Zing.vn ghi lại ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, liên quan tới vấn đề trách nhiệm Bộ Y tế và Cục quản lý Dược trong vụ án công ty VN Pharma:
Cục quản lý Dược là đơn vị trực tiếp ký duyệt hồ sơ cho phép VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita. Cho rằng Cục đã phối hợp tốt với cơ quan điều tra trong việc cung cấp bằng chứng nên được miễn truy tố là không hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng không thể không điều tra trách nhiệm của Cục quản lý Dược và Bộ Y tế trong việc để thuốc không rõ nguồn gốc như H-Capita xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh: Hiếu Duy. |
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và thực hiện luân chuyển lãnh đạo, chuyên viên phụ trách liên quan đến vụ VN Pharma. Tuy nhiên trên thực tế, ông Nguyễn Tất Đạt thời điểm duyệt hồ sơ cho thuốc H-Capita là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, bây giờ đã là Phó cục trưởng Cục quản lý Dược.
Còn ông Trương Quốc Cường thời điểm ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita là Cục trưởng Cục quản lý Dược, bây giờ đã lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Bộ Y tế nói kỷ luật cán bộ nhưng sao vẫn để họ thăng chức như vậy?
Hoài nghi về lý do Bộ Y tế đưa ra
Theo giải trình mới đây của Bộ Y tế, lý do Cục quản lý Dược nghi ngờ chất lượng và xuất xứ của H-Capita vì giá kê khai và giá trúng thầu của thuốc này thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất từ các nước. Tuy nhiên, nếu đây là lý do thực sự thì trước nay phải có hàng trăm vụ phát hiện hàng hóa giả trước khi nó được tung ra thị trường chứ không chỉ riêng vụ này.
Thông thường thuốc giả nếu không bị phát hiện ở khâu kiểm tra hồ sơ thì chỉ có thể bị phát hiện khi đã được tung ra thị trường, đã có người sử dụng và phát hiện hàng kém chất lượng hoặc đã có thanh tra kiểm tra chất lượng.
Đa số dược phẩm giả, kém chất lượng được phát hiện bởi Thanh tra Sở Y tế của các tỉnh, thành phố, các bệnh viện và nhà thuốc. Đây là những cơ sở thường xuyên “cọ xát” với thị trường dược phẩm, thường xuyên đi kiểm tra, lấy mẫu thuốc, nên luôn có căn cứ nghi ngờ đâu là thuốc giả.
Còn người ngồi ở Cục, ở Bộ, chỉ tiếp xúc với dược phẩm thông qua giấy tờ, làm sao có căn cứ để nhận biết đó là thuốc giả khi nó còn chưa được xuất kho?
Lỗ hổng đấu thầu
Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2014 thuốc H-Capita của VN Pharma đã trúng thầu vào các bệnh viện tại TP.HCM với giá 31.000 đồng một viên, nhưng vì phát hiện kịp thời nên số thuốc này đã bị niêm phong, chưa đưa ra thị trường.
Câu hỏi đặt ra là vì sao H-Capita không những “lọt” qua khâu kiểm tra hồ sơ của Cục quản lý Dược mà còn “lọt” cả khâu đấu thầu. Tôi cho rằng sở dĩ VN Pharma trúng thầu thuốc H-Capita là vì đã làm giả hồ sơ xuất xứ nên thuốc được đứng ở nhóm dược phẩm sản xuất ở nước phát triển để đấu thầu.
Trong nhóm thuốc này, giá kế hoạch là khoảng 68.000 đồng. VN Pharma chào thầu H-Capita chỉ có 31.000 đồng, làm sao mà không trúng thầu được?
Nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma lãnh 12 năm tù giam về tội buôn lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita. Ảnh: Chi Mai. |
Lỗ hổng trong việc đấu thầu dược phẩm hiện nay đó là thang điểm kỹ thuật do Bộ Y tế đưa ra không chặt chẽ, dẫn đến việc thay vì xét chỉ tiêu chất lượng trước, rồi xét đến giá cả thì hầu hết dược phẩm đều lọt qua khâu kiểm tra kỹ thuật, chỉ còn cạnh tranh nhau về giá.
Điển hình là việc H-Capita đã chui lọt qua cả khâu này, sau đó còn làm giả giấy tờ, qua đó được lợi thế về giá.
Để công ty VN Pharma chui qua bao nhiêu bước kiểm định chất lượng và xuất xứ như vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế, của Cục quản lý Dược, của Sở Y tế TP.HCM vẫn là không có gì? Những nghi ngờ của dư luận trong thời gian vừa qua là hoàn toàn có cơ sở, bây giờ vấn đề là các anh có tự nhận thấy lỗi của mình để sửa hay không thôi.
Kiến nghị điều tra 7 loại kháng sinh VN Pharma từng nhập khẩu
Cáo trạng của VKS cũng như TAND TP.HCM trong quá trình xét xử nguyên Tổng giám đốc công ty VN Pharma không hề nhắc đến chuyện Bộ Y tế từng rút số đăng ký 7 loại thuốc kháng sinh do công ty này nhập lậu và tung ra thị trường hồi năm 2014.
Trong khi đó, cả 7 loại thuốc này đều được đăng ký sản xuất tại công ty Helix Pharmaceuticals (Canada), cơ sở được xác định là không có thật. Không những thế, đó còn là thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch, nếu tiêu chuẩn chất lượng không đảm bảo thì nguy cơ tử vong của người không may sử dụng là rất cao.
Tại sao không hề thấy cơ quan có thẩm quyền nào nhắc đến 7 loại thuốc này, trong khi chúng đã được lưu hành ra thị trường và có nhiều dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc và chất lượng? Tôi sẽ đem vụ án này chất vấn tại Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay.
Tôi sẽ nói đến việc cần thiết phải xử thật đúng người, đúng tội để làm gương cho các công ty dược phẩm khác. Nếu không thì dân mình rồi đây sẽ uống phải những loại thuốc gì? Khủng khoảng lòng tin của người dân sẽ ngày một tăng cao, bệnh nhân uống thuốc mà không tin tưởng vào thuốc thì làm sao khỏi bệnh?
Nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma là em chồng Bộ trưởng Y tế
Sau khi vụ việc VN Pharma buôn thuốc giả được đưa ra ánh sáng, mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin cho rằng ông Hoàng Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty VN Pharma, là em của ông Hoàng Quốc Hòa (chồng bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế).
Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định thông tin trên là chính xác.
Trả lời báo Vietnamnet, nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng (người vừa lĩnh 12 năm tù giam về tội buôn lậu) cũng xác nhận việc ông Hoàng Quốc Dũng từng đảm nhiệm chức phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư cho VN Pharma.
Theo ông Minh Hùng, ông Dũng chuyên lo về mảng xây dựng, nhưng do chưa có việc nên ông này chỉ ngồi văn phòng. Ngoài ra, ông Hùng cho biết ông Hoàng Quốc Dũng làm việc tại công ty này từ khoảng năm 2013-2014. Sau khi ông Nguyễn Minh Hùng đã bị bắt giữ (tháng 9/2014), ông Dũng còn làm việc ở công ty thêm một thời gian.