Lộ diện thiên hà ‘già’ nhất vũ trụ
Không chỉ già nhất, thiên hà vừa được phát hiện còn được coi là xa nhất tính từ trái đất, với khoảng cách lên tới 13,3 tỷ năm ánh sáng.
Với mỗi năm ánh sáng tương đương 9.405.800 triệu km, khoảng cách từ thiên hà vừa được phát hiện tới trái đất khó diễn tả bằng những đơn vị đo lường con người vẫn hay sử dụng trong cuộc sống. Đặc biệt hơn, thiên hà vừa được phát hiện hình thành vào khoảng 420 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, khi vũ trụ mới chỉ đạt 3% tuổi so với hiện nay.
Thiên hà già và xa nhất từng được phát hiện trong vũ trụ. |
Thiên hà mới được phát hiện nhờ quá trình quan sát của kính viễn vọng không gian Hubble, kính viễn vọng không gian Spitzer và một thiết bị quan sát tình cờ khác đang làm việc trong không gian. Trên thực tế, khoảng cách 13,3 tỷ năm ánh sáng giữa thiên hà vừa được phát hiện với trái đất không chỉ cho thấy sự xa vời mà nó còn nói lên độ tuổi tối thiểu của thiên hà mới.
Để dễ hình dung, người ta đã sử dụng thiên hà của chúng ta, dải ngân hà để so sánh. Theo đó, ngân hà với chiều rộng lên tới 150.000 năm ánh sáng, chỉ đáng "hàng cháu" của thiên hà vừa được phát hiện bởi độ tuổi của nó chỉ tương đương 1/3 so với thiên hà mới. Thậm chí, thiên hà mới còn có thể là sự sáp nhập của hàng loạt thiên hà khác nhau, trong thời kỳ hình thành vũ trụ.
Sau quãng thời gian dài nghiên cứu những ngôi sao màu đỏ, sao lùn nâu và các thiên hà màu đỏ, các nhà khoa học mới đủ bằng chứng để kết luận phát hiện mới chính là một thiên hà, nằm ở khoảng cách rất xa. Thiên hà mới được đặt tên JD MACS0647, rất nhỏ trên bản đồ vũ trụ từng được lập ra trước đó. Phải phóng to và tập trung quan sát, người ta mới nhận ra sự tồn tại của nó, bởi lượng ánh sáng nó phát ra trở nên quá yếu vì phải di chuyển khoảng cách xa.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn