Trong lúc cả nước Hàn căng mình chống dịch, điện thoại của người dân liên tục nhận được các tin nhắn cảnh báo do chính phủ cập nhật.
Các cơ quan y tế và văn phòng quận trên khắp Hàn Quốc hàng ngày miệt mài gửi đi “các tin nhắn hướng dẫn an toàn mùa dịch” từ sáng sớm đến tối muộn, nhắc nhở mọi người rửa tay kỹ và không chạm tay chưa rửa lên mặt.
Đôi khi, nội dung trong đó đã tiết lộ cuộc sống cá nhân của người nhiễm bệnh khiến họ bị xã hội kỳ thị, soi mói.
Người nhiễm bệnh bị nghi ngoại tình
Trong một số trường hợp, nhiều người cảm thấy nội dung của tin nhắn làm gia tăng sự kỳ thị trong xã hội. Chẳng hạn, người nhiễm bệnh bị nghi là ngoại tình, theo Guardian.
Phần lớn những lời chỉ trích đổ dồn vào các tin nhắn tiết lộ hành trình của những người vừa được chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Cô gái đeo khẩu trang sử dụng điện thoại trong nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP via Getty. |
“Một người phụ nữ ngoài 60 tuổi vừa xét nghiệm dương tính”, nội dung điển hình của một tin nhắn. “Ấn vào đường link để được dẫn đến trang web của văn phòng quận. Tại đó, chúng tôi sẽ liệt kê những địa điểm mà bệnh nhân lui tới trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính”.
Sự bùng nổ tin nhắn kiểu này đã vô tình dẫn đến những việc dở khóc dở cười.
Một người đàn ông ngoài 50 tuổi trở về từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, nơi khởi phát và bùng phát dịch bệnh, cùng với người thư ký 30 tuổi. Tin nhắn cảnh báo rằng cả hai đều bị nhiễm bệnh trong những ngày đầu của dịch. Tuy nhiên, không ai lường trước việc họ bị đồn đoán ngoại tình.
Trong trường hợp khác mà BBC đưa tin, tin nhắn đã cảnh báo một người đàn ông bị nhiễm virus từ người dạy trong lớp học về quấy rối tình dục.
Bị kỳ thị oan
Khi truyền thông Hàn Quốc ra sức cảnh báo, người dân nước này bị cuốn vào vòng xoáy của sự khiếp đảm lẫn hoang mang vì đời tư của họ bị vạch trần.
Trong tin nhắn khác, một phụ nữ ngoài 60 tuổi bị cảnh báo dương tính với Covid-19. Bà vẫn đi làm bình thường, tham dự tiệc cưới và ăn trưa tại nhà hàng buffet của khách sạn với bạn bè. Dù trước đó, bà phải nhập viện vì bị thương trong vụ tai nạn xe hơi.
Trường hợp của bà đã thu hút sự chú ý của dư luận. Cư dân mạng cáo buộc bà lừa tiền bảo hiểm. Bà lọt vào tầm ngắm của giới báo chí buộc bà sau đó phải lên truyền hình thanh minh.
Một người đàn ông hơn 30 tuổi xét nghiệm dương tính với virus corona khác cũng trở thành mục tiêu của những lời nhiếc móc trên mạng sau khi giới chức cảnh báo rằng họ không thể theo dõi chuyển động của anh ta. Họ chỉ theo dõi được đến chỗ nhà ga chính ở Seoul sau khi anh rời sân bay.
Do khu vực gần nhà ga nổi tiếng với tệ nạn mại dâm, người này đã bị dân mạng cáo buộc là mua dâm. Trong khi đó trên thực tế, anh này chỉ đơn giản là đi ăn trong nhà hàng ở con phố đó. Giới chức y tế sau đó thừa nhận đã nhầm lẫn vị trí của anh do trục trặc kỹ thuật.
"Cơ hội vàng" cho kẻ lừa đảo
Các cảnh báo qua tin nhắn đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà hàng, cửa hiệu mà những người bị chẩn đoán dương tính muộn hơn từng ghé qua.
Tuy không tiết lộ danh tính người nhiễm bệnh ngoài giới tính, độ tuổi và công việc (trong một số trường hợp), nhưng các nhà chức trách lại tiết lộ tên các nhà hàng, cửa hàng nơi họ từng ghé trước khi có kết quả dương tính. Các cửa hàng bị “nêu tên” phải đóng cửa tạm thời để khử trùng. Họ lo ngại có thể không kinh doanh được vì virus.
Tình trạng này cũng là cơ hội vàng cho những kẻ lừa đảo trên nỗi sợ hãi.
Một người đàn ông tuyên bố mình bị nhiễm Covid-19 đã gọi đến các nhà hàng ở quận Mapo của Seoul để tống tiền. Hắn đe dọa hoạt động kinh doanh của nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng nếu hắn nói với giới chức y tế rằng đã từng ăn ở nhà hàng của họ. Hắn đòi tiền để ngậm miệng.
Dịch vụ giao hàng lên ngôi giữa mùa dịch Covid-19 ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát đã vào cuộc điều tra nhưng hiện chưa định vị được nghi phạm
“Tôi tự cho phép mình nghe lén cuộc trò chuyện của khách hàng những ngày gần đây phòng trường hợp họ là thành viên giáo phái hoặc kẻ lừa đảo”, Kim Na-hee, chủ sở hữu một nhà hàng ở thủ đô Seoul, nói.
Theo Korea Herald, hơn 60% số ca nhiễm có liên hệ với Tân Thiên Địa, một nhánh của Cơ Đốc giáo.
“Tôi đã nghĩ rằng chỉ cần bảo vệ sức khỏe của mình nhưng bây giờ tôi thấy có nhiều thứ còn đáng sợ hơn cả virus corona”, cô Kim nói thêm.