Hiện trường vụ lở đất ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Nhóm điều tra của chính phủ Trung Quốc về vụ lở đất tại Thâm Quyến cho hay, thảm họa xảy ra do chất thải xây dựng tại bãi chứa ở khu công nghiệp đổ xuống chứ không phải hoạt động địa chất tự nhiên, Reuters đưa tin.
“Những tổ chức có trách nhiệm sẽ bị trừng phạt theo quy định”, tuyên bố được đăng trên trang web của chính phủ ngày 25/12.
Thảm họa do con người gây ra này làm dấy lên những câu hỏi về tiêu chuẩn an toàn công nghiệp tại Trung Quốc và những yếu kém trong việc giám sát dẫn tới tai nạn chết người. Đây là hậu quả của việc tăng trưởng kinh tế quá nóng quốc gia này.
“Nhà chức trách cần xác định những hóa chất nguy hiểm bị chôn vùi trong đất và tìm giải pháp xử lý. Giới chức chưa phát hiện bằng chứng cho thấy nước hoặc không khí trong khu vực bị ô nhiễm”, Yang Shengjun, cục trưởng Cục Phát triển Nông thôn – đô thị và Nhà ở tại Thâm Quyến, cho hay.
Công ty phát triển đầu tư Yixianglong Thâm Quyến, công ty quản lý các bãi đổ rác, đã bị buộc dừng hoạt động 4 ngày trước khi thảm họa xảy ra. Theo Tân Hoa xã, bãi chứa chất thải này đã hoạt động quá hạn đóng cửa 10 tháng, giúp công ty Yixianglong thu về khoảng 7,5 triệu nhân dân tệ (1,16 triệu USD).
Đến ngày 25/12, khoảng 5.000 người và 700 máy xúc, máy ủi tham gia cứu hộ tại hiện trường vụ lở đất. Sáng 23/12, lực lượng cứu hộ phát hiện hai người sống sót, tuy nhiên một người tử vong sau khi tới bệnh viện, hiện 75 người vẫn mất tích.
Trước đó, báo cáo ban đầu của nhóm chuyên gia địa chất thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên, cho biết lở đất tại khu công nghiệp Liuxi ở Thâm Quyến là do quản lý chất thải từ khu vực xây dựng không đúng quy cách.
"Tại bãi chứa rác thải xây dựng, sự tích tụ quá lớn và dốc khiến phần đất mất ổn định và xói lở, làm nhiều nhà cao tầng bị sập", nhóm chuyên gia nhận định.