Lỗ hổng chứng thư bảo lãnh ngân hàng
Được giám đốc chi nhánh ngân hàng ký chứng thư bảo lãnh, nhưng doanh nghiệp thụ hưởng phải “bao vây” cả trụ sở để đòi tiền. Từ vụ việc tại Chi nhánh Agribank Hồng Hà, lộ ra nhiều lỗ hổng chết người của dịch vụ này.
>> Bắt tạm giam 3 nguyên cán bộ Agribank Hồng Hà
Một giao dịch tại ngân hàng. |
Chứng thư bảo lãnh ngoài luồng
Vụ Giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà - ông Đỗ Đức Hưng vừa bị bắt và khởi tố về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do ký chứng thư bảo lãnh thanh toán, cũng dấy lên mối lo về thể thức thanh toán được coi là tiến bộ này.
Theo tài liệu điều tra, ông Hưng đã ký nhiều giấy bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng. Hiện số tiền mà các bên liên quan còn nợ nhau vào khoảng 180 tỷ đồng.
Khởi nguồn phát hiện của sự việc bắt đầu từ vụ Agribank Chi nhánh Hồng Hà phát hành 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán không hủy ngang, cam kết thanh toán cho Công ty Cao Trường Sơn số tiền tối đa 50,1 tỷ đồng, nếu bên mua thép là Công ty CP Thiết bị Công nghiệp và Xây dựng vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Tuy nhiên, hết thời hạn thanh toán, bên mua mới trả 11,6 tỷ đồng, còn nợ 38,5 tỷ đồng. Khi đó, Agribank Hồng Hà phải trả nợ thay cho doanh nghiệp được bảo lãnh.
Tuy nhiên, ngân hàng này lại chây ỳ, khiến Công ty Cao Trường Sơn phải đưa vụ việc ra tòa. Tại phiên sở thẩm, TAND TP Hà Nội buộc Agribank Chi nhánh Hồng Hà phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và trả cho Công ty Cao Trường Sơn số tiền 38,5 tỷ đồng.
Dù vậy, phía ngân hàng vẫn chây ỳ, đến nỗi Công ty Cao Trường Sơn phải cho công nhân đến “bao vây” trụ sở để đòi nợ.
Nguy cơ mất tiền tỷ
Từ vụ việc trên, làm dấy lên mối lo ngại của các doanh nghiệp về hình thức thanh toán lấy ngân hàng làm trung gian này, dù đây được coi là phương thức thanh toán tiến bộ, cần phát triển rộng rãi.
Ông Hồ Nam Tiến, Phó tổng giám đốc LienViet Post Bank chia sẻ: “Phát hành chứng thư bảo lãnh là dịch vụ được cả ngân hàng và doanh nghiệp ưa thích, bởi tính tiện ích ba bên cùng có lợi. Doanh nghiệp bán hàng thì được bảo đảm thanh toán, nên yên tâm, còn doanh nghiệp được bảo lãnh thì không mất chi phí vốn, còn ngân hàng chỉ cam kết bằng uy tín nhưng đã thu lời từ 1-2% từ thu phí”.
Một cán bộ thanh tra ngân hàng cho biết, nghiệp vụ bảo lãnh hiện chiếm khoảng 5-7% tổng dư nợ của các ngân hàng, thậm chí tới 10%. Nên những khoản vay từ phát chứng thư bảo lãnh lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy chuẩn thống nhất cho dịch vụ này, nên còn những lỗ hổng về pháp lý. Cũng là tiền bạc, nhưng các chứng thư được phát ra như một công văn (chỉ cần chữ ký và con dấu của giám đốc), trong khi sổ tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi dù giá trị lớn hay nhỏ đều được ngân hàng phát ra và quản lý dưới dạng phôi (có số sêri), nên khó kiểm soát.
Trong khi đó, theo ông Hồ Nam Tiến, mỗi ngân hàng lại có quy định khác nhau về phát chứng thư bảo lãnh. Như ngân hàng ông Tiến, chi nhánh cấp I chỉ được cấp chứng thư hạn mức 8 tỷ đồng trở xuống, nhưng nhiều ngân hàng khác chi nhánh cấp I được cấp hạn mức tới 100 tỷ đồng.
Theo vị cán bộ thanh tra, đã đến lúc NHNN nên có quy chuẩn quản lý nghiệp vụ chứng thư bảo lãnh. Còn từ các ngân hàng, cách phòng ngừa tốt nhất là phải quản lý từng chứng thư bảo lãnh phát ra.
Một cán bộ NHNN cho hay, về mặt nguyên tắc, tất cả chứng thư bảo lãnh ngân hàng đều phải đưa vào hệ thống quản lý. Nó có thể kết nối với tài khoản bảo đảm, theo hệ thống.
Khi đó, giám đốc các chi nhánh ngân hàng muốn phát hành chứng thư bảo lãnh buộc phải đăng ký qua hệ thống văn thư, có kiểm soát mới in được phom bảo lãnh ra.
Nếu không quản chặt, cán bộ ngân hàng dễ lợi dụng làm bậy. Như Agribank Hồng Hà, cán bộ làm sai, cuối cùng ngân hàng phải gánh hậu quả, vẫn phải bồi thường cho doanh nghiệp thụ hưởng bảo lãnh.
Theo một cán bộ thanh tra NHNN, với sai phạm của lãnh đạo Agribank Hồng Hà, do ký một loạt chứng thư bảo lãnh để ngoài sổ sách, lỗ hổng ở đây nằm chính ở rủi ro đạo đức của cán bộ ngân hàng.
Việc trám lỗ hổng này không đơn giản. Nhưng từ vụ này, các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát nội bộ thông qua cơ chế kiểm tra chéo, giám sát lẫn nhau. Chỉ có như vậy, mới tránh được cả rủi ro cho chính ngân hàng.
Theo Tiền Phong