Khi Marcos Rojo sút tung lưới Nigeria và Messi nhảy vồ lên lưng hậu vệ MU trong niềm vui mừng khôn xiết, rất nhiều người bảo rằng Rojo đã gánh Messi vượt qua "cửa tử".
Phát biểu đó chính xác ở nghĩa đen của pha ăn mừng, lẫn nghĩa bóng của tình cảnh Albiceleste.
Nhưng trong một chốc suy tư nào đấy, hình ảnh Rojo cõng Messi trên lưng gợi nhớ chúng ta về cảnh tượng của lần đầu Messi chính thức ghi bàn trong màu áo đội một Barcelona, sau pha kiến tạo từ người đàn anh Ronaldinho. Siêu sao người Brazil cõng trên vai cậu em bé bỏng Messi, cả hai cùng tươi cười đầy phấn khởi, vẫy tay chào các khán đài.
Cùng là niềm vui nơi một con người, nhưng sau ngần ấy năm, Messi giờ đã khác. Cách chơi bóng thì vẫn vậy, nhưng cái hồn thì đã thay đổi. Đã không còn vẻ hồn nhiên, đầy tươi vui, hay tiếc nuối trong nụ cười cho một pha bóng bỏ lỡ nào đó. Giờ, là sự mệt mỏi, với gánh nặng cả dân tộc đặt lên vai.
Dưới màu áo Barcelona, là một con người khác; dưới màu áo Argentina, là một con người khác.
Hơn lúc nào hết, giải đấu trên đất Nga nhắc nhở chúng ta rằng, thiên tài cách mấy như Messi, cũng chỉ là con người. Anh không thể lúc nào cũng phải mang vác trọng trách to lớn một mình. Đôi lúc, những người đồng đội phải giúp lấy anh, hay cõng lấy anh trên vai. Như Rojo đã từng. Nói một cách cụ thể, để tìm thấy hình ảnh của một Messi tuyệt đỉnh trong màu áo Barcelona, hay chí ít chỉ là một nửa như thế, Argentina phải tạo ra một môi trường phù hợp với Messi. Đó không phải là sự phụ thuộc hoàn toàn vào Messi, mà là một hệ thống biết hỗ trợ Messi.
Cho dù Messi thực tế có thể làm được mọi thứ trên sân, nhưng điều này không có nghĩa rằng anh nên như thế. Messi không chỉ là một chân sút xuất sắc, không chỉ là một cầu thủ rê dắt bóng thượng hạng và không chỉ là một chân chuyền đỉnh cao mang đến cơ hội cho các đồng đội. Anh còn là một cầu thủ thông minh với tầm nhìn không tưởng mỗi khi lùi sâu chơi nơi hàng tiền vệ trong vai trò của một nhạc trưởng lối chơi. Người ta tin rằng, Messi thậm chí có thể trở thành Xavi.
Song, trở thành Xavi lại là thứ mà Messi không nên thử hoặc cố gắng để trở thành. Vì, với một thiên tài chơi bóng như Messi, anh sở hữu những phẩm chất khác tốt hơn nhiều và thuần thục hơn nhiều để đóng góp cho đội bóng mình khoác áo. Nói cách khác, là “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Messi hay nhất, hiệu quả nhất, khi anh được đặt gần vòng cấm địa đối phương, như chính Guardiola từng khẳng định.
Vị trí xuất phát trong sơ đồ chỉ là lý thuyết, bởi thực tế trên sân, dù có được xếp đá trong vòng cấm, hay dạt ra biên phải, tầm hoạt động nhiều nhất của Messi vẫn là lệch trái ở khu vực trung lộ trước vòng cấm đối thủ (hay trong thuật ngữ chiến thuật của người Đức là khu vực “hành lang trong” của cánh phải). Lý tưởng là như vậy, nhưng Messi luôn cần có sự hỗ trợ từ các đồng đội.
Ở Barcelona, anh có được mọi thứ. Một Dani Alves thường xuyên xuất hiện dọc biên phải hoặc bó vào trong để đập nhả và kéo dãn lớp phòng ngự đối phương. Một Jordi Alba lao đi như tên bắn phía bên kia cánh trái để sẵn sàng nhận lấy những pha lật bóng như đặt từ cái chân trái của mình.
Một Luis Suarez biết cách chạy cắt ngang mặt khung thành đối phương từ trái sang phải để hút hậu vệ và tạo ra khoảng trống cho anh tiến sát vòng cấm tung ra cú cứa lòng chân trái. Một Rakitic di chuyển miệt mài và cày ải ở tuyến giữa để anh được rảnh chân. Hay một Xavi với những đường chuyền sắc sảo đặt Messi vào một khoảng trống nào đó trước vòng cấm đối thủ.
Tất cả điều đó được xây dựng qua nhiều năm. Messi là sản phẩm được tạo ra trong môi trường Barcelona, anh ăn tập từ bé với những người đồng đội sau này cùng khoác áo đội một. Trong khi ở cấp đội tuyển, cho một giải đấu lớn như World Cup, các HLV không có đủ thời gian để tạo ra một môi trường đủ gắn kết như thế. Và Argentina cũng không phải là một ngoại lệ.
Để rồi, khi mang lý tưởng đó vào một môi trường chưa đủ hoàn thiện, cũng như thiếu đi những cá nhân đủ ưu tú như Messi có ở Barcelona, tất cả chỉ đơn giản là một sự nuông chiều về mặt lý thuyết. Messi vẫn được hoạt động ở những vị trí ưa thích trên sân, nhưng các đối thủ cũng đủ thấu hiểu và sự chuẩn bị để tạo ra chiếc lồng sắt cô lập anh, hoặc chặn đứng những nguồn hỗ trợ bóng cho cầu thủ mang áo số 10, như Iceland hoặc Croatia đã làm được.
May mắn thay, mất hai trận đấu để ngộ ra, trước Nigeria, Ever Banega có mặt trên sân ngay từ đầu. Không cần biết đó là sự lựa chọn của Jorge Sampaoli, hay là sự lựa chọn của “HLV Messi” - như báo chí miêu tả, điều quan trọng là tiền vệ của Sevilla đã giúp Messi không phải làm tất cả mọi thứ. Bàn thắng mở tỷ số trước Nigeria của Messi khẳng định sự cần thiết của một cầu thủ biết cách làm bóng nơi tuyến giữa trong đội hình Argentina. Khi Messi có một điểm tựa tin cậy và đủ xuất sắc ở bên dưới, anh trở về với vị trí ưa thích ở phía trên và phát huy những tố chất thiên tài của mình.
Một động tác lùi về rồi đột ngột tăng tốc về phía trước với tốc độ 34 km/h. Cái đùi trái đỡ lấy quả bóng đang bay với tốc độ 27 km/h, thêm một cú chạm bóng nữa bằng mui trên cũng từ cái chân thuận để đặt quả bóng gọn gàng sang chân phải và tung ra cú kết liễu. Những pha xử lý với chạm bóng dát vàng ấy mới chính xác là vũ khí mạnh nhất được nhìn thấy ở Messi.
Jorge Valdano, người từng ghi bàn trong chiến thắng 3-2 của Argentina trước tuyển Tây Đức ở chung kết World Cup 1986, cách đây vài ngày đã vạch ra một thực trạng đầy cay nghiệt của nền bóng đá Argentina. Một nền bóng đá mà đã bao năm qua, sự dũng cảm và máu lửa của đàn ông được coi trọng hơn sự hoa mỹ và nét mềm mại.
Nhưng nghịch lý thay, đấy lại là thứ quan trọng mà tập thể Argentina này đã phô ra để lách qua khe cửa hẹp trước Nigeria và tiến bước vào vòng 16 đội World Cup 2018. Và là thứ mà Messi cùng các đồng đội sẽ phải tiếp tục duy trì để tất cả khoan gạt tên Albiceleste khỏi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Phép nhiệm màu từ đôi chân của Messi đã lại phần nào có được đất diễn sau quãng thời gian bị kiềm hãm và lạc lối trước Iceland hay Croatia, nhưng tại một đấu trường khắc hoạ đậm nét yếu tố màu cờ sắc áo, cộng với yếu tố chiến thuật không thể hoàn toàn đạt mức độ hoàn hảo, tinh thần đóng vai trò quan trọng. Và tinh thần ấy, phải được bộc lộ qua những hành động trên sân.
Trước Nigeria, như chính Higuain đã khẳng định sau khi tiếng còi kết thúc vang lên, “chỉ có chiến thắng hoặc là cái chết”. Trước cửa tử, nếu không chiến đấu, thì còn đợi đến lúc nào! Điều ấy, không ngoại trừ cả Messi.
Những dòng tít to nhất và hình ảnh đặc sắc nhất có thể được dành cho Marcos Rojo. Nhưng với những ai đã chứng kiến những phút cuối cùng còn lại của trận đấu tại St. Petersburg, họ sẽ không thể không quên hình ảnh Messi rượt đuổi đối phương để đoạt lại quả bóng, quấy phá cầu thủ Nigeria, lăn xả quăng mình vào những cú tắc bóng. Anh chạy, anh săn đối thủ, anh làm tất cả những gì có thể trong thời khắc cuối cùng ấy chỉ để đảm bảo rằng Argentina của anh an toàn vượt qua lằn ranh sống chết, để ở lại thêm với nước Nga.
Đã từ rất lâu rồi, chúng ta cứ mãi so sánh giữa Messi và Ronaldo. Một người là biểu tượng cho phẩm chất thiên tài, mà từ khi sinh ra đã được ông trời ban cho tài năng. Còn một người là tấm gương hoàn hảo cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ đầy phi thường để vươn lên đỉnh cao. Gerard Pique luôn khẳng định rằng Messi không bao giờ phải cố gắng, phải nỗ lực, bởi người đồng đội của anh đến từ một thiên hà nào đó.
Nhưng ai cũng hiểu, đấy chỉ là một cách nói bóng bẩy từ Pique cũng như rất nhiều người khác nữa. 90 phút trước Nigeria, là bức tranh của nét chấm phá thiên tài trong những cú chạm bóng để kết liễu đối thủ ở bàn thắng mở tỷ số, cùng sự nỗ lực và tinh thần chiến đấu rất con người nơi Messi.
Con người Messi ấy, cũng trải qua những vấn đề như bất kỳ ai khác trên quả đất này. Đặt trong bối cảnh của nền bóng đá Argentina, là một áp lực khủng khiếp chỉ có Messi mới hiểu. Cây bút Rory Smith của tờ New York Times miêu tả rằng, “quãng thời gian hai tuần đã qua trên đất Nga, Messi như thể lạc lối, anh cô độc và bị stress.
Điều đó thể hiện rõ ràng qua những nếp nhăn nơi vùng trán của Messi khi quốc ca Argentina được vang lên trước trận đấu gặp Croatia. Anh từ chối tham gia buổi tiệc nướng mừng ngày lễ của cha do đội tuyển tổ chức ở Bronnitsy. Người vợ Antonella phải đăng thông điệp ủng hộ Messi trên Instagram; mẹ của anh, người vốn rất khép mình trước truyền thông, không phải chỉ một, mà đến hai lần lên tiếng vì con trai.”
Không quá khó hiểu và bí ẩn để hiểu tại sao Messi lại mắc phải những vấn đề về tâm lý như thế. Messi, 31 tuổi, được nhắc đi nhắc lại rằng đây sẽ là cơ hội cuối cùng để anh mang vinh quang về cho dân tộc. Chỉ có World Cup mới khiến anh đứng vào hàng ngũ những tượng đài bất khả xâm phạm của lịch sử bóng đá, không ít người tuyên bố như vậy. Với một tính cách luôn trầm lặng và sống nội tâm, Messi như con thuyền đang cố gắng vượt lên những cơn sóng dữ cuộn trào trong nỗi lòng.
Hồi giữa tháng 3 năm nay, trong một cuộc phỏng vấn với America TV, Messi nói: “Có những thứ quan trọng hơn kết quả. Đến cuối cùng, bóng đá cũng chỉ là một trò chơi, với đầy sự bất ngờ. Người hay nhất không phải lúc nào cũng giành chiến thắng. Tôi học được một điều rằng, bạn không thể lúc nào cũng có được điều mình muốn”.
Nhưng với một dân tộc mà giờ đây, trong mắt họ, bóng đá chỉ là thắng hoặc thua, cùng khát khao của 45 triệu con người đặt vào Messi và các đồng đội của anh, liệu bóng đá có đơn giản chỉ còn là một trò chơi? Nói như Jorge Valdano cách đây hai năm về trước, ngay trước thời điểm Argentina bước vào trận chung kết Copa America Centenario, thì Messi không thi đấu cho vinh quang, mà là để trả nợ, chỉ có chiến thắng mới là ái quốc.
Gerardo Salorio, một thành viên quan trọng trong quá trình phát triển của Messi, từng giữ một vị trí trong ban huấn luyện Argentina ở U20 Thế giới năm 2005, và sau đó là với đội tuyển quốc gia ở Đức kỳ World Cup 2006, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Goal, khẳng định rằng: “Chúng tôi muốn dạy Messi chơi bóng ở Argentina nghĩa là phải thế nào. Đó là ‘maldad’ (nghĩa là ‘hiểm ác’). Ở đây, bóng đá là cuộc đời, anh chơi bóng như cách anh sống. Nếu anh bao dung trong cuộc sống, anh cũng sẽ bao dung trên sân; nếu anh keo kiệt ở đời, anh sẽ càng keo kiệt hơn nữa trên sân. Với chúng tôi, chiến thắng là phần quan trọng của cuộc đời. Chúng tôi muốn Messi phải hiểu rằng, hoặc cậu ấy chết trên sân, hoặc cậu ấy cũng chết trên sân. Chỉ có chết mà thôi”.
Gần tròn 2 năm về trước, trên đất Mỹ, Argentina của Messi gục ngã trước Chile trong trận chung kết Copa America Centenario 2016. Với những kẻ chiến bại, luôn có những góc máy quay đặc biệt mang đến những khung hình độc đáo. Và ngày hôm ấy tại MetLife, là khung hình của một Messi không dám nhìn ra sân; anh chống tay vào thành của băng ghế dự bị bên ngoài đường piste.
Một thế hệ bị số phận quay lưng, thế hệ tài năng của những Messi, Aguero, Di Maria hay Higuain. Hơn hai thập kỷ đợi chờ cho một danh hiệu lớn kể từ sau Copa America 1993 của thầy trò Alfio Basile, người Argentina đã luôn phải quen với cuốn phim buồn như thế.
Kể từ sau những giọt nước mắt giàn giụa lăn trên gương mặt đỏ bừng của Messi khi ngước nhìn sắc đỏ Chile bước lên bục cao nhất tại MetLife, quãng thời gian 2 năm trôi qua là đủ để phủ lấp lên những nỗi đau, cũng như gieo mầm cho một niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng World Cup trên đất Nga. Cũng là niềm hy vọng giành danh hiệu có lẽ là cuối cùng với Messi và nhiều đồng đội.
Có người bảo rằng hành trình đến với cái đích luôn mang đến những sự thỏa mãn hơn là cái kết. World Cup 2014, rồi Copa America 2015, cho đến Copa America Centenario 2016, Albiceleste đã viết nên những cuộc hành trình đầy hy vọng, cho dù luôn phải chứng kiến một cái kết duy nhất. Với cuộc hành trình trên đất Nga lần này, cái kết vẫn là một dấu hỏi, nhưng con đường đã đi qua của họ, chỉ mang đến sự hoài nghi và thất vọng.
Vượt qua vòng bảng trong gang tấc, Argentina có thể đã lại thắp nên hy vọng, nhưng ngọn đuốc chưa thể cháy rực ngay lập tức. Và bạn có biết, phần thưởng dành cho Messi và các đồng đội của anh sau chiến thắng trước Nigeria là gì không?
Là tuyển Pháp. Là thêm những áp lực, thêm những căng thẳng, thêm những âu lo. Trước “phần thưởng” ấy, Messi sẽ phải con người hơn. Chiến đấu và chiến đấu mà thôi.