Liverpool không cần đợi đến trận quyết đấu với Man City ở vòng tới, khi chính đối thủ nhận thất bại 1-2 trước Chelsea và dâng chiếc cúp vô địch cho thầy trò huấn luyện viên Juergen Klopp.
Đúng 3 thập niên, "The Kops" mới trở lại vị thế của đội bóng mạnh nhất xứ sở sương mù.
Liverpool vô địch sớm trước 7 vòng đấu. Ảnh: Bleacher Report. |
Đã có lúc 4 tuần dài bằng nửa thế kỷ
"24 years since anything like this... 4 weeks, 4 games, 24 years. It maybe, it really maybe…". Đó chính xác là những gì mà bình luận viên SkyTV đã thốt lên sau trận Liverpool thắng Man City 3-2 vào ngày 13/04/2014. "24 năm rồi mới chứng kiến lại một điều gì như thế… 4 tuần, 4 trận nữa thôi, và 24 năm. Gần lắm rồi, thực sự gần lắm rồi". Có chút gì thổn thức lắm từ giọng vang lên ấy và nó chắc cũng nằm lại trong trí nhớ của không ít người.
Tuy nhiên, cũng chỉ sau phút thổn thức kia của bình luận viên SkyTV có 2 tuần thôi, cú trượt chân định mệnh của Steven Gerrard đã khiến mọi thứ đều sụp đổ. Sự sụp đổ ấy giống y như sự sụp đổ thể lý của một tiền vệ tài hoa bậc nhất nước Anh trên sân cỏ. Nó mỉa mai, nó ám ảnh, nó cay đắng và trớ trêu như thể số mệnh đang nhe răng cười ngạo nghễ trêu chọc những ai yêu màu áo đỏ Merseyside. 4 tuần kia trở nên dài dằng dặc, dài như nửa thế kỷ, dài như chẳng bao giờ tới đích.
Và đằng sau cú ngã của Gerrard, bắt đầu là những mỉa mai của những cổ động viên các đội bóng kình địch. Chưa bao giờ, bóng đá cho thấy cái tàn nhẫn rất thực của cuộc đời như thời điểm đó.
Bất chấp việc Gerrard chính là cầu thủ hay nhất của Liverpool và thậm chí là hay nhất Premier League ở mùa giải 2013/2014, vẫn có kẻ mang cú ngã định mệnh của anh ra để làm trò đùa. Để rồi chính anh phải thừa nhận rằng 3 tháng hè 2014 chính là 3 tháng tồi tệ nhất từng phải kinh qua.
Rồi Gerrard cũng ra đi, Luis Suarez cũng bỏ đi, và cả Brendan Rogers, người từng được truyền thông Anh ca ngợi là "trình diễn thứ tiqui-taca Ăng lê", cũng ra đi. Juergen Klopp tới, với hoài nghi cũng có. Bên cạnh những cổ động viên Liverpool tin tưởng vào sức sống từ nước Đức, vẫn có những người cho rằng Klopp chỉ là phần nhỏ của giải pháp.
Cú trượt chân định mệnh của Steven Gerrard đã khiến mọi thứ đều sụp đổ. Ảnh: Getty Images. |
Cơ bản nhất, Liverpool vẫn cần một nhà đầu tư mạnh tay như kiểu Chelsea hay Man City. Thời đại đã bắt đầu tạo ra lối suy nghĩ rằng có thứ bóng đá có thể được tạo ra chỉ bằng tiền. Và vì đó là sản phẩm của thời đại, khó có thể trách những ai từng mang hoài nghi như thế.
Rồi cũng có lúc những người hoài nghi từng tự tin rằng hoài nghi của mình có cơ sở khi ở cuối mùa giải đầu tiên với Liverpool (2015/16), Klopp không thể đưa đội bóng giành lấy vé Champions League. Tuy nhiên thực tế, mùa giải ấy mới chỉ là khởi đầu, khi mảnh ghép đầu tiên được Klopp mang về Anfield.
Mảnh ghép mang tên Firmino quả thực là đại diện tiêu biểu cho Liverpool của thời đại này, là biểu trưng của bóng đá kiểu Juergen Klopp. Đơn giản, Firmino luôn có khuôn mặt tươi rói với nụ cười thiện cảm. Bắt đầu từ đó, ở Anfield có bóng dáng nụ cười.
Rồi lần lượt từng mùa hè kế tiếp là từng cái tên mới. Hè 2016 là Mane và Wijnaldum. Hè 2017 là Van Dijk và Mohamed Salah. Hè 2018 là Alisson, Keita và Fabinho. Bộ khung đã hình thành. Cái trục đã chắc chắn. Liverpool đã có hàng công ở tầm vóc "world-class", một hàng thủ được chỉ huy bởi trung vệ hay nhất thế giới thời điểm này và một hàng tiền vệ đều về chất lượng, giàu tính cạnh tranh.
Tuy nhiên ít ai để ý, Klopp làm việc đó kéo dài trong bao nhiêu mùa hè? Đó là 4 năm. 4 năm ấy trôi nhanh như chỉ 4 ngày trong khi 4 tuần của năm 2014 kia lại từng cho cảm giác dài như nửa thế kỷ.
Đúng là bóng đá, và "bạn sẽ không thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong bóng đá". Có lúc, những thứ không đoán biết trước ấy khiến người ta cảm giác thời gian là mệt mỏi, chán chường, buồn nản và ê chề. Nhưng lại đôi khi, chúng làm cho người ta ngoái lại nhìn thấy cả đời người chỉ trong chớp mắt.
Tinh thần Klopp, tinh thần cam kết
Bây giờ, số cổ động viên nghi ngờ Klopp có lẽ đã về cán đích con số 0. Theo thống kê, đa số người mua áo đấu Liverpool có in tên đã lựa chọn tên của Klopp hơn là tên của một danh thủ, hay huyền thoại nào đó.
Điều đó lý giải một cách rõ ràng rằng dù Mane, Salah, Firmino, Van Dijk… có là ngôi sao lẫy lừng đi nữa, thì họ cũng không thể vượt qua thứ hào quang của Klopp. Đơn giản, hình ảnh của ông, nụ cười đó, cặp kính mắt đó, lối biểu hiện quên hết thảy mọi thứ bên đường biên chính là thứ mà CĐV Liverpool đã kiếm tìm, đã thấy và đã quen rồi. Với họ, không có hình ảnh này, coi như Liverpool… chưa lâm trận.
HLV Klopp mang luồng gió mới về sân Anfield. Ảnh: Getty Images. |
Jamie Carragher, một cựu binh tên tuổi của Liverpool từng kể rằng trong một trận đấu giao hữu từ thiện với CLB Sydney sau mùa giải mà thành phần đội bóng toàn các lão tướng của Liverpool, Klopp đã hành xử cực "dị", khiến Carragher phải ngợp. Hết hiệp 1, Liverpool dẫn 2-0, coi như thắng chắc.
Vậy mà Klopp vẫn lao vào "như ăn thịt" trọng tài chỉ vì ông ta bỏ qua một quả penalty mười mươi cho đội của mình. "Tôi vốn là kẻ vô cùng cạnh tranh. Nhưng ông ta ở một đẳng khác hẳn", Carraghe nhớ lại.
Chính thứ năng lượng ấy mới là nguồn cảm hứng cho Liverpool có được những gì hôm nay. Còn nhớ, chỉ một năm trước thôi, thất bại sít sao trước Man City trong cuộc đua ngôi vô địch Premier League đã được Klopp đón nhận như thế nào.
"Go again" (chiến tiếp), ông đã lặp lại cái mệnh lệnh đó 3 lần trong cuộc họp báo cuối cùng của mùa giải. Điều đó có nghĩa là ông tin vào khả năng thắng cuộc của đoàn quân mình cầm trong tay. Tuy nhiên, ông chấp nhận thất bại trước đối thủ chứ không phải đổ lỗi cho một điều gì đó từ cụ thể cho tới mơ hồ. Ông nghĩ tới việc đứng dậy trước đã. Tất nhiên, quân của ông sẽ phải đứng dậy khi "nguồn năng lượng" của cả CLB đã đứng dậy.
Cách đứng dậy của Klopp cũng đáng nói tới. Sau mùa giải 2016/17, khi Liverpool chỉ về đích thứ tư trên bảng xếp hạng, ông tham dự buổi tiệc mà không hề nhắc tới việc họ đã đi qua mùa bóng như thế nào. Ông chỉ ôm lấy các học trò, "high-five" với họ để chúc mừng họ đã trải qua một "năm làm việc" sát cánh với mình.
Thực tế, không ít HLV sẽ thích mổ xẻ những thất bại đã qua. Điều đó không sai, thậm chí tốt là khác. Tuy nhiên, nhắc đi nhắc lại về thất bại sẽ chỉ làm tinh thần uể oải hơn. "Chiến tiếp" mới là điều những cầu thủ cần nghe thấy. Vì họ hiểu: "Trong bóng đá, bạn sẽ không thể biết điều gì xảy ra cả".
Nhắc đến mùa giải 2016/17, phải thừa nhận suất dự Champions League mà Liverpool giành được khi mùa giải kết thúc quan trọng vô cùng. Đó là suất Champions League thứ 2 của họ kể từ năm 2010. Nó đánh dấu một hình ảnh khác, một hình ảnh một đội bóng bắt đầu đặt mình trở lại vào sân chơi của những đội bóng hàng đầu ở châu lục.
Đây chính là thứ đánh vào ý thức tự tôn và cái tôi của các cầu thủ. Họ phải khác nếu muốn được coi là ở đẳng cấp khác. Và cũng chính các cuộc từng trải ở Champions League đã dẫn họ đến ngôi vô địch ở Madrid trước Tottenham năm 2019, chức vô địch báo hiệu kỷ nguyên mới của "The Kop" đã bắt đầu.
Sự kiên định của HLV Klopp là tiền đề để thành công. Ảnh: Football. |
Dù vậy, một điều chúng ta không thể không ghi nhận chính là tinh thần cam kết mà Klopp đã xây dựng được với giới chủ CLB hay cụ thể hơn là với tập đoàn Fenway Sports Group (FSG). Suốt từ tháng 3 cho tới tháng 8/2016, SinoFortone, một nhà đầu tư từ Trung Quốc đã liên tục hỏi mua một phần cổ phần của Liverpool. Họ sẵn lòng trả hàng trăm triệu bảng cho phần cổ phần ấy. Từng có những người kỳ vọng khối tiền từ nhà đầu tư kỳ vọng kia có thể mang lại cho Liverpool tư thế "tay chơi chuyển nhượng" như Man City hay Chelsea đã từng.
Tuy nhiên, Klopp đã có thông điệp trực tiếp tới giới chủ FSG rằng "tôi tin vào các ngài nên tôi mới lựa chọn đến CLB này". Nó như một cảnh báo rằng giữa họ là cam kết với nhau, giữa cầu thủ và Liverpool là một cam kết mà không phải ai có tiền cũng có thể chen chân vào giữa cam kết đó.
Và Mike Gordon, một trong những nhân vật chủ chốt của FSG, đã phải thừa nhận Klopp nói đúng. "Chúng tôi chọn lựa nhau vì tin tưởng nhau", Gordon hiểu cái niềm tin ấy là phải chính danh và hơn hết, từ trong cam kết, giới chủ ở FSG nắm bắt được "chính ông ấy, Klopp, mới là người mang lại niềm hi vọng cho CĐV đội nhà".
Chú cồng cộc đỏ đứng đợi đó đã lâu rồi
Trên ngực áo Liverpool là hình ảnh chú chim "liver" biểu tượng của thành phố. Nhiều người cứ tưởng tượng đó là con sếu nhưng thực tế, nó chính là loài cồng cộc. Loài chim ấy có thể chờ đợi rất lâu, rất kỹ cho một cuộc săn mồi nhưng một khi nó đã ra đòn thì "không trượt phát nào".
Và cồng cộc là loại chim có thể dám ăn cả những con cá lớn tới mức người ta nhìn vào tưởng chừng nó không nuốt nổi. Con cồng cộc đỏ trên ngực áo Liverpool đứng mãi đó đợi đã lâu rồi. Hôm nay, nó chính thức bắt đầu cuộc săn của mình.
Sau chức vô địch Champions League, Liverpool băng băng trên đường chạy như thể họ đang dùng một thứ năng lượng khác hẳn với các đội bóng còn lại của Premier League. Pep Guardiola còn phải thừa nhận rằng trước một đối thủ chơi hiệu quả như thế (chỉ thua 1 và hoà 2 sau 31 vòng), thì việc Man City thua trong cuộc đua cũng là điều dễ hiểu.
Danh hiệu Champions League là sự khởi đầu. Ảnh: Getty Images. |
Chuỗi trận "kinh hoàng" ấy của Liverpool dường như là những cú táp cá của một con cồng cộc vậy. Khi nó đã chao mình để nhắm đến con mồi, khó mà thoát khỏi cảnh "không trượt phát nào".
Tất nhiên, nếu như không có dịch Covid-19, Liverpool có thể sẽ không vô địch sớm tới 7 vòng như thế này bởi chu kỳ tâm sinh lý của cầu thủ khi ấy sẽ khác. Tuy nhiên, khó ai có thể phủ nhận khả năng đăng quang của họ khi mà dàn cầu thủ ấy đã vào độ chín, triết lý của Klopp đã được thấm đẫm với đội bóng sau hơn 4 năm sát cánh bên nhau.
Tính nhất quán trong triết lý bóng đá là thứ thể hiện rõ nhất ở Liverpool của kỷ nguyên Klopp. Từng có nhiều tên tuổi lẫy lừng ở Anfield, nhiều bậc tài danh đã cùng họ giành những danh hiệu nhưng chưa ai để lại một cá tính, một biểu tượng và hơn hết là tính nhất quán như Klopp đã và đang làm được lúc này.
Giả như không có dịch Covid-19, giờ này ở Merseyside đã có một đại tiệc toàn thành phố. Thực sự, không có CĐV đội bóng nào khổ sở như CĐV "The Kop" cả.
30 năm đợi chờ với bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu kỳ vọng và mai mỉa. Để rồi khi họ chứng minh rằng mình là vua của bóng đá Anh, họ phải tự mừng với nhau ở mỗi góc riêng của mình. Từng góc riêng ấy chính là điều mà Mo Salah đã nói tới trên mạng xã hội của mình rằng “Cảm ơn tất cả CĐV đã theo dõi chúng tôi ở mọi góc, ngóc ngách trên thế giới”.
Không có gì buồn hơn khi niềm vui không được chia sẻ cùng nhau tận tay, tận mặt. Tuy nhiên, cũng như con cồng cộc, khi phải đơn độc, nó càng phải mạnh mẽ trong cuộc săn của mình.
Vòng đấu sau, họ sẽ ra sân trong tiếng vỗ tay chào đón của Man City và ở mọi ngóc ngách trên thế giới, những CĐV sẽ cùng cảm nhận niềm vui theo cách riêng. Họ sẽ để dành lại cảm xúc muốn sẻ chia cho mùa giải mới, khi mà "bình thường mới" đã được thiết lập và những con cồng cộc đỏ sẽ lại gọi đàn.
Điều giá trị lớn nhất mà chức vô địch đợi chờ 30 năm của Liverpool mang lại có lẽ chính là tính tương thích của nó với giai đoạn thế giới khủng hoảng vì dịch bệnh này.
"Go again", khẩu hiệu ấy của Klopp đã khiến Liverpool đứng dậy sau mỗi thất bại để chạm tay vào chức vô địch. Và mỗi chúng ta cũng sẽ phải "go again" sau giai đoạn đầy khốn khó bởi nếu không tự mình đứng dậy, không thể cảm nhận được giá trị của việc chiến đấu cho một mục đích là như thế nào.
"Trong bóng đá, bạn sẽ không thể biết điều gì xảy ra cả" chính là những gửi gắm của Jordan Henderson sau khi Liverpool lên ngôi. 30 năm ấy cũng chính là số tuổi của thủ quân này, người từng bị xem chỉ là loại cầu thủ làng nhàng khi mới đôi mươi, nhưng sau đó đã chứng minh mình mới là người làm nền cho hiệu quả.
Trong con người có đội bóng, trong đội bóng có con người. Phải chăng đó chính là Liverpool hôm nay, với tinh thần, năng lượng, sự nhiệt thành của Klopp, nụ cười của Firmino và sức nhẫn nại của Henderson?
"The Kop" chờ đợi 30 năm để hưởng quả ngọt. Ảnh: Reuters. |
"24 years since anything like this... 4 weeks, 4 games, 24 years. It maybe, it really maybe…" 6 năm trước, bình luận viên thốt lên câu này không phải là CĐV của Liverpool. Ông lại đang bình luận 1 trận Premier League nên càng phải trung dung.
Tuy nhiên, cái thổn thức của ông có lẽ cũng thể hiện phần nào mong muốn của những người Anh nói chung. Với họ, Liverpool luôn là một thế lực. Và họ mong mỏi thế lực ấy phải khôi phục lại được vương quyền. Đó là sự mong đợi vượt ra ngoài cả yêu-ghét vị kỷ. Bởi nếu Liverpool không trở lại ngai Vua bóng đá Anh, đó sẽ là trò đùa nghiệt ngã và tàn bạo nhất của số phận.
Còn bây giờ, ở Liverpool, người ta sẽ không phải đếm năm thêm nữa…