Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Livestream tại phiên tòa có thể bị phạt tới 30 triệu

Nếu ghi âm, ghi hình hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp lên mạng, nhà báo có thể bị phạt 15-30 triệu đồng.

Sáng 15/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nêu thực tế xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy các hành vi cản trở xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền là cần thiết.

Nha bao livestream phien toa co the bi phat toi 30 trieu anh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ ý kiến một số đại biểu về Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Ảnh: Quốc hội.

Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định mức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, còn với tổ chức đến 80 triệu đồng.

Liên quan đến hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp, hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với hành vi nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Ngoài ra, nhà báo có thể bị phạt tiền 7-15 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ được áp dụng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các hình thức xử phạt bổ sung, trong đó có tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cùng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Giải trình làm rõ thêm một số băn khoăn của đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tập trung lý giải nguyên nhân vi phạm trong lĩnh vực tư pháp phải xử phạt nặng hơn so với hành vi thông thường.

Ông lấy hàng loạt dẫn chứng như việc đánh người gây thương tích bên ngoài thì xử phạt bình thường theo quy định trong luật hình sự, nhưng công an đánh người là hành vi quá nặng, buộc phải xử nặng hơn. Hay hành vi làm hồ sơ, giấy tờ giả, trong trường hợp bình thường thì xử lý nhẹ hơn, nhưng nếu cơ quan tố tụng làm sai hồ sơ, đây lại là câu chuyện liên quan đến công quyền, đến sinh mạng của con người. Vì thế, vi phạm này phải xử nặng hơn nhiều so với thông thường.

Về thắc mắc mức phạt quy định trong dự thảo Pháp lệnh có quá nặng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định các mức này đều theo quy định trong khung. Các mức phạt được chia làm 3 khung, trong đó mức tối đa cũng nằm trong giới hạn của pháp lệnh, không vượt quá luật.

Chưa có bằng, nữ tài xế vừa lái xe vừa livestream khiến một người chết

Bà Ngô Thị Thương - người lái ôtô đi trên đường ở Lâm Đồng va chạm vào xe máy cùng xe đạp điện khiến nữ sinh ngã xuống và tử vong, được xác định không có bằng lái xe.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm