Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liverpool bẽ mặt vì 'cưỡi siêu xe nhưng vẫn đi xin bánh mì từ thiện'

Đội chủ sân Anfield tự làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt công chúng, bằng việc đi ngược lại những giá trị đạo đức mà CLB này thường hay rao giảng.

Hôm 7/4, ban lãnh đạo Liverpool tuyên bố rút lại quyết định xin tiền trợ cấp từ chính phủ, điều bị nhiều người ví von là "cưỡi siêu xe nhưng vẫn đi xin bánh mì từ thiện".

Liverpool anh 1

Liverpool bị các CĐV bản địa phản ứng dữ dội khi xin tiền trợ cấp của chính phủ để trả lương nhân viên. Ảnh: Getty.

Cơn thịnh nộ của các cổ động viên bản địa và dư luận Anh khiến Liverpool phải quay ngoắt 180 độ chỉ trong chưa đầy 48 giờ.

Hôm 4/4, Liverpool ra thông báo sẽ cho hơn một nửa nhân viên không trực tiếp làm công tác ra sân thi đấu nghỉ phép hoặc nghỉ việc tạm thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Các nhân viên nói trên vẫn nhận được 100% lương trong thời gian diễn ra nghỉ.

Tuy nhiên, "The Kop" dự tính chỉ trả 20% số tiền lương cho các nhân viên nói trên, 80% phần lương còn lại của các nhân viên sẽ đến từ quỹ trợ cấp của chính phủ Anh trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Đội chủ sân Anfield ngay lập tức vướng phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía. Cựu trung vệ Jamie Carragher tuyên bố đây là động thái "đáng xấu hổ" của CLB vùng Merseyside.

Cựu tiền đạo Liverpool, Stan Collymore cho rằng hành động dùng tiền của chính phủ để chi trả cho nhân viên cho thấy sự ích kỷ của các ông chủ đội bóng. "Một CLB như Liverpool có lợi nhuận khổng lồ từ bóng đá, nhưng lại không muốn bỏ tiền túi ra để hỗ trợ nhân viên trong lúc khó khăn?", Collymore phân tích.

Vấn đề của Liverpool là họ chưa bao giờ coi mình là một CLB bóng đá bình thường, hay một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần. Trong mọi hoạt động bóng đá hay chiến dịch quảng bá hình ảnh, Liverpool luôn nhấn mạnh đến các giá trị lịch sử, truyền thống và tuyên bố "họ là CLB được xây dựng dựa trên các giá trị của cộng đồng".

Trong những nỗ lực xây dựng thương hiệu và quảng báo hình trong nhiều năm nay, Liverpool đã sử dụng slogan "This mean more" với thông điệp "Liverpool có ý nghĩa hơn cả một đội bóng".

6 tháng trước, khi được hỏi về sự khác biệt giữa Liverpool với các đội bóng hàng đầu khác của ở châu Âu, Giám đốc điều hành Liverpool Peter Moore cho biết: "Chúng tôi có nhân vật lịch sử tuyệt vời này, ông ấy tên là Bill Shankly, một cầu thủ, một HLV và trên hết là một nhà hoạt động xã hội và luôn nghĩ tới lợi ích của cộng đồng".

Liverpool anh 2

Slogan với thông điệp "Liverpool có ý nghĩa hơn cả một đội bóng" được viết bên ngoài sân Anfield. Ảnh: Getty.

"Ngay cả khi bóng đá ngày nay đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh với hàng tỷ USD lợi nhuận, chúng tôi luôn tự hỏi bản thân: 'Shankly sẽ làm gì?'" - Peter Moore khẳng định.

Nếu sống lại, Bill Shankly, HLV đã đặt nền móng cho Liverpool thống trị châu Âu trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước sẽ làm gì trong cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh hiện tại?

Guardian bình luận rằng câu trả lời rất đơn giản: Shankly sẽ không để một đội bóng đang đứng thứ 7 trong danh sách các CLB bóng đá giàu nhất hành tinh lấy đi 1,3 triệu USD tiền thuế của người dân. Đó là số tiền Liverpool có thể tiết kiệm nếu chỉ trả 20% lương cho nhân viên trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Một CLB có quỹ lương hơn 380 triệu USD, đã chi gần 50 triệu USD tiền hoa hồng cho các tay cò cầu thủ năm ngoái không thể ngửa tay xin tiền thuế của cộng đồng, chỉ để giúp các ông chủ đội bóng tiết kiệm thêm vài triệu USD.

BBC dẫn lời một nhân viên giấu tên làm việc cho Liverpool nhận xét: "CLB này thường rao giảng những thứ gọi là gia đình, đoàn kết ở CLB. Giờ thì tôi không cảm thấy thế. CLB kiếm được hàng tỷ bảng mỗi năm lại quyết định sử dụng tiền thuế của chính quyền để trả lương cho chúng tôi? Họ chỉ nghĩ đến bản thân mình".

Một nhân viên khác cho biết: "Tôi thật sự thất vọng, ngay cả Everton cũng không làm điều đó". Ngay cả khi Liverpool đã rút lại quyết định gây tranh cãi, những tổn hại về mặt hình ảnh mà đội bóng này phải nhận là không thể đong đếm được.

Liverpool đã phải nhận cái kết đắng khi tự biến mình thành một doanh nghiệp tư bản với những quyết định khô khốc về mặt tài chính trong giai đoạn khủng hoảng, trong khi từng kiếm tiền và gặt hái thành công nhờ việc rao giảng những giá trị cộng đồng.

Nguy cơ hỏng danh hiệu vô địch của Liverpool Liverpool đang tiến gần để nâng chiếc cúp Premier League. Họ cần 6 điểm nữa để trở thành nhà vô địch nước Anh, nhưng 30 năm chờ đợi có thể bị dịch bệnh phá hỏng.

Liverpool bị chỉ trích khi xin tiền trợ cấp

Đội chủ sân Anfield vướng phải làn sóng phản đối từ CĐV và truyền thông Anh sau quyết định xin tiền trợ cấp trả lương 100% cho các nhân viên trong thời gian dịch bệnh xảy ra.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm