Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết đến nay, cơ quan chức năng các địa phương đã triệu tập hơn 170 người đăng tải các thông tin sai sự thật về dịch virus corona. Như vậy, số người tung tin thất thiệt lớn gấp 13 lần số người nhiễm virus tại Việt Nam.
Dù nhiều trường hợp đưa tin sai bị công an xử phạt và công khai thông tin, tình trạng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh corona vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia lo ngại tình trạng này vừa tác động xấu đến việc tiếp nhận thông tin của người dân, vừa làm khó cho cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch.
Gây khiếp hãi cho đám đông
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS xã hội học Trịnh Hoà Bình nhận định các đối tượng lợi dụng dư luận xã hội đang quan tâm, lo lắng đến tình hình dịch bệnh virus corona để tung tin thất thiệt với nhiều mục đích khác nhau.
Một người dùng mạng phao tin có người tử vong vì dịch corona dù Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào. |
"Trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây hoang mang trong xã hội", ông Bình phân tích.
Bên cạnh đó, rất đông trong số này bị tác động bởi tâm thế đám đông, sẵn sàng chia sẻ các thông tin bịa đặt, nhảm nhí dù chính bản thân họ cũng không biết thông tin đó từ đâu ra.
"Có người vô ý thức, phao tin giả để đùa cợt, tuy nhiên cũng có một số đối tượng phát tán các thông tin sai có mục đích vụ lợi cho bản thân", ông Bình nói.
Một số người kinh doanh, bán hàng trên mạng thường lợi dụng sự nhiễu loạn thông tin giữa dịch bệnh để phao tin nhảm, nhằm câu like, view, tăng tương tác trên mạng xã hội. Mục đích của việc này là thu hút thêm khách hàng vào trang cá nhân, mưu lợi bất chính.
"Điều đáng lo là những tin tức chết chóc gây hoang mang, khiếp hãi, hỗn loạn trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Chính vì thế, các đối tượng này rất thích phao tin có người chết, hay dương tính với virus", ông Bình nói.
Hà Nội hiện chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào vì virus nCoV. Ảnh: Hồng Quang. |
Người nổi tiếng cũng tham gia
Đáng buồn hơn, nhiều người nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng cũng tuyên truyền những thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh. Các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân đã bị các cơ quan chức năng mời lên làm việc và có các biện pháp nhắc nhở, xử lý.
TS tâm lý học Khuất Thu Hồng cho rằng đôi khi họ không có dụng ý phá hoại, đơn giản chỉ muốn thông tin cho cộng đồng, nhưng lại vô trách nhiệm, không kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.
"Với những nghệ sĩ, những nhân vật có ảnh hưởng và có nhiều người hâm mộ, theo dõi, thông tin họ phát đi thường được đón nhận bởi hàng triệu người, gây tác động nguy hiểm hơn nhiều so với người thường", TS Hồng nói.
Tin thất thiệt, chưa kiểm chứng được các nghệ sĩ nổi tiếng phát tán trên mạng xã hội. |
Theo bà, không chỉ làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh, khiến dân chúng sợ hãi, những thông tin bịa đặt trong bối cảnh dịch bệnh còn ảnh hưởng đến việc tuyên truyền của chính quyền, làm lệch lạc nhận thức của người dân về dịch bệnh.
"Như việc làm dân chúng lo lắng sẽ khiến họ đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay, làm khan hiếm hàng hóa, mất trật tự xã hội. Việc tung tin người chết, số ca dương tính ở những khu vực nhất định sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực đó, khiến họ bất an, lo sợ", bà Hồng phân tích.
TS Trịnh Hòa Bình thì nhấn mạnh các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền.
Ông đề nghị mỗi người dùng mạng, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trước khi đăng tải bất cứ thông tin gì đều cần kiểm chứng từ các nguồn của cơ quan có thẩm quyền trong vấn đề đó.
Không những thế cơ quan chức năng cần phải làm ráo riết, mạnh tay hơn nữa trước thực trang tin xuyên tạc, bịa đặt tràn lan trên mạng, nhất là các mạng xã hội.
"Hàng trăm trường hợp đã bị xử lý, nhưng vẫn có nhiều người không sợ, vẫn tiếp tục phát tán tin bịa đặt. Một phần do nhận thức kém, một phần họ nghĩ nhiều người đăng tin giả như vậy, cơ quan chức năng sẽ không tìm ra mình", ông Bình nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.