Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 14/5, cổ phiếu của Tập đoàn Masan trở thành tâm điểm của thị trường khi một nhà đầu tư nước ngoài chi 2.300 tỷ, tương đương 100 triệu USD, để mua gom 39 triệu đơn vị.
Mới đây, quỹ đầu tư Ardolis thông báo là tổ chức thực hiện giao dịch trên. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Ardolis tại Masan tăng từ 5,6% lên 9%.
Ardolis là một quỹ đầu tư trực thuộc GIC, quỹ của chính phủ Singapore. Bản thân GIC cũng sở hữu 4,1% cổ phần của Masan. Như vậy, hiện nhóm quỹ đầu tư của chính phủ Singapore nắm giữ tổng cộng hơn 13% cổ phần của tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất nhì Việt Nam.
Tại Masan, GIC là cổ đông ngoại có tỷ lệ sở hữu lớn nhất. Xếp thứ hai là tập đoàn SK của Hàn Quốc với 9,4% cổ phần.
Các cổ đông lớn của Tập đoàn Masan | ||||||
Tỷ lệ sở hữu ở Masan hiện tại sau khi nhóm GIC gom cổ phần | ||||||
Nhãn | CTCP Masan | CT Hoa Hướng Dương | Nhóm GIC | SK Investment | Cổ đông khác | |
cổ phần | % | 31.2 | 13.2 | 13 | 5.6 | 37 |
Hai quỹ đầu tư còn có điểm chung khi đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại các công ty của một tỷ phú Việt Nam khác là ông Phạm Nhật Vượng. GIC là cổ đông lớn tại Vinhomes với tỷ lệ nắm giữ 5,9% vốn, trong khi SK đầu tư chiến lược vào Vingroup với 6,1% cổ phần.
Ở Masan, hai pháp nhân liên quan Chủ tịch công ty Nguyễn Đăng Quang quản lý 44,5% vốn Masan. Vợ tỷ phú Quang, bà Nguyễn Hoàng Yến còn sở hữu trực tiếp 3,6% cổ phần. Riêng ông Quang chỉ đứng tên trực tiếp 15 cổ phiếu công ty.
Chốt phiên giao dịch 22/5, giá cổ phiếu Masan đang giao dịch ở vùng 62.000 đồng, tăng 27% so với hồi cuối tháng 3.
Nhờ đó, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Đăng Quang tăng lên đáng kể. Theo cập nhật mới nhất của Forbes, chủ tịch Masan đã quay lại danh sách tỷ phú thế giới.