Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lỗ hổng từ việc nghệ sĩ hạng A Trung Quốc lập 'công ty ma'

Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển bậc nhất châu Á. Nhưng đằng sau sự thành công đó lại tồn tại nhiều bất cập.

Theo Sina, nghệ sĩ Trung Quốc Đại lục có quyền lực lớn hơn cả nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch trong showbiz. Vị thế của họ chỉ đứng sau các ông trùm. Vì vậy, người nổi tiếng xứ tỷ dân được cung phụng trong nền công nghiệp giải trí.

Người đẹp Trương Gia Nghê từng bị tố gây hấn, hành hung nữ thư ký trường quay khi đóng Tinh trung Nhạc Phi (2012) vì xảy ra tranh cãi trong quá trình làm việc. Ê-kíp show giải trí 72 tầng kỳ lâu vừa phải trả cho Ngô Diệc Phàm 12,3 triệu USD cát-xê, vừa phải dắt mẹ anh đi mua sắm hết 890.000 USD chỉ để đổi lấy sự hợp tác trong lúc quay của nam ca sĩ.

Việc được trao quá nhiều quyền lực biến nghệ sĩ thành "nhà cầm quyền", và tạo ra hàng loạt vấn đề nhức nhối cho showbiz.

Từ "con tép" đến thế lực gây lũng đoạn

Theo Sina, ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, dù là diễn viên hay ca sĩ đều hoạt động dưới sự quản lý của một công ty giải trí. Các công ty có quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng nhìn chung ngôi sao đều nằm dưới quyền của công ty chủ quản.

Vì vậy, nghệ sĩ không được tự quyền quyết định, hoặc phát ngôn bừa bãi. Họ càng không được tự ý nhận đóng phim hay quảng cáo nếu chưa thông qua quy trình xét duyệt của công ty. Trong trường hợp người nổi tiếng vi phạm quy tắc làm việc, họ sẽ nhận hình phạt nội bộ. Điều này giúp giới sao giữ hình ảnh và tạo sự chuyên nghiệp trong hoạt động.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, công ty quản lý chiếm phần nhỏ thành công trong sự nghiệp của các ngôi sao. Dù vậy, đa số sao xứ tỷ dân vẫn ký hợp đồng với công ty giải trí để có thêm chỗ dựa, hợp thức hóa thủ tục thuế quan. Nhưng quyền tự quyết nghiêng hẳn về họ, trừ một số nghệ sĩ danh tiếng thấp phải lệ thuộc công ty để kiếm công việc.

Theo Sina, trước năm 2005, công ty giải trí hàng đầu nắm đằng chuôi, chi phối showbiz. Nhưng ảnh hưởng của họ dần mờ nhạt trước trào lưu thành lập phòng làm việc riêng của các nghệ sĩ. Phạm Băng Băng và tập đoàn Hoa Nghị Huynh Đệ là những người mở ra cột mốc mới cho showbiz Trung Quốc.

Theo Sohu, trong khoảng 20 năm trở lại đây, nghệ sĩ Trung Quốc có xu hướng thành lập công ty riêng, chiếm 70% tổng doanh nghiệp thuộc giới văn hóa - nghệ thuật, với số lượng trên dưới 2.000. Studio là hình thức phổ biến vì chi phí thành lập và quản lý thấp.

Sohu cho biết mục đích của các ngôi sao khi thành lập công ty riêng là giúp họ chủ động trong công việc, móc nối quan hệ và có cơ hội thâu tóm tài nguyên hơn so với thời hoạt động trong công ty quản lý nhiều nghệ sĩ. Chưa kể việc tách khỏi công ty chủ quản còn giúp nghệ sĩ tăng thu nhập, tránh được khoản thuế doanh nghiệp cao ngất ngưởng.

Theo iFeng, việc hoạt động trong công ty quản lý thường xảy ra bất hòa khi phân chia tài nguyên điện ảnh, truyền hình, đại diện thương hiệu, dự sự kiện trong và ngoài nước. Do đó, các nghệ sĩ chiến lược, danh tiếng cao đều muốn sớm ra riêng với đội ngũ nhân viên chuyên biệt.

Nhờ độc lập trong việc kiếm mối nghệ thuật, nguồn tiền và có hậu thuẫn quyền lực nâng đỡ, người nổi tiếng dần trở thành thế lực mới trong showbiz. Theo Sohu, một ngôi sao hạng A có thể làm chủ đến 50 công ty. Từ năm 2016, trung bình một ngày sẽ có một studio mới do nghệ sĩ thành lập xuất hiện.

Tuy nhiên, đằng sau trào lưu khuyến khích nghệ sĩ hoạt động độc lập dưới mác công ty, studio nghệ thuật riêng lại tiềm ẩn nguy cơ khác. Không ít người lợi dụng danh tiếng và lỗ hổng luật pháp để trốn thuế. Họ thành lập công ty ma ở khu vực được hưởng ưu đãi thuế quan. Theo Sina, có hơn 25% doanh nghiệp do người nổi tiếng đứng tên vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của Tổng cục thuế Trung Quốc, sau khi chiến dịch rà soát người nổi tiếng trốn thuế bắt đầu từ tháng 10/2018, số tiền thuế giới nghệ thuật nộp trả là hơn 11,747 tỷ NDT chỉ trong vòng 2 tháng. Con số này nhiều hơn tổng lợi nhuận ròng của 20 công ty điện ảnh và truyền hình Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán trước năm 2017.

Biến công ty riêng thành "tập đoàn tội phạm"

Sohu đánh giá thị trường giải trí Trung Quốc dễ dãi trong công tác quản lý nghệ sĩ. Họ chỉ cần có tiền và các mối quan hệ là đủ để hoạt động nghệ thuật bất chấp tài năng hay đạo đức có ra sao.

Trường hợp của Trịnh Sảng hay Ngô Diệc Phàm là minh chứng. Họ bỏ tiền thành lập công ty quản lý, không dưới quyền của bất kỳ ai. Để thuận lợi đi lên trong ngành, Trịnh Sảng hay Ngô Diệc Phàm móc nối với thế lực Kinh Khuyên - vòng tròn văn nghệ sĩ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, công ty giải trí của Trịnh Sảng hay Ngô Diệc Phàm bị nhận xét hoạt động theo mô hình hộ gia đình, nghĩa là các vị trí chủ chốt do họ hoặc người nhà nắm giữ. Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm có đủ quyền để hét ra lửa, yêu cầu nhân viên phục tùng theo ý mình. Việc này khiến họ mất phương hướng.

Ngô Diệc Phàm biến nhân viên, bạn bè và người thân trở thành đồng lõa trong vụ án tình dục của anh. Theo Sohu, vợ chồng quản lý Phùng Manh - Trương Tiểu Niên, Mạo Khả Dị được xác định là người tìm kiếm, tuyển chọn và đưa các cô gái vào bẫy. Bạn thân Lý Cảnh Hào đóng vai trò trung gian giúp Ngô Diệc Phàm mở tiệc thác loạn. Trong khi anh họ Ngô Lâm che giấu hành vi đồi bại của nam ca sĩ, tiếp tay cho anh gian lận thuế.

Theo lời của Đô Mỹ Trúc, nhân viên của Ngô Diệc Phàm hành động theo luật giang hồ. Các cô gái cãi lệnh hay có dấu hiệu chống đối sẽ bị đe dọa tính mạng.

Với Trịnh Sảng, cô lại cùng bạn trai cũ Trương Hằng lên kế hoạch và thực hiện hành vi trốn thuế. Theo báo cáo điều tra của Cục thuế Thượng Hải, năm 2018, Trương Hằng chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng biểu diễn giữa Trịnh Sảng và nhà sản xuất dự án Thiến nữ u hồn. Anh đứng ra thảo luận vấn đề cát-xê, thúc ép đối tác lập hợp đồng âm dương để chia nhỏ thù lao.

Ngoài ra, Trương Hằng còn giúp Trịnh Sảng thành lập các công ty để che giấu thù lao cao vượt mức quy định, lẩn tránh các bước điều tra kiểm duyệt của ban ngành liên quan, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Trong hợp đồng trình lên cơ quan chức năng phê duyệt, cát-xê được khai báo của nữ diễn viên chỉ là 7,4 triệu USD. Nhưng thực tế, Trịnh Sảng nhận thù lao hơn 24 triệu USD cho 77 ngày làm việc trên phim trường Thiến nữ u hồn. Kết cục, Trịnh Sảng bị xử phạt 46 triệu USD, còn Trương Hằng là 5 triệu USD. Hiện, cả hai sống ở Mỹ để tránh dư luận và các vụ kiện kinh tế.

Bài liên quan

Thang Duy diện vest với bra top

Thang Duy diện vest với bra top

Nữ diễn viên đang tuyên truyền tác phẩm "Decision to Leave" cùng Park Hae Il, đạo diễn Park Chan Wook. Bộ phim tạo tiếng vang lớn tại Cannes lần thứ 75.

Di Hy

Bạn có thể quan tâm