Sau gần 5 tháng thi công, robot đào hầm tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 700 m đường hầm, tiệm cận ga Nhà hát thành phố với 30 công nhân chia thành hai ca một ngày.
Robot TBM là một tổ hợp máy đào có tổng chiều dài 70 m và nặng 300 tấn, có thể thực hiện được các hạng mục thi công hầm bằng phương pháp cân bằng áp lực đất. Chiếc máy khoan này được sản xuất tại Nhật có trị giá khoảng 4 triệu USD, được vận chuyển đến TP.HCM và lắp ráp xong từ tháng 3 ở độ sâu 17 m trong lòng đất, tại nhà ga Ba Son, quận 1.
Đến ngày 26/5, đơn vị thi công tiến hành khoan TBM gói thầu số 1B “Xây dựng đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố”, thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Sau gần 5 tháng vận hành, robot hiện đại đã khoan được hơn 700 m trong tổng số đường hầm dài 781 m kết nối 2 nhà ga.
Ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Trưởng đại diện Tập đoàn Shimizu tại Việt Nam, cho biết trung bình mỗi ngày nhà thầu thi công đào được khoảng hơn 10 m hầm. Quá trình khoan tới đâu các vỏ hầm hình cung bằng bê tông cốt thép đúc sẵn được chuyển xuống từng đợt 6 cái, mỗi tấm dài 1,2 m nặng khoảng 2,5 đến 3 tấn.
Phía dưới độ sâu 17 m của nhà ga Ba Son xe chuyên dụng di chuyển trên đường ray vận chuyển các tấm vỏ hầm vào bên trong sau khi các vỏ trước đó đã được lắp ráp xong.
Những chiếc đinh vít hình cung để gắn kết hai tấm vỏ với nhau được chuẩn bị sẵn trước khi lắp. Mỗi tấm bê tông nặng hàng tấn đều đúc sẵn lỗ vít gắn móc cẩu.
Hệ thống cần cẩu điều khiển bằng tay sẽ đưa các tấm vỏ vào vị trí chuẩn bị lắp.
Các kỹ sư, công nhân vận hành máy đào hầm cho biết mặc dù hoạt động thi công bằng robot nhưng các thao tác đều phải thận trọng để đảm bảo an toàn, vận hành trơn tru.
Sau khi đào khoảng hở 1,2 m, các vỏ hầm sẽ lần lượt được một máy cẩu ngang bên trong đưa vào vị trí các kích thủy lực đặt sẵn để lắp ráp rồi mới tiếp tục khoan.
Sau khi được lắp khớp vào nhau, các tấm bê tông của một vòng hầm và vòng lắp trước đó được nối với nhau bằng đinh vít hình vòng cung.
Nhìn tổng thể vách hầm các tấm bê tông được sắp so le với nhau và có rất nhiều đinh vít liên kết chúng lại một cách chắc chắn. Bên ngoài khi máy vừa đào vừa được lấp vữa nên nước không thấm vào bên trong các tấm vỏ.
Trong quá trình đào đất, lắp vỏ hầm trung tâm điều khiển hiển thị các thông số kỹ thuật để kỹ sư theo dõi.
Tổ hợp máy đào dài 70 m này có hệ thống máy móc hiện đại, không gian bên trong hầm chỉ rộng với đường kính ngoài vỏ hầm 6,65 m, đường kính trong 6,05 m nên các thiết bị được thiết kế rất gọn gàng.
Hệ thống vòi đưa bùn đất ra ngoài dài theo chiều dài của tuyến hầm được lắp thêm bơm chuyển tiếp tại đoạn giữa. Theo đại diện nhà thầu, trong quá trình đào luôn đảm bảo kín tuyệt đối, sẽ không có nước tràn từ bên ngoài vào. Dọc theo tuyến đường hầm nhà thầu đặt hàng nghìn điểm quan trắc. "Hiện tại các thông số đo đạc rất khả quan, độ lún trên mặt đường là 2 mm, các tòa nhà xung quanh hầu như không có ảnh hưởng nào. Hy vọng đường hầm thứ 2 cũng có kết quả khả quan như vậy", ông Quốc cho biết thêm.
Trong quá trình đào, đất được chuyển băng tải guồng và nghiền xay đất thành bùn lỏng. Tiếp theo là qua các hệ thống lọc sẽ tách lấy nước để dùng lại cho mục đích thi công và đất cát sẽ chuyển đi ra khỏi công trường và có thể dùng trong xây dựng.
Bên dưới công trường mọi trao đổi với bên ngoài chỉ có thể dùng điện thoại dây để làm việc. Với đặc thù đào, lắp tự động nên mỗi ngày chỉ có 30 kỹ sư, công nhân làm việc, chia thành 2 ca.
Mặc dù các loại máy móc hoạt động liên tục ở độ sâu theo chiều dài hầm đến hơn 700 m nhưng nhiệt độ luôn được đảm bảo ở mức tốt nhất để thi công.
Đường ống thông gió lớn đưa khí sạch từ bên ngoài vào tạo không gian luôn thông thoáng. Đường hầm thứ nhất có độ sâu từ 10-27 m đi xuống tầng thứ 4 của ga Nhà hát thành phố (ga Nhà hát thành phố được xây dựng 4 tầng dưới lòng đất), đường hầm thứ hai thi công sau sẽ đào cạn hơn và kết nối vào tầng thứ hai của ga này.
Hệ thống camera quan sát được lắp ở nhiều vị trí trong đường hầm để theo dõi quá trình thi công, nhanh chóng phát hiện xử lý sự cố nếu xảy ra.
Theo đơn vị thi công, hiện tại máy đã đào tới đường Đồng Khởi, tiệm cận với Nhà hát thành phố. Đến cuối tháng 10 này việc đào đường hầm đầu tiên sẽ hoàn tất, sau đó máy sẽ được tháo ra, đem ngược trở lại ga Ba Son lắp ráp và chuẩn bị cho việc đào đường hầm thứ 2. Việc tháo và lắp máy đào sẽ diễn ra trong vòng 4 tháng.
Đại diện nhà thầu Shimizu hy vọng sau Tết Nguyên đán sẽ khởi động đào đường hầm mới. Công việc hiện tại đang rất khẩn trương nhưng các đơn vị luôn thận trọng để vừa đảm bảo an toàn vừa đúng tiến độ đề ra. Dự trù cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2018 đường hầm thứ 2 sẽ được hoàn tất, tổng thời gian thi công hai đường hầm này khoảng 1 năm, kể cả thời gian tháo lắp thiết bị.
Tuyến hầm metro từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son.
Công trình thi công xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TP.HCM đến ga Ba Son thuộc gói thầu số 1b do liên danh nhà thầu Shimizu - Meada (Nhật) thi công. Gói thầu gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315 m (hầm khoan dài 781 m và hầm đào hở dài 534 m). Theo thiết kế, nhà ga Nhà hát thành phố có độ sâu 40 m, dài 190 m, gồm 4 tầng trong lòng đất.
Dự án tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TP.HCM, tổng vốn 2,49 tỷ USD) dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, công trình có khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Công trình khởi công từ tháng 8/2012. Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cam kết sẽ xây dựng xong toàn bộ 5 gói thầu tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ, đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020.
Robot có khả năng làm việc 24/24 và đào được 12 m/ngày, không bị ảnh hưởng thời tiết, việc đào, vận chuyển đất và tạo ra lớp vỏ hầm được thực hiện trong một quy trình khép kín.
Thiết bị đào ngầm robot TBM hiện đại từ Nhật Bản có tổng chiều dài 70 m, nặng 300 tấn đang được đơn vị thi công lắp ráp để đào đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố.