Rạng sáng 19/2 (giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh tàu thăm dò Perseverance lên bề mặt Hỏa tinh, bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên "hành tinh đỏ" cách đây hàng tỷ năm.
Trong quá trình thăm dò, Perseverance sẽ thả máy bay trực thăng nhỏ có tên Ingenuity. Chiếc trực thăng này có chuyến bay 30 ngày, giúp ghi lại hình ảnh và video trên Hỏa tinh.
Ngoài nhiệm vụ trên, Ingenuity cũng sẽ là chiếc trực trăng đầu tiên bay trên bề mặt hành tinh ngoài Trái Đất. Theo The Verge, Ingenuity chạy trên Linux, hệ điều hành nguồn mở được sử dụng khá phổ biến hiện nay.
Trực thăng Ingenuity chạy trên hệ điều hành Linux, có nhiệm vụ ghi lại hình ảnh trên Hỏa tinh cùng tàu thăm dò Perseverance. Ảnh: NASA. |
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa Linux lên Hỏa tinh", Tim Canham, kỹ sư Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) cho biết Ingenuity sử dụng khung phần mềm (framework) có tên F' (F frame) đã được công khai mã nguồn trên Internet, dành cho các vệ tinh nhỏ và một số công cụ khác.
"Đây là một thành tựu của mã nguồn mở khi chúng tôi sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở, khung phần mềm mã nguồn mở và các bộ phận thương mại cho trực trăng", Canham cho biết những người yêu khoa học có thể chế tạo chiếc trực trăng với linh kiện, hệ điều hành giống như Ingenuity.
Sau khi tiếp đất, Perseverance đã gửi về bức ảnh đầu tiên ghi lại khoảnh khắc tàu thăm dò cách bề mặt Hỏa tinh khoảng 2 m. Sau đó, Perseverance tiếp tục gửi loạt ảnh màu, cho thấy bề mặt màu đỏ đặc trưng của Hỏa tinh.
Perseverance hạ cánh tại vị trí cách địa điểm có khả năng từng là đồng bằng của một con sông khoảng 2 km, thuộc khu vực có tên Miệng hố Jezero.
Sau khi nhận được dữ liệu từ trực thăng Ingenuity, Perseverance sẽ gửi toàn bộ chúng về NASA. Lúc này, nhiệm vụ thăm dò mới thực sự diễn ra.
Trong 2 năm tiếp theo, tàu thăm dò Perseverance sẽ điều tra khu vực này để tìm kiếm bằng chứng cuộc sống từng tồn tại trên Hỏa tinh trong quá khứ.