Theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến cuối tháng 3/2019, VinaLand Limited - quỹ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản trực thuộc VinaCapital - chỉ có giá trị tài sản ròng (NAV) ở mức 537.00 USD, tương đương 0,0037 USD trên mỗi cổ phiếu.
Con số này tăng nhẹ so với giá trị ghi sổ đợt cuối năm 2018, nhưng VinaLand cho biết điều này chủ yếu là do chi phí thanh lý các dự án còn lại của quỹ thấp hơn dự kiến ban đầu.
Theo kế hoạch thông qua hồi năm 2016, VinaLand sẽ hủy niêm yết chứng chỉ quỹ trên Sàn chứng khoán London và kết thúc hoạt động vào tháng 7 tới. Điều này cũng đồng nghĩa quỹ ngoại chuyên về bất động sản sẽ chấm dứt hoạt động sau 13 đầu tư tại Việt Nam.
Dừng hoạt động sau 13 năm
VinaLand là một trong 4 quỹ trực thuộc VinaCapital cùng với Vietnam Opportunity Fund (VOF), Vietnam Infrastructue Ltd (VNI) và DFJ VinaCapital Fund. Được thành lập từ tháng 3/2006, VinaLand là quỹ chuyên để tiền đầu tư các dự án bất động sản.
Khu dân cư Nam Rạch Chiếc từng là dự án lớn nhất thuộc sở hữu của VinaLand trước khi về tay Novaland. Ảnh: Lê Quân. |
Trong hơn 13 năm hoạt động tại thị trường Việt, đã có lúc giá trị tài sản ròng của VinaLand đạt mốc 804 triệu USD vào giữa năm 2008. Con số này tăng gần 4 lần so với số vốn đầu tư ban đầu khi thành lập là 204 triệu USD.
Tuy nhiên, năm 2008 cũng là năm bắt đầu cho giai đoạn đi xuống của thị trường bất động sản trong nước.
Thị trường đóng băng là nguyên nhân trực tiếp khiến VinaLand liên tục thua lỗ với các dự án đầu tư của quỹ. Thậm chí năm 2012, VinaCapital đã phải tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc gia hạn thời gian hoạt động của quỹ VinaLand nhằm thoái vốn khỏi các dự án địa ốc đã sở hữu trước đó.
Đến năm 2016, các cổ đông của quỹ ngoại này tiếp tục thông qua việc gia hạn hoạt động thêm 3 năm để tiến hành thoái vốn nốt tại các dự án, và dự kiến sẽ đóng quỹ vào tháng 7 năm nay.
Với số liệu mới nhất ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019 của VinaLand, quỹ này sẽ hoàn tất dừng hoạt động theo đúng kế hoạch khi đã thoái vốn tại toàn bộ dự án còn sót lại.
Thua lỗ hơn 206 triệu USD
Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019, trong 6 năm gần nhất (2013-2018), VinaLand đều thua lỗ. Năm 2013, quỹ ngoại này lỗ tới 132 triệu USD trước thuế, trong khi năm gần nhất (2018) cũng lỗ gần 26 triệu USD. Tính trong 6 năm gần nhất, VinaLand đã lỗ trước thuế hơn 206 triệu USD.
Quỹ ngoại này cũng liên tục đối mặt với tình hình doanh thu không đủ bù chi phí hoạt động. Việc thua lỗ một phần đến từ kế hoạch dừng hoạt động kinh doanh tại các dự án bất động sản mà VinaLand sở hữu để thoái vốn.
Từ năm 2016 đến nay, quỹ ngoại này đã liên tục thoái vốn tại hàng loạt dự án lớn nhỏ. Chỉ tính từ tháng 6/2016 đến 6/2018, giá trị tài sản ròng của quỹ đã giảm từ 336 triệu USD xuống còn 47 triệu USD, trước khi về mức hơn 500.000 USD hiện tại.
Báo cáo cuối năm 2018 của Vinaland cũng cho biết quỹ này đã thoái vốn khỏi toàn bộ các dự án bất động sản trong danh mục sở hữu trước đó.
Một số dự án lớn từng thuộc sở hữu của VinaLand trước khi thoái vốn phải kể tới dự án Century 21, rộng 30 ha tại Nam Rạch Chiếc (quận 2, TP.HCM). Đây cũng là dự án lớn nhất trong danh mục sở hữu trước đó của VinaLand trước khi được thoái vốn vào năm 2016. VinaLand cũng đã bán toàn bộ vốn sở hữu khỏi dự án Danang Beach Resort với giá trị hơn 37 triệu USD.
Năm 2017, quỹ này cùng VOF bán toàn bộ vốn tại Đại Phước Lotus rộng 200 ha (Đồng Nai) với giá 48,8 triệu USD. VinaLand cũng từng sở hữu 65% vốn trong liên doanh cùng với Thăng Long GTC (thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội) triển khai dự án Times Square (Hà Nội) trước khi thoái vốn và thu về 41 triệu USD.
Năm 2018 vừa qua, quỹ ngoại này đã hoàn tất thoái vốn tại các dự án còn lại gồm Aqua City, Pavillion Square, Capital Square.