Các cấp Công đoàn sẽ vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động |
Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, thực hiện tốt việc tăng lương cho người lao động đã là một điều không dễ dàng. Trong khi đó, lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 lại trùng với thời điểm thay đổi mức đóng - hưởng bảo hiểm xã hội khiến áp lực với doanh nghiệp càng lớn hơn. Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại việc “phải” tăng lương cho người lao động sẽ khiến các doanh nghiệp cắt giảm phụ cấp, thưởng để giảm gánh nặng.
Doanh nghiệp phải tự cân đối
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, người lao động hãy an tâm về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng. Với cơ chế giám sát chặt chẽ, doanh nghiệp không thể không thực hiện.
Hơn nữa, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đang trả cho người lao động mức lương cao hơn mức tối thiểu vùng. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng và mức đóng bảo hiểm xã hội đều là những quy định có lợi cho người lao động. Mặc dù, mức đóng có thể tăng lên nhưng vấn đề an sinh xã hội của người lao động về lâu dài sẽ được đảm bảo hơn.
Đối với doanh nghiệp, ông Phạm Minh Huân cũng thừa nhận với những thay đổi về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội sẽ làm gia tăng chi phí vận hành, sản xuất. Nhưng để giảm áp lực cho doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương tối thiểu cũng được thực hiện từng bước, theo một lộ trình nhất định.
Rõ ràng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là phù hợp với thực tế: bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.
Do đó, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự nỗ lực cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào. Với những doanh nghiệp nhỏ, việc điều chỉnh tăng lương có thể tạo áp lực bởi phải bù đắp phần chi phí trả lương mới.
Vì thế, bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với người sử dụng lao động như tích cực sản xuất, bởi làm lợi cho doanh nghiệp cũng là bảo đảm đời sống cho chính mình.
Không để xảy ra tình trạng “né” luật
Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), ông Đặng Quang Điều cho biết, theo kinh nghiệm từ lần tăng lương tối thiểu trước, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt quy định của pháp luật. Chỉ có một số ít các doanh nghiệp chậm thực hiện, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc có nguy cơ phá sản.
Hiện Tổng Liên đoàn đã có văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu của các doanh nghiệp. Các cấp Công đoàn có trách nhiệm báo cáo lại với Công đoàn cấp trên nếu phát hiện doanh nghiệp xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc.
Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đã từng xảy ra tranh chấp cử cán bộ bám sát, hướng dẫn Công đoàn cơ sở trong quá trình thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tránh tình trạng ngừng việc tập thể.
Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở phải rà soát, xem xét lại các khoản phụ cấp, trợ cấp mà doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể. Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “né” quy định của luật thực hiện tăng lương bằng cách bớt thưởng.
Ông Phạm Minh Huân cho hay, tháng đầu tiên thực hiện việc tăng lương tối thiểu trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp phải cân đối lo thưởng Tết cho người lao động nên việc thực hiện tăng lương tối thiểu, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội có thể gián đoạn.
Sau thời gian nghỉ Tết, ngành lao động, thương binh và xã hội cùng với tổ chức Công đoàn sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng, đảm bảo thực hiện ổn định trong quý I- 2016.