Lionel Messi đang lo lắng. World Cup 2018 là cơ hội cuối để anh tìm kiếm sự minh định trong lịch sử bởi người ta vẫn nói, “Messi không vĩ đại nhất, vì không vô địch World Cup".
Khi bước ra Maracana vào buổi tối tháng 7/2014 trong trận chung kết World Cup 2014 giữa Đức và Argentina, Lionel Messi đã sẵn sàng đón nhận khoảnh khắc chói lọi nhất cuộc đời.
Người ta nói, “Messi không bao giờ vĩ đại nhất thế giới, vì anh ta không vô địch World Cup”. Thì đây, chỉ cần một chiến thắng nữa, thời khắc anh nhận lấy chiếc Cúp vàng cũng là lễ tấn phong anh lên bậc thánh, đưa anh lên chung hàng ngũ với Diego Maradona và Pele.
Và rồi, như tất cả đã biết, nó không xảy ra. Phút 113, Mario Goetze thoát xuống, khống chế trái bóng bằng ngực và volley chéo góc ghi bàn quyết định. Ở đâu đó giữa sân, Messi chết lặng. Phút 120+3, La Pulga thực hiện quả phạt từ khoảng cách 26 m. Nó hoàn toàn thiếu chính xác. Anh ngửa mặt lên trời và thở dài, biết rằng đã phung phí cơ hội cuối.
Trước đó ở phút 47, đội trưởng của Albiceleste cũng ném đi một cơ hội tuyệt vời. Mọi thứ đã rất hoàn hảo, từ lúc phá bẫy việt vị, tăng tốc và đối mặt với thủ thành Manuel Neuer. Nhưng Messi tung cú dứt điểm chệch cột dọc. Nếu ở Barca, đó sẽ là bàn thắng. Nhưng đây là Argentina và World Cup.
Messi đã tiến gần tới chiếc Cúp Vàng hơn bao giờ hết, nhưng lại cúi đầu và lướt qua. Anh thậm chí không dám nhìn vào khoảng màu vàng nhức nhối ấy dù chỉ một lần.
Nỗi đau World Cup mãi mãi ám ảnh Messi. Trong lần trả lời phỏng vấn FIFA.com, anh mô tả nó như một vết thương mãi không liền sẹo, buộc phải sống chung và nó sẽ lại tấy lên mỗi khi nhớ về.
“Tôi đã không xem lại trận chung kết bởi nó chỉ đem lại nỗi thất vọng tột cùng, về cách bàn chân tiếp xúc với trái bóng, về các cú sút, về những cơ hội bỏ lỡ… Mọi thứ diễn ra không dễ dàng như nó có thể”, Messi tâm sự.
“Messi không bao giờ vĩ đại nhất thế giới, vì anh ta không vô địch World Cup”, người ta lại nói. Tất cả quên đi rằng Messi gần như một mình kéo Argentina vào chung kết, và rằng anh được trao Quả bóng vàng World Cup, một sự xác tín cho những đóng góp vô song.
Ở giải đấu trên đất Brazil, Messi tạo ra nhiều cơ hội hơn bất kỳ ai khác và chỉ Andrea Pirlo có nhiều đường chọc khe hơn anh. La Pulga cũng vô địch về số pha rê dắt bóng thành công - 46, tiến gần tới con số 50 của thiên tài Maradona tại World Cup 1986.
Nhưng Messi không bao giờ là Maradona, đương nhiên không được công nhận là vĩ đại nhất. “Vì anh ta không vô địch World Cup”.
Nhưng có nhất thiết phải vô địch World Cup để chứng minh sự vĩ đại? Nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, mệnh đề này có phần lố bịch. Bây giờ hãy đặt giả thiết, nếu Messi chơi rất tồi ở World Cup 2014, Goetze không ghi bàn, Argentina vào chung kết và giành chiến thắng, liệu La Pulga có được phong thần?
Không ai có thể trả lời.
Để trở thành vĩ đại cần phải trải qua một quá trình dài. Và khi nhìn lại những gì Messi đã làm cho Albiceleste, anh xứng đáng được tôn vinh hơn ai hết. Sau World Cup 2014, La Pulga đã dẫn dắt đội bóng tới 2 trận chung kết Copa America.
Và đừng quên, giấc mơ World Cup 2018 của Argentina suýt chút nữa tan tành ngay khi chưa bắt đầu nếu không có 3 kỳ công của Messi tại Quito, dưới bầu không khí loãng và tiếng la hét hoang dại của những người Ecuador.
Trong bóng đá, những giá trị xưa cũ thường có xu hướng được thần thánh hóa, đến mức hiện tại luôn trở nên nhỏ bé khi đặt cạnh bên. Và vô địch World Cup thật ra chỉ là một cái cớ được thêm vào, nhằm cản trở Messi được tôn vinh là vĩ đại nhất.
Hãy tin rằng, ngay cả khi đăng quang vào tháng 7 tới tại Nga, những tranh cãi vẫn sẽ tiếp diễn. Nó giống như việc Cristiano Ronaldo có được danh hiệu lớn cùng Bồ Đào Nha, nhưng nghi thức tấn phong vẫn chưa được tiến hành. Và CR7 tiếp tục bị so sánh với Messi, người vẫn chưa có gì.
Những kẻ nhiều chuyện sẵn sàng nhấn Ronaldo xuống đáy bùn đen nếu có cơ hội (như ở khoảng thời gian đen tối đầu mùa 2017/18). Đồng thời, họ cũng tìm ra đủ mọi lý do để bác bỏ tính chính danh của siêu sao này trong ngôi đền huyền thoại, như việc anh rời sân từ sớm ở trận chung kết Euro 2016 và người ghi bàn là Eder.
Trong nỗi khổ tâm này, hai đối thủ suốt đời, Messi và Ronaldo, có thể cùng chia sẻ và đồng cảm với nhau.
Messi không cần World Cup để minh định vị thế của mình trong thế giới bóng đá. Nhưng hỡi ôi, anh lại không thể giả vờ như những đòi hỏi kia không tồn tại. Nhất là khi ở Argentina, đã qua lâu rồi người dân nước này không được đón rước một danh hiệu, World Cup chẳng hạn.
Trong tác phẩm Tiếng ồn của thời gian được viết bởi nhà văn Anh Julian Barnes, nhân vật nhà soạn nhạc Dmitriy Shostakovich hoàn toàn đối lập với gu đại chúng thô thiển của số đông, nhưng không thể kháng cự, cuối cùng buộc phải từ bỏ quan điểm của mình về nghệ thuật để đổi lấy sự yên ổn. Messi cũng vậy. Anh buộc phải theo đuổi giấc mơ World Cup cùng với đám đông xứ Tango.
Có những lúc chán nản tột cùng, Messi quyết định từ giã đội tuyển quốc gia. Nhưng rồi tinh thần quốc gia, khao khát chiến thắng đã mang anh trở lại, khoác lên mình chiếc áo sọc trắng xanh một lần nữa.
Sau đó, ngày qua ngày, trận qua trận, rê dắt, tạo cơ hội rồi ghi bàn, La Pulga làm mọi cách để tỏa sáng trong mỗi dịp để kéo lê con tàu Albiceleste. Đôi khi có cảm giác ở đội bóng này chỉ một mình anh chiến đấu. Nhưng ai quan tâm chứ. Kể cả Jorge Sampaoli.
“Một khẩu súng gọi là World Cup đang kê sẵn vào đầu Messi. Nếu không vô địch, nó sẽ nổ và giết chết cậu ta”, Sampaoli nói. Đó là sự thật, và khi được nói bởi chính HLV trưởng, cũng có nghĩa ông ta gán trách nhiệm cho siêu sao 30 tuổi, đẩy anh ra đầu chiến tuyến.
Sampaoli cũng nói thêm rằng, “đây là đội của Messi”, để rồi cố gắng thiết lập hệ thống cũng như môi trường nhằm phục vụ La Pulga, bao gồm việc loại bỏ Paulo Dybala hay Mauro Icardi để tin dùng những cầu thủ giàu kinh nghiệm, tức đã cộng tác với Messi lâu năm.
Ngay cả Maradona huyền thoại cũng không chịu sức ép và bị khoác lên nhiều trọng trách nhiều như M10 hiện tại.
7 ngày trước khi World Cup 2018 khởi tranh, Argentina sẽ chơi trận giao hữu với Israel. Nó không xuất phát từ lý do chuyên môn. Chỉ đơn giản là để cầu may của LĐBĐ Argentina, bởi 32 năm trước, Maradona cùng đồng đội đã đánh bại Israel 7-2 tại Ramat Gan, sau đó bước vào World Cup và trở thành nhà vô địch. Nhân tiện, Messi cũng sẽ ghé vùng đất thánh Jerusalem để cầu nguyện. “Tôi tin rằng chuyến đi tới Israel khiến tâm trạng chúng tôi tốt hơn”, Messi nói hồi đầu tháng.
Anh đang lo lắng. Thực sự lo lắng, để cần một chút an tĩnh cho tâm hồn. Ở tuổi 30, và sẽ là 31 khi World Cup bắt đầu, Messi hiểu rõ đây là lần sau chót. Anh không thể phung phí nó như đã làm với cú sút lên trời cách đây 4 năm.
“Tôi cùng nhiều đồng đội khác không còn cơ hội nào khác để hoàn thành giấc mơ World Cup. Với người Argentina, vốn đã chờ đợi quá lâu, việc vào chung kết chẳng có ý nghĩa gì. Albiceleste phải là những nhà vô địch. Nếu không, chúng tôi sẽ lại bị cơn bão nhấn chìm”, anh nói.
Và đó là lúc để Messi đứng trước phút giây định mệnh, hoặc đi thẳng vào ngôi đền huyền thoại, hoặc nhận phát đạn được bắn đi bởi đám đông những kẻ hành quyết. Trước 2 lối rẽ được xác định, anh không được phép thất bại.
Chỉ có điều Messi không biết, bản thân không có gì phải chứng minh. Anh vốn đã bất tử và thành bại tại World Cup không làm thay đổi điều đó. Dù lục tung cả thế giới bóng đá cũng khó có thể tìm được ai đó như Messi, người làm được mọi thứ với trái bóng và ra sân để mang đến điều kỳ diệu. Rồi nhiều năm sau, một siêu sao nổi lên và người ta sẽ lại nói, không thể so sánh với Messi.
Như Barnes đã viết, "nghệ thuật là tiếng thầm của lịch sử, được nghe trên tiếng ồn của thời gian".