công bố phương án đối phó với các rủi ro có thể xảy ra từ hành khách tàu Westerdam, nhưng các quan chức Bộ Ngoại giao nước này đã nói với các phóng viên có khoảng 300 người Mỹ đã rời khỏi Campuchia và họ đang theo dõi những người còn lại.
Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia và Singapore, những nơi có hàng chục hành khách Westerdam đã quá cảnh tại sân bay trước khi về nước, cho biết sẽ không cho phép bất kỳ hành khách Westerdam nào còn lại ở Campuchia quá cảnh tại các nước này.
Hành khách nước ngoài đang được sơ tán khỏi tàu Diamond Princess mắc kẹt ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Vụ việc Westerdam không khác nào “thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến chống lây lan virus corona khi các cơ quan y tế trên thế giới vốn đã đang rất vất vả giúp đỡ công dân nước mình còn lưu lại trên tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama, Nhật Bản với 542 hành khách bị nhiễm bệnh trong 13 ngày qua.
Mỹ đã sơ tán 328 công dân, trong đó có 14 người dương tính với virus nhưng không có triệu chứng. Anh, Australia, Hàn Quốc và Canada cũng đang lên kế hoạch sơ tán công dân nước mình ra khỏi con tàu.
Theo một tweet từ Toronto Star, 32 công dân Canada trên tàu Diamond Princess bị mắc kẹt đã dương tính với virus corona.
Cả Westerdam và Diamond Princess đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Carnival có trụ sở tại Miami. Tập đoàn này tuyên bố sẽ sắp xếp cho những hành khách còn lại về nước, hoàn trả đầy đủ tiền vé và 100% điểm tín dụng hành trình trong tương lai.
Tuy nhiên, từ trường hợp của hai tàu du lịch này, các phương pháp được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus bị các chuyên gia y tế đặt câu hỏi.
Nhiều quốc gia đã yêu cầu bất kỳ người nước ngoài nào đã đến Trung Quốc trong thời gian gần đây đều phải cách ly trong vòng 14 ngày, thậm chí một số quốc gia còn ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với bất kỳ ai mới đến Trung Quốc. Hong Kong và Singapore đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào hệ thống y tế để theo dõi và cách ly tất cả các trường hợp được xác nhận có liên quan tới người nhiễm virus.
Các chuyên gia y tế nhận định trường hợp hành khách bị nhiễm bệnh có mặt trên tàu Westerdam cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong việc nhận biết và xét nghiệm virus cũng như khả năng lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh.
Những hành khách tàu Westerdam còn lại ở Campuchia trên chuyến xe bus đưa họ đến Phnom Penh. Ảnh: AP. |
Những hành khách còn lại ở Campuchia đang đợi chuyến bay về nước đã được đưa tới Phnom Penh, nơi họ được chụp ảnh bởi các phương tiện truyền thông địa phương mà không hề đeo khẩu trang.
Thủ tướng Hun Sen bảo vệ quyết định cho du thuyền cập cảng
Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, hôm 18/2 đã kiên quyết bảo vệ quyết định cho phép tàu Westerdam cập cảng của mình. “Một số người nói rằng nó mang virus đến Campuchia, nhưng Campuchia đã không có trường hợp nhiễm bệnh [trong số công dân nước này]”, ông nói.
Cho tới nay, Campuchia chỉ có một trường hợp được xác nhận dương tính với virus, là một du khách Trung Quốc đã hồi phục.
Vào tối 17/2, Malaysia xác nhận rằng trong số hơn 140 hành khách từ Westerdam đã quá cảnh tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, chỉ còn lại người phụ nữ Mỹ dương tính với virus corona và chồng bà.
Malaysia đã ngay lập tức ra lệnh không cho phép bất kỳ tàu du lịch nào đã rời hoặc đi qua Trung Quốc cập cảng Malaysia.
Singapore cũng tuyên bố không cho phép thêm bất kỳ hành khách nào từ Westerdam đến Singapore hoặc quá cảnh. Hai công dân Singapore trở về từ Westerdam đang cách ly tại một cơ sở y tế.
Bộ Y tế Thái Lan hôm 17/2 đã cảnh báo hành khách từ Westerdam không nên quá cảnh tại Bangkok và tuyên bố nếu hành khách từ tàu này đi du lịch Thái Lan, họ sẽ bị cách ly 14 ngày ngay cả khi không có triệu chứng.
Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh này sẽ gây tổn thất nặng đối với ngành du lịch biển ở châu Á, nơi trước đó vốn là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Hàn Quốc và Đài Loan tuần trước cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả các tàu du lịch quốc tế.
Tàu Westerdam neo đậu ngoài cảng Sihanoukville, Campuchia. Ảnh: AP |
Jean-Paul Rodrigue, một giáo sư địa lý giao thông tại Đại học Hofstra ở New York, cho biết, “Những con tàu du lịch bị mắc kẹt với những rủi ro không thể lường trước được. Tàu biển là một ‘căn cứ’ khép kín, không giống như một chiếc máy bay - nơi lưu thông không khí hiệu quả hơn. Tàu du lịch là nơi tồi tệ nhất mà bạn có thể bị mắc kẹt, xét về yếu tố lây nhiễm”. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết du lịch đường biển bằng tàu thuỷ hiện vẫn là một rủi ro có thể quản lý được, và không cần thiết đề xuất lệnh cấm đối với hình thức này.
Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO, nói: “Mọi người nói nên tránh xa các tàu du lịch, hoặc tránh xa các sân bay… Chúng ta cần một cách tiếp cận trong việc quản lý rủi ro”.